Các nhà thầu tại Bình Dương đang khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong ảnh: Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường tỉnh Bình Dương

Các nhà thầu tại Bình Dương đang khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong ảnh: Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường tỉnh Bình Dương

Bình Dương: Khắc phục khó khăn, các dự án xây dựng đẩy nhanh tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều dự án xây dựng lớn tại Bình Dương bắt nhịp xây dựng trở lại sau dịch. Chủ đầu tư cùng các nhà thầu đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng.

Công trường nhộn nhịp

Trên công trường Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường (TP. Thủ Dầu Một), tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, hiện có khoảng 400 kỹ sư, công nhân xây dựng đang tổ chức thi công nhiều hạng mục xây lắp cơ điện như hệ thống thang máy, thang cuốn; hệ thống điều hòa không khí và thông gió; hệ thống cấp điện và chiếu sáng khối nhà chính; lắp dựng cửa nhôm kính trong nhà, ngoài trời…

Cũng tại chân công trình bệnh viện trọng điểm của Bình Dương này, có hàng chục tấn thiết bị nhập khẩu vừa được nhà thầu Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) tập kết sẵn sàng cho khâu lắp đặt vào đầu tháng 11/2021.

Ông Phan Ngọc Phương, chỉ huy thi công của nhà thầu CC1 cho biết, từ ngày 1/10, phương án thi công trở lại dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường được CC1 triển khai thực hiện. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng CC1 đã huy động nhân lực, thiết bị cao nhất trong điều kiện phòng dịch ngặt nghèo nhằm đẩy nhanh tiến độ.

“Từ đầu tháng 11, chúng tôi huy động hơn 400 kỹ sư, công nhân làm việc liên tục trên công trường dự án. Sau giãn cách, nhà thầu gặp không ít trở ngại như thiếu hụt nhân công do lượng lớn lao động về quê tránh dịch chưa thể quay lại Bình Dương làm việc; vật liệu xây dựng khan hiếm và giá tăng cao; nhập khẩu thiết bị, máy móc khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhà thầu CC1 quyết tâm khắc phục khó khăn, tới đầu tháng 12/2021, lượng nhân công, kỹ sư xây dựng sẽ được huy động tối đa hơn 500 người/ngày”, ông Phan Ngọc Phương nói.

Ngay khi dịch bệnh tạm lắng, các biện pháp giãn cách được nới lỏng, chủ đầu tư cùng các nhà thầu tại Bình Dương đã đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Hiện tại, nhiều công trình đã lấy lại nhịp độ cao.

Cũng theo ông Phương, khối lượng vốn xây lắp Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường phân bổ cho năm 2021 là 286,9 tỷ đồng. Hiện tại, nhà thầu CC1 đã hoàn thành hơn 90% đầu mục công việc; tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhà thầu sẽ quyết tâm giải ngân hết số vốn được phân bổ trong năm. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đưa Dự án đi vào vận hành trong tháng 6/2022.

Còn tại Dự án Xây dựng Trường tiểu học Định Hòa 2 (TP. Thủ Dầu Một), có giá trị xây lắp hơn 88,2 tỷ đồng, để đảm bảo tiến độ, nhà thầu đã tổ chức thi công “3 tại chỗ”. Quá trình chuẩn bị gấp gáp, nhưng với các điều kiện thuận lợi như mặt bằng rộng, sẵn máy móc thiết bị, được sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư với nhà thầu, chính quyền địa phương hỗ trợ tích cực nên phương án “3 tại chỗ” được triển khai nhanh chóng. Công nhân "ăn tại chỗ”, "nghỉ tại chỗ” và "làm việc tại chỗ", tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc 5K, nhà thầu chia nhỏ lực lượng lao động thành các tổ, đội, phân công Tổ trưởng trực tiếp phụ trách các hoạt động ăn, ở, ra vào công trường, hạn chế tối đa việc tiếp xúc để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Nhờ đó, hơn 4 tháng áp dụng giãn cách xã hội, hoạt động thi công tại dự án này được duy trì tốt và an toàn với Covid-19, tiến độ đảm bảo kế hoạch đề ra. Ngay sau khi dừng các biện pháp giãn cách, thiết bị và công nhân xây dựng được nhà thầu huy động tối đa đảm bảo tốt tiến độ giải ngân để sớm đưa Dự án đi vào sử dụng.

Tương tự, không khí trên công trường Dự án Xây dựng bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai, đoạn từ cầu Rạch Tre đến Thị ủy thị xã Tân Uyên (giai đoạn II) cũng khá nhộn nhịp. Dự án này có tổng mức đầu tư 336 tỷ đồng, trong đó phần xây dựng hơn 239 tỷ đồng. Công trình kè này có kết cấu tường đứng dạng góc kết hợp chân kè gia cố mái nghiêng, xử lý nền móng kè bằng cọc vuông bê tông cốt thép, có tổng chiều dài 1.045 m.

Ông Nguyễn Danh Thắm, Chỉ huy trưởng nhà thầu thi công đoạn 4, thuộc Công ty cổ phần Đại Thiên Trường cho biết, trong thời gian tỉnh Bình Dương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống Covid-19, nhà thầu tổ chức thi công theo phương án “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, trong điều kiện phòng dịch khắt khe, vấn đề nhân công, cung ứng vật tư xây dựng đứt quãng, nên công tác thi công rơi vào cảnh cầm chừng. Dù rất nỗ lực, nhưng nhà thầu cũng chỉ huy động được khoảng 30% năng lực cho công tác thi công.

