Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc BCCE
Với mục tiêu thiết lập thị trường giao