Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN).
Ngày 11/10, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ông Fatih Birol, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực chống biến đổi khí hậu thông qua hành động thực tế và có kế hoạch trên phạm vi toàn cầu trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Quan chức IEA bày tỏ kỳ vọng hội nghị sẽ đạt được ba kết quả chính. Thứ nhất, đó là tăng các cam kết đưa lượng khí phát thải ròng về 0. Theo ông, hiện ngày càng nhiều nước cam kết đạt mục tiêu này vào năm 2050, nhưng ngay cả khi những nước này đạt được mục tiêu đề ra thì chặng đường đạt được mục tiêu khí hậu chung vẫn còn xa vời.
Thứ hai, đó là giải pháp cho vấn đề đầu tư vào năng lượng sạch ở các nước đang phát triển - yếu tố mà ông Birol cho là điểm yếu của toàn bộ quá trình thảo luận về tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Theo ông, khí thải mà các nước đang phát triển thải ra sẽ chiếm hơn 80% tổng lượng khí thải trong 20 năm tới, song chỉ 20% khoản đầu tư tài chính vào năng lượng sạch được đổ vào các nước này.
Vậy nên, các nền kinh tế phát triển, trong đó có các nước thành viên Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), cần cam kết đảm bảo nguồn đầu tư vào năng lượng tái tạo cho các nước đang phát triển tại hội nghị COP26.
Cuối cùng, chính phủ các nước tham gia COP26 cần có quan điểm cứng rắn trong việc thực thi các chính sách chống biến đổi khí hậu và đưa ra tín hiệu rõ ràng cho các nhà đầu tư trên thế giới để tránh tình trạng đầu tư vào các nguồn năng lượng truyền thống.
Giám đốc Birol tin rằng các nước trên thế giới từ Trung Quốc cho đến Mỹ, các nước châu Âu và châu Phi, đều có một động lực chính trị mạnh mẽ khi tham dự hội nghị COP26. Tuy nhiên giờ đây, các nước cần chuyển hóa động lực này thành hành động thực tế trên phạm vi toàn cầu thay vì chỉ dừng lại ở những sáng kiến đơn lẻ, đồng thời cần lên kế hoạch sử dụng năng lượng rõ ràng.
Theo lãnh đạo IEA, ưu tiên hàng đầu là việc xử lý lượng khí thải từ sử dụng than đá để sản xuất điện - vốn chiếm khoảng 30% lượng khí thải toàn cầu.
Than đá từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn năng lượng cho kinh tế thế giới và hiện nay vẫn được sử dụng rộng rãi ở châu Á để đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng ở châu lục này, đặc biệt ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Việc thuyết phục đóng cửa các nhà máy này khi dự án đầu tư còn chưa đến giai đoạn sinh lời là rất khó khăn và đây là vấn đề chính cần tháo gỡ.
Ông Birol nhấn mạnh tầm quan trọng của những chính sách cấp quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đặc biệt khi mà đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cuộc sống của con người và ở một khía cạnh tích cực đã góp phần giảm khí thải trong một giai đoạn nhất định.
Tuy nhiên, nếu thiếu các chính sách đúng đắn thì thế giới sẽ lại chứng kiến lượng khí thải gia tăng trở lại sau đại dịch. Theo số liệu thống kê thì lượng khí thải toàn cầu năm 2021 sẽ tăng cao, chạm mốc đứng thứ hai trong lịch sử. Để giảm nguy cơ này đòi hỏi triển khai đồng bộ và toàn diện các chính sách quốc gia.