BMW bị điều tra dùng phụ tùng Trung Quốc, Toyota mất 15 tỷ USD vốn hóa

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban tài chính của Thượng viện Mỹ cho biết ông đang mở rộng điều tra hãng xe BMW về việc sử dụng linh kiện điện tử của một nhà cung cấp Trung Quốc nằm trong diện cấm.

Nghi vấn Mini Cooper có phụ tùng của nhà cung cấp nằm trong danh sách cấm

Tháng trước, Thượng nghị sĩ Ron Wyden, Chủ tịch Ủy ban tài chính của Thượng viện Mỹ, cho biết sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm, ông phát hiện ra rằng BMW đã nhập khẩu ít nhất 8.000 xe Mini Cooper vào thị trường Mỹ, trong đó nhiều bộ phận xe đến từ một nhà cung cấp Trung Quốc bị cấm theo luật năm 2021 và BMW vẫn tiếp tục hành động này cho đến ít nhất là tháng 4 vừa qua.

Trong một lá thư mới gửi hôm 10/6 cho Giám đốc điều hành BMW Bắc Mỹ Sebastian Mackensen, thượng nghị sĩ Wyden đã hỏi liệu hãng xe Đức đã hoàn tất việc kiểm tra chuỗi cung ứng của mình để xác định xem các sản phẩm khác mà họ nhập khẩu có bao gồm các phụ tùng từ nhà cung cấp Trung Quốc Sichuan Jingweida Technology Group (JWD) hay không.

Mẫu xe điện mới Mini Cooper được giới thiệu tại buổi họp báo của tập đoàn BMW về hoạt động đầu tư sản xuất ô tô MINI ở Vương quốc Anh vào ngày 11/9/2023. Ảnh: Reuters

Mẫu xe điện mới Mini Cooper được giới thiệu tại buổi họp báo của tập đoàn BMW về hoạt động đầu tư sản xuất ô tô MINI ở Vương quốc Anh vào ngày 11/9/2023. Ảnh: Reuters

"BMW có chắc chắn rằng mình hiện không nhập khẩu xe có chứa linh kiện do JWD sản xuất không?" thượng nghị sĩ Wyden nêu rõ trong thư, đồng thời yêu cầu phía BMW trả lời vấn đề này trước ngày 21/6.

Thượng nghị sĩ Wyden cũng đề nghị BMW thực hiện bất kỳ biện pháp nào "để giải quyết bất kỳ ô tô hoặc phụ tùng nào có chứa các linh kiện JWD mà BMW nhập khẩu không đúng quy định" sau tháng 12/2023.

Tháng trước, BMW cho biết họ đã "thực hiện các bước để tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm bị ảnh hưởng".

Hãng xe Đức cũng cho biết họ sẽ tiến hành thay thế các phụ tùng cụ thể, đồng thời bổ sung thêm rằng công ty này "có các tiêu chuẩn và chính sách nghiêm ngặt liên quan đến thực tiễn tuyển dụng, nhân quyền và điều kiện làm việc mà tất cả các nhà cung cấp trực tiếp của chúng tôi phải tuân theo".

Năm 2021, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) nhằm tăng cường thực thi các luật nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc được cho là do những người thuộc nhóm dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ sản xuất bằng lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, phía Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc đó.

Hãng tin Reuters dẫn báo cáo cho hay, Bourns Inc, một nhà cung cấp ô tô có trụ sở tại bang California, đã mua phụ tùng từ JWD - công ty đã bị Mỹ bổ sung vào Danh sách thực thể bị cấm theo đạo luật UFLPA vào tháng 12 năm ngoái.

Bourns cung cấp phụ tùng JWD cho Lear Corp - nhà cung cấp trực tiếp cho BMW và các nhà sản xuất ô tô khác. Bourns đã phản hồi đến Lear Corp vào tháng 1/2024 rằng các linh kiện điện tử có tên gọi là máy biến áp xe ô tô LAN là do JWD sản xuất và bị cấm sử dụng trên các phương tiện nhập khẩu vào Mỹ.