“Với giá trị xây lắp đoạn 4 của công trình khoảng 140 tỷ đồng và thời hạn thi công tới ngày 31/12/2021 phải hoàn thành, chúng tôi đang khẩn trương khắc phục trở ngại để huy động máy móc thiết bị và nhân lực tối đa, nhằm đẩy cao cường độ xây dựng, bù lại tiến độ bị chậm vì dịch. Nhà thầu Đại Thiên Trường đã đề nghị cơ quan hữu trách tỉnh Bình Dương tháo gỡ khó khăn về quy định phòng dịch để các công nhân về quê sớm trở lại công trường. Chúng tôi hy vọng sẽ huy động nhân lực ở mức tối đa theo biểu đồ tiến độ ở mức 100 công nhân/ngày", ông Thắm nói.

Cũng theo đại diện nhà thầu Đại Thiên Trường, Dự án Xây dựng bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai đang vướng vấn đề giải phóng mặt bằng, khi còn khoảng 50 m chiều dài tuyến kè chưa có mặt bằng thi công. Được biết, Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Tân Uyên đang triển khai việc chi trả kinh phí đền bù và hỗ trợ người dân di dời để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Hiện tại, nhà thầu Đại Thiên Trường huy động đầy đủ thiết bị như sà lan, cần cẩu, búa đóng cọc, máy đào, đồng loạt thi công các hạng mục sản xuất cọc bê tông cốt thép, đóng cọc bê tông cốt thép; xây dựng tường đứng, tường sườn; bảo vệ mái kè, thảm đá bọc nhựa PVC, trải vải địa kỹ thuật… Giá trị xây lắp đã thực hiện đạt 95 tỷ đồng.

Ba tháng cuối năm, Đại Thiên Trường sẽ gấp rút bổ sung máy móc, thiết bị, nhân công để thi công đồng loạt, nhanh chóng hoàn thành công trình vào đầu năm 2022.

Quyết liệt gỡ nút thắt

Trước những khó khăn trong công tác thi công, giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án xây dựng, là một trong những đơn vị được UBND tỉnh Bình Dương giao làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp để gỡ các nút thắt trọng yếu.

Ông Nguyễn Vĩnh Toàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2021, Ban được UBND tỉnh giao kế hoạch đầu tư công với tổng số hơn 1.152 tỷ đồng cho danh mục 20 dự án (gồm 5 dự án chuẩn bị đầu tư, 15 dự án thực hiện đầu tư). Ngoài ra, kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 kéo dài sang năm 2021 hơn 680 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng lớn từ đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư. Thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội chống dịch khoảng 4 tháng. Cùng với dịch bệnh, nhiều khó khăn khách quan nảy sinh như giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, tình hình cung ứng trở ngại và đứt đoạn nặng nề đã khiến hầu hết các dự án đầu tư xây dựng phải ngừng thi công. Thực trạng trên đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Tính đến hết tháng 9/2021, kết quả giải ngân các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư còn tương đối thấp.

Ngay khi dịch bệnh tạm lắng, các biện pháp giãn cách được nới lỏng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương đã đôn đốc, phối hợp chặt chẽ cùng các nhà thầu và đơn vị tư vấn liên quan, khẩn trương triển khai thi công các công trình xây dựng. Hiện tại, nhiều công trình đã lấy lại nhịp độ cao. Hy vọng, dịch bệnh được kiểm soát tốt và thời tiết thuận lợi những tháng còn lại của năm 2021, tiến độ xây dựng nhóm 15 dự án thực hiện đầu tư được đẩy nhanh và tiến độ giải ngân đạt ở mức độ cao nhất trong điều kiện thực tế.

Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương đang triển khai 3 nhóm giải pháp tháo gỡ những nút thắt trọng yếu.

Một là, trong khâu chuẩn bị đầu tư, tăng cường công tác lựa chọn các nhà thầu tư vấn có chất lượng để triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư để nâng cao chất lượng hồ sơ thiết kế cũng như trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, tránh phải điều chỉnh thiết kế dẫn đến điều chỉnh dự án đầu tư làm kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí.

Hai là, đối với dự án ở giai đoạn triển khai thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương quyết tâm lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, phù hợp với tính chất từng gói thầu đang mời thầu. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, quản lý tiến độ, khối lượng hợp đồng, tuân thủ thời gian thực hiện với các dự án đang thi công xây dựng.

Ba là, về vấn đề mặt bằng thi công, tăng cường phối hợp với các trung tâm phát triển quỹ đất của các huyện, thị xã, nhanh chóng hoàn chỉnh thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chủ trương di dời để tạo mặt bằng thi công, đẩy nhanh tiến độ.

“Trong bối cảnh gặp vô vàn khó khăn trong giải ngân đầu tư công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương quyết tâm cao để giải ngân nhiều nhất nguồn vốn đầu tư công được giao kế hoạch, tạo tiền đề thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 mà Ban được giao làm chủ đầu tư. Dự kiến, tổng số vốn bố trí trung hạn giai đoạn tới Ban được giao khoảng 2.800 tỷ đồng, bố trí cho 26 dự án”, ông Nguyễn Vĩnh Toàn cho biết.

Tin bài liên quan