Trước thềm cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 tổ chức ngày 21/4 tới tại Hà Nội, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại (TNG) đã công bố trong tài liệu đại hội cổ đông kế hoạch sản xuất, kinh doanh đầy tham vọng với mức tăng trưởng bình quân 15%/năm từ nay đến năm 2024.
Trước đó, trong kế hoạch 5 năm đặt ra từ 2018-2022, TNG đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận khoảng 10%/năm.
Năm 2018, TNG đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 3.613 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ đồng, tăng 45% và 57% so với năm trước.
Năm 2019, Hội đồng quản trị TNG đề xuất kế hoạch doanh thu 4154 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 208 tỷ đồng.
Cho đến thời điểm này, TNG đã ký kết các hợp đồng đủ đơn hàng cho đến tháng 09 /2019. Nếu duy trì được tốc độ như hiện nay, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho rằng, năm 2019, Công ty có thể cán đích doanh thu 4.500 tỷ đồng.
Ngoài các khách hàng hiện hữu như ZARA, MANGO, GAP, CK, Decathlon, The Children’s Place… Gần đây TNG nhận được nhiều đề nghị hợp tác mới. Công ty đã mở rộng hợp tác với khách hàng như G-III (Mỹ), IMPERAL (Canada), CHOIS ( Hàn Quốc). Ông Thời cho biết, đơn hàng từ Mỹ và Canada rất nhiều, làm không xuể, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may như TNG chọn lọc khách hàng đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Hiện thị phần của TNG tập trung ở 3 thị trường lớn gồm Mỹ chiếm tỷ trọng trên 50%, châu Âu 45%.
Hiệp định CPTPP có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn cho TNG ở các thị trường mới như Nhật Bản, Canada, Singapore… TNG có lợi thế trong ưu đãi về thuế xuất khẩu khi doanh nghiệp đang chuyển mạnh sang phương thức FOB (chủ động nguyên liệu và bán thành phẩm). Ông Thời cho biết, TNG nhập khẩu nhiều nguyên liệu ở các thị trường tham gia CPTPP nên sản phẩm dệt may đảm bảo yêu cầu “nguyên liệu có xuất xứ từ sợi trở đi”. Hiện không có nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể chủ động đáp ứng yêu cầu này.
Hiện TNG sở hữu 11 chi nhánh may, 2 chi nhánh sản xuất hàng may mặc phụ trợ với tổng số 220 chuyền may. Công ty đặt mục tiêu tăng lên 250 chuyền may vào năm 2020, giảm tỷ trọng hàng CMT (thuần túy gia công), tăng tỷ trọng FOB từ đó cải thiện biên lãi gộp. Bên cạnh đó, công ty cũng đang phát triển thêm mảng ODM (tự thiết kế và sản xuất) với thương hiệu TNG Fashion có biên lãi gộp cao, khoảng 30%-40%.
Chia sẻ về kinh nghiệm tạo ra tốc độ tăng trưởng đột phá trong năm 2018 và khả năng duy trì phong độ trong năm 2019 và các năm tiếp theo, ông Nguyễn Văn Thời cho biết, TNG đã triển khai nhiều giải pháp như xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh chi tiết, giao cho các tổ sản xuất; Thuê chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là tạo động lực cho người lao động. Bên cạnh đó, Công ty cũng dành nguồn lực lớn để đầu tư máy móc thiết bị mới hiện đại như máy trải vải tự động, máy nhồi lông vũ tự động, máy lập trình tự động, máy in bao bì tự động, máy in vải tự động,…. Năm 2018, TNG đã tuyển dụng tới gần 2.400 lao động. Đây cũng là các giải pháp công ty tiếp tục phát huy trong năm 2019, đồng thời triển khai thêm nhiều công cụ quản trị mới để tiếp tục gia tăng hiệu quả hoạt động của Công ty.
Kết thúc quý I, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 7,3 tỷ USD, tiếp tục duy trì ở mức cao. Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, triển vọng năm 2019 và các năm tới là khả quan. Tại Mỹ, Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 với thị phần chiếm 13,2%, chỉ đứng sau Trung Quốc (thị phần 36%). Từ năm 2014 đến năm 2018, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc tại thị trường Mỹ có dấu hiệu giảm dần. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung diễn ra kỳ vọng sẽ tạo cơ hội tốt cho các thị trường khác như Việt Nam, Bangladesh, Mexico tiếp tục gia tăng thị phần tại Mỹ nhờ có sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019 mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng dệt may, đặc biệt khi thị phần của các nước trong Hiệp định chiếm xấp xỉ 16% trong tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, Nhật, Canada là 2 quốc gia trong hiệp định nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam nhiều nhất.
Đồng thời, nếu hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua năm 2019 cũng sẽ là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.