Tháng trước, Lear Corp lên tiếng cho rằng các vấn đề được nêu ra là nghiêm túc, đồng thời đồng tình với “mong muốn của Ủy ban tài chính (thuộc Thượng viện Mỹ - BTV) trong việc chống lại lao động cưỡng bức”. Phía Lear Corp cũng khẳng định họ không có mối quan hệ trực tiếp với JWD.

Một loạt hãng ô tô Nhật Bản dính bê bối kiểm định an toàn

Trong diễn biến khác của thị trường ô tô, hãng xe Nhật Bản Toyota đã mất hơn 15 tỷ USD vốn hóa thị trường vào tuần trước vì bê bối kiểm định chất lượng.

Không riêng Toyota, cổ phiếu của hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn tại Nhật Bản đã "bốc hơi" mạnh sau khi Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch phát hiện ra dữ liệu sai lệch được sử dụng để chứng nhận chất lượng của một số mẫu xe vào tuần trước.

Cổ phiếu của hãng ô tô lớn nhất Nhật Bản, Toyota, đã giảm hơn 5,4% vào tuần trước sau khi vụ bê bối bị khui ra vào ngày 3/6. Chỉ trong tuần trước, Toyota đã mất 2,45 nghìn tỷ yên Nhật (tương đương 15,62 tỷ USD) vốn hóa thị trường.

Tương tự, cổ phiếu của Mazda, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai Nhật Bản, đã giảm 7,7%, khiến hãng xe này bốc hơi 80,33 tỷ yên vốn hóa thị trường.

Cuộc điều tra trên diện rộng của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch cũng phát hiện ra những điểm bất thường trong đơn đăng ký chứng nhận của các nhà sản xuất ô tô khác như Honda, Suzuki và Yamaha.

Tuần trước, cổ phiếu của Honda trượt giá 5,75% trong khi Yamaha giảm 2,2% và Suzuki Motor trượt nhẹ 0,3%.

Theo Reuters, tất cả 5 hãng ô tô Nhật Bản kể trên đều đã gửi dữ liệu thử nghiệm giả, hoặc trong trường hợp của Toyota và Mazda, hai hãng xe này đã gian lận các phương tiện được sử dụng trong thử nghiệm va chạm.

Sau báo cáo điều tra của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, Toyota tuyên bố vào ngày 3/6 rằng họ sẽ tạm dừng xuất xưởng và bán ra 3 mẫu xe hiện được sản xuất tại Nhật Bản, gồm: Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross.

Chủ tịch Toyota, Akio Toyoda, đã xin lỗi khách hàng và các bên liên quan của công ty, thừa nhận rằng 7 mẫu xe của hãng đã "được thử nghiệm bằng các phương pháp khác biệt với tiêu chuẩn do cơ quan chức năng quốc gia quy định".

Còn Mazda cho biết họ đã đình chỉ xuất xưởng 2 mẫu xe Roadster RF và Mazda 2 từ ngày 30/5.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch cho biết cơ quan này sẽ tiến hành kiểm tra tại chỗ đối với 5 hãng xe có hành vi gian lận.

Cuộc điều tra đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản diễn ra sau khi đơn vị thành viên Daihatsu của Toyota cho biết vào tháng 12 năm ngoái rằng họ sẽ tạm dừng xuất xưởng tất cả các loại xe cả ở nước ngoài và ở Nhật Bản. Vụ việc xảy ra sau một cuộc điều tra bê bối an toàn đã chỉ ra vấn đề ở khoảng 64 mẫu xe, trong đó có 22 chiếc được bán ra dưới thương hiệu Toyota.

Daihatsu cho biết vào tháng 4 năm ngoái rằng họ đã thực hiện các cuộc thử nghiệm an toàn va chạm bên hông cho 88.000 ô tô cỡ nhỏ, hầu hết trong số đó được bán ra dưới thương hiệu Toyota.

Tin bài liên quan