Trao đổi với báo chí cuối tuần qua, ông Lê Huy Hòa, thành viên chủ chốt một diễn đàn về bitcoin tại Việt Nam khẳng định, cộng đồng chơi bitcoin tại Việt Nam gia tăng với tốc độ chóng mặt. Đà phát triển chưa dừng lại, dù đồng bitcoin trên thế giới đang rớt thảm. Tại Việt Nam, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, bitcoin đã rớt giá từ 20 triệu đồng xuống còn hơn 6 triệu đồng.
“Tôi không quan tâm đến giá bitcoin, vì bản chất nó không phải là tiền. Tuy nhiên, nhiều người đang coi bitcoin như tiền thế hệ 2, là một phương tiện thanh toán mới để trao đổi. Nói cách khác, bitcoin là một thứ hàng hoá, nhưng xem cách vận hành của nó thì nó sẽ dần trở thành tài sản, vì càng để lâu càng tăng giá, nên người ta có tâm lý găm giữ”, ông Hòa nói.
Được biết, khi đồng bitcoin rớt giá mạnh, giới đầu tư Việt Nam đang chuyển sang “đào” hàng loạt phiên bản tiền ảo khác, như litecoin, peercoin, namecoin…, với giá rẻ hơn và dễ “đào” hơn.
Một nhà đầu tư cho biết: “Hiện nay, cộng đồng “đào” bitcoin của Việt Nam vẫn phát triển rất mạnh. Số nhà đầu tư nắm tiền tỷ bitcoin không phải ít. Tuy nhiên, hầu hết các “cao thủ” này đều ẩn danh để ẩn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng”.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có văn bản chính thức nào về tiền ảo, nhưng một nguồn tin cho hay, cơ quan này không chấp nhận thanh toán bằng bitcoin trên lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, NHNN cũng đang xem xét đưa ra văn bản chính thức về bitcoin và các loại tiền ảo.
Tuy nhiên, dường như dân chơi bitcoin đang phớt lờ thông tin cấm này. Ông Lê Huy Hòa cho rằng, các loại tiền ảo đang mọc ra ngày càng nhanh. Tuy nhiên, đưa ra căn cứ nào để cấm tiền ảo là “cả một vấn đề”. Ông Hòa khẳng định, các nhà đầu tư bitcoin vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào loại tiền này.
Theo một chuyên gia của Viện Chiến lược ngân hàng, bitcoin không phải là đồng tiền được pháp luật Việt Nam thừa nhận, do đó, thanh toán bằng bitcoin là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, websosanh và lamchame – hai doanh nghiệp đầu tiên chấp nhận thanh toán bằng bitcoin - hiện chưa đưa ra ý kiến gì.
Trong khi đó, NHNN đang xem xét rất thận trọng về vấn đề tiền ảo. Thậm chí, chưa một phát ngôn hay văn bản chính thức nào về vấn đề này được đưa ra. Cơ quan này đang tham khảo kinh nghiệm “ứng phó” với tiền ảo của chính phủ một số nước trên thế giới. Do vậy, các văn bản về quản lý tiền ảo chưa thể sớm được NHNN ban hành.
Dù tương lai của tiền ảo đang được cộng đồng “đào coin” tại Việt Nam tin tưởng, song có lẽ, đây chỉ là ảo tưởng. Năm 2011, bitcoin có giá 2 USD, sau đó đã tăng giá gấp 500 lần, lên 1.000 USD vào cuối năm 2013 và hiện chỉ chừng 300 USD. Không có cơ sở gì để khẳng định bitcoin không trở về mức giá của nó thời ban đầu.
“Trước mắt, sẽ có rất ít ngân hàng trung ương nào dám chấp nhận đồng tiền này. Vì vậy, rủi ro với những ai đang cố tìm kiếm lợi nhuận từ bitcoin sẽ là rất lớn”, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến cáo.