Là thành viên Chính phủ đầu tiên lên “ghế nóng” trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội diễn ra ngày 15/11, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa xoáy vào các điểm nóng của ngành công thương. Trong đó, nội dung nổi cộm được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn tư lệnh ngành công thương là số phận của 5 dự án lớn, gây thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách như: Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Xăng sinh học Ethanol...
Chủ trì điều hành phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “ra đề” với tư lệnh ngành công thương là: các vấn đề cử tri quan tâm, đại biểu sẽ đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng về việc đánh giá tổng thể phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan?
“Nguyên nhân thua lỗ, yếu kém của những siêu dự án là gì, đề nghị Bộ trưởng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và những kiến nghị để giải quyết những bất cập, không để tình trạng ‘con voi chui lọt lỗ kim’ như vừa qua”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã có đánh giá sơ bộ về 5 dự án đầu tư từ năm 2008 đến nay trong nhiều lĩnh vực: xơ sợi, xăng sinh học, gang thép... Các dự án này đều có chủ trương đầu tư kéo dài quá thời hạn so với được phê duyệt. Như dự án Đạm Ninh Bình không những kéo dài quá trình đầu tư, mà giờ cũng không tất toán được đầu tư dù đã đi vào vận hành. Các dự án có điểm chung là thị trường thế giới biến động như dầu thô từ mức hơn 100 USD/thùng, thậm chí 170 USD/thùng, hiện chỉ còn trên dưới 40 USD/thùng, nên đã ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của dự án. Dự án xơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh nổi với các dự án đầu tư của nước ngoài có giá thành rẻ hơn.
"Các dự án này hiệu quả kinh tế đều không còn, dù có vận hành thương mại cũng không đủ cạnh tranh, thậm chí nhiều dự án doanh thu không đủ bù chi phí. Có thể tính tới bán dự án, thậm chí tuyên bố phá sản nếu cần thiết", Bộ trưởng nói và cho biết thêm, Bộ đã báo cáo Chính phủ và sau cuộc họp này Chính phủ sẽ đưa ra quyết định cụ thể.
Chưa thỏa mãn với phần trả lời trên, nhiều đại biểu tiếp tục truy vấn. Đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ trưởng với dự án Đạm Ninh Bình, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) muốn Bộ trưởng nói rõ, nếu Nhà máy Đạm Ninh Bình hiệu quả kinh tế không còn thì có bán lại cho nhà đầu tư khác hay không? Hướng giải quyết cho 700 công nhân tại nhà máy này thế nào?
“Những dự án tư nhân thất thoát thì họ phải chịu trách nhiệm, nhưng tại nhiều dự án nhà nước thua lỗ, không biết quy trách nhiệm cho ai. Tất nhiên, đó không phải là trách nhiệm của người đương nhiệm mà phải là những người tiền nhiệm đã thực hiện dự án. Vậy Bộ trưởng sẽ quy trách nhiệm cho ai trong việc để thất thoát như trên?”, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chất vấn. Một đại biểu khác của Hà Nội là ông Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi: “Cứ đưa cho doanh nghiệp nhà nước làm dự án là thất thoát, thua lỗ. Liệu Bộ trưởng có dám “trảm tướng” để khắc phục tình trạng này không?”.
Giải đáp về trách nhiệm của các bên liên quan trong đầu tư, quản lý và vận hành các dự án trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không loại trừ có sự cố tình làm sai. Các hành vi vi phạm pháp luật và cố tình làm sai trong quản trị, quản lý các dự án sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Không chỉ chất vấn về những dự án đã gây thua lỗ cả nghìn tỷ đồng, điều nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại là tới đây, danh sách các dự án gây thua lỗ, không hiệu quả có bị nối dài thêm? Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) hỏi: ngoài 5 dự án thua lỗ lên đến nhiều nghìn tỷ đồng, thực tế còn bao nhiêu dự án cũng đang gặp tình trạng tương tự? Liệu sau kỳ họp này có thêm một bản danh sách khác khiến nhân dân xót xa hay không?
Trong bối cảnh nợ công tăng cao đang gây áp lực cho an toàn nợ quốc gia, việc sử dụng không hiệu quả đồng vốn nhà nước đi vay như 5 siêu dự án trên, lại thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tính hiệu quả trong cung cách làm ăn của các doanh nghiệp nhà nước. Thực tiễn này càng đòi hỏi thúc đẩy nhanh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, để một mặt giảm thiểu nguy cơ thua lỗ trong kinh doanh của khối doanh nghiệp này, mặt khác mở thêm dư địa cho khối doanh nghiệp ngoài nhà nước - vốn được nhìn nhận là kinh doanh hiệu quả và năng động hơn, phát triển tích cực hơn trong thời gian tới.