“Bệ đỡ” CPI quý I

“Bệ đỡ” CPI quý I

(ĐTCK) Lạm phát quý I thường bằng 50% lạm phát cả năm. Năm nay, nếu trong quý I, lạm phát ở dưới 3% sẽ là một lực đỡ cho TTCK.

Báo cáo của các bộ, ngành lên Thủ tướng Chính phủ cho biết, CPI tháng 2 ước chỉ tăng 1,3 - 1,4% so với tháng 1/2013 và tăng 1,25% so với tháng 12/2012. Đây là mức tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân hơn 2% của tháng 2 trong các năm trước đó. Con số CPI chính thức trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm sẽ được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố vào ngày 24 tới đây.

Trao đổi với ĐTCK, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, các năm trước, lạm phát quý I thường bằng 50% lạm phát cả năm. Năm nay, nếu trong quý I, lạm phát ở dưới 3% sẽ là một lực đỡ cho TTCK. Nếu nhìn sang TTCK Mỹ, chỉ số Dow Jones đã lên tới gần 14.000 điểm, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước khủng hoảng (10.000 điểm), chứng tỏ kinh tế Mỹ đã có sự phục hồi khá mạnh. Là thị trường mới nổi, nhưng chứng khoán Việt Nam lại có diễn biến thuận với một số TTCK lớn, trong đó có thị trường Mỹ, nên dù còn nhiều thách thức phía trước, TTCK 2013 vẫn có triển vọng tích cực hơn năm 2012.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, mấy tháng qua, TTCK tăng khá đều là do nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy cơ hội đầu tư dài hạn đã đến, nên gia tăng đầu tư. Dòng vốn ngoại này đã kích thích sự lạc quan của nhà đầu tư nội, khiến dòng vốn chảy mạnh hơn vào chứng khoán, thanh khoản của thị trường cải thiện rõ rệt với nhiều phiên giao dịch đạt giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, công bố gần đây của Chính phủ về các giải pháp xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, khơi thông thị trường bất động sản… đã giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn.

Tuy nhiên, TTCK là thị trường của niềm tin và kỳ vọng, vì thế, khi kỳ vọng đã dần trở lại với nhà đầu tư thì câu hỏi tiếp theo là kỳ vọng sẽ kéo dài được bao lâu? Có lực đỡ nào hỗ trợ thị trường ổn định trong dài hạn? Cùng với những thông tin tích cực từ nội ngành chứng khoán và các DN sắp công bố trong mùa đại hội đồng cổ đông, thì điều nhà đầu tư chờ đợi là sự ra đời của công ty xử lý nợ quốc gia.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu cuối quý I, công ty này được thành lập và có đường hướng hoạt động rõ ràng, sẽ góp thêm lực hỗ trợ TTCK. Khả năng TTCK tiếp đà sôi động sang quý II và quý III, sau đó chuyển sang giai đoạn tăng trưởng ổn định. Ở chiều ngược lại, TTCK dễ rơi vào tình trạng giảm sâu, tâm lý hoang mang sẽ lấn lướt nếu dư luận không thấy những kết quả rõ ràng từ các chính sách và quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đã công bố.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, CPI giảm tốc thường tác động tích cực đến TTCK trong điều kiện bình thường, hoặc khi nền kinh tế đang ở mức lạm phát cao. CPI giảm chỉ tác động tiêu cực đến TTCK trong trường hợp nền kinh tế đang giảm phát, vì đó là dấu hiệu cho thấy kinh tế tiếp tục xấu đi, thậm chí rơi vào tình trạng trì trệ. Tại Việt Nam, CPI thấp trong bối cảnh hiện nay được kỳ vọng là một trong các yếu tố quan trọng, tạo ra cú hích giúp TTCK khởi sắc trong tương lai gần.