Không thể phủ nhận “biểu tượng” của ngành chế tạo ô tô Nhật Bản này đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là tại thị trường Mỹ, từ những vụ bê bối phải thu hồi xe hơi vì lý do an toàn, cho tới mối quan hệ đang dần lỏng lẻo hơn với các nhà chức trách tại đây.
Mới đây nhất, Toyota lại trở thành mục tiêu chỉ trích của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trên mạng xã hội Twitter, cùng với hai nhà chế tạo ô tô khác là Ford và General Motors, vì những khoản đầu tư vào sản xuất xe hơi tại thị trường Mexico.
Ông Trump còn cảnh báo sẽ thực hiện áp thuế nhập khẩu cao đối với công ty này nếu vẫn xây dựng nhà máy sản xuất mới ở Mexico. Tuy nhiên, cách mà Toyota phản ứng lại “khủng hoảng truyền thông” xứng đáng là một hình mẫu mà nhiều nhà sản xuất ô tô khác cần học tập.
Ngay sau tuyên bố của ông Trump, Akio Toyoda, Giám đốc điều hành Toyota khẳng định sẽ chi 10 tỷ USD để đầu tư tại Mỹ trong vòng 5 năm tới, như một phần của kế hoạch “tiếp tục” hoạt động mạnh mẽ ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Động thái của ông Toyoda được đưa ra như một thông điệp tích cực giúp trấn an thị trường và khách hàng, dù phần lớn trong các khoản đầu tư nói trên đã được Toyota lên kế hoạch. Một điểm đáng chú ý khác là Toyota sẽ không hủy bỏ kế hoạch phát triển các nhà máy mới ở Mexico, cho dù phải chịu sức ép không nhỏ.
Dù những tranh cãi về quyết định đầu tư nói trên vẫn chưa thể sánh bằng các vấn đề chất lượng từng đè nặng lên tên tuổi của Toyota, song sức ép mà hãng này đang phải đối mặt để có thể duy trì quan hệ tốt đẹp với chính phủ Tổng thống Donald Trump cũng không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, những chỉ trích của ông Trump được đưa ra trong một thời điểm không thể tệ hơn. Trong bối cảnh doanh số bán xe hơi tại thị trường Mỹ gần như đã chạm đỉnh, sẽ không dễ để Toyota có thể tăng cường chi tiêu xây dựng thêm những nhà máy mới ở thị trường đã bão hòa này. Nếu tiếp tục mở rộng theo hình thức “thắt cổ chai” như vậy, những rủi ro mà tập đoàn này có thể phải giải quyết thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Giữ được quan hệ tốt với chính quyền Donald Trump giống như chính phủ sắp mãn nhiệm Barack Obama được coi là ưu tiên quan trọng mà Toyota đã xác định.
Một khi các quy định về khí thải carbon mới được áp dụng tại California từ năm 2018 và nhiều khu vực khác trên toàn nước Mỹ, Toyota sẽ cần rất nhiều sự hỗ trợ của chính phủ để có thể xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất các mẫu xe thân thiện với môi trường, giống như những gì mà tập đoàn này từng đạt được khi trình làng dòng xe lai Prius và xây dựng được hình ảnh là nhà sản xuất xe hơi tiên phong trong bảo vệ môi trường.
Trên thực tế, Toyota không phải là nhà sản xuất xe hơi duy nhất phải chịu các thách thức từ ông Donald Trump. Nhiều nhà cung cấp linh kiện Nhật Bản nhỏ hơn, với năng lực “vận động hành lang” yếu hơn và kinh nghiệm hoạt động tại thị trường nước ngoài không phong phú như Toyota cũng đã theo gót Nissan, Honda bước chân vào thị trường Mexico.
Mabuchi Motor, nhà sản xuất các thiết bị cơ điện nhỏ cho xe hơi, có kế hoạch đầu tư 5,7 tỷ yên (50 triệu USD) cho nhà máy mới tại Mexico, cơ sở sản xuất đầu tiên của hãng bên ngoài châu Á. Trong lĩnh vực nguyên vật liệu, Toray đang đầu tư 10 tỷ yên để xây dựng các cơ sở sản xuất tại Mexico để sản xuất sợi nylon và sợi quang học cho túi khí xe hơi.
“Mọi công ty trong ngành công nghiệp ô tô có hoạt động tại Mexico rõ ràng rất lo ngại về các chính sách của ông Trump. Tuy nhiên, thương trường là chiến trường và chúng tôi phải chấp nhận điều đó và tiến về phía trước”, một quan chức công ty sản xuất linh kiện ô tô Nhật Bản tại Mexico cho biết.