Các nhà hoạch định chính sách không chỉ nhận thấy cần phải tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản, mà còn cho biết các đợt tăng tương tự có thể sẽ cần thiết trong một số cuộc họp tới.
Họ lưu ý thêm rằng, chính sách tiền tệ có thể phải vượt qua lập trường “trung lập”, tức không hỗ trợ cũng không hạn chế tăng trưởng, đây là một cân nhắc quan trọng đối với các ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng xuyên suốt nền kinh tế.
“Hầu hết những người tham gia đều đánh giá rằng, mức tăng 50 điểm cơ bản trong phạm vi mục tiêu có thể sẽ phù hợp trong một vài cuộc họp tiếp theo”, biên bản cuộc họp cho biết. Ngoài ra, các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) chỉ ra rằng: “một lập trường chính sách thắt chặt có thể trở nên phù hợp tùy thuộc vào triển vọng kinh tế đang phát triển và những rủi ro đối với triển vọng”.
Tại cuộc họp tháng 5, FOMC đã thông qua việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản và đưa ra kế hoạch giảm bảng cân đối 9 nghìn tỷ USD của ngân hàng trung ương, bao gồm chủ yếu là trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp bắt đầu từ tháng 6.
Đó cũng là lần tăng lãi suất lớn nhất trong 22 năm và diễn ra khi Fed đang cố gắng giảm lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm.
Định giá thị trường hiện cho thấy, Fed sẽ chuyển sang mức lãi suất chính sách khoảng 2,5 -2,75% vào cuối năm nay, điều này sẽ phù hợp với một mức lãi suất trung lập. Tuy nhiên, các tuyên bố trong biên bản cho thấy rằng, ủy ban đã sẵn sàng để vượt ra khỏi mức lãi suất trên.
“Tất cả các quan chức tái khẳng định cam kết mạnh mẽ và quyết tâm thực hiện các biện pháp cần thiết để khôi phục sự ổn định giá cả”, biên bản tóm tắt cuộc họp nêu rõ.
“Để đạt được mục tiêu này, các đại biểu đã đồng ý rằng, Ủy ban nên nhanh chóng chuyển quan điểm của chính sách tiền tệ sang tư thế trung lập, thông qua cả việc tăng trong phạm vi mục tiêu đối với lãi suất quỹ liên bang và giảm quy mô bảng cân đối của Cục Dự trữ Liên bang”, biên bản cho biết.
Biên bản đã đề cập đến lạm phát, các quan chức đã bày tỏ lo ngại về giá cả tăng cao ngay cả trong bối cảnh tin tưởng rằng chính sách của Fed và việc nới lỏng một số yếu tố như các vấn đề chuỗi cung ứng, kết hợp với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ giúp cải thiện tình hình. Mặt khác, các quan chức lưu ý rằng căng thẳng ở Ukraine và các đợt phong tỏa liên quan đến Covid ở Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát.
Tuần trước, ông Powell cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Wall Street Journal rằng, sẽ cần “bằng chứng rõ ràng và thuyết phục” rằng lạm phát đang giảm xuống mức mục tiêu 2% của Fed trước khi việc tăng lãi suất sẽ dừng lại.
Bên cạnh quyết tâm giảm lạm phát là những lo ngại về sự ổn định tài chính.
Các quan chức bày tỏ lo ngại rằng, chính sách thắt chặt hơn có thể gây ra bất ổn cho cả thị trường trái phiếu Kho bạc và thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, các quan chức vẫn cam kết tăng lãi suất và giảm bảng cân đối kế toán. Biên bản nêu rõ rằng, làm như vậy sẽ khiến Fed “có vị thế tốt vào cuối năm nay” để đánh giá lại tác động của chính sách tiền tệ đối với lạm phát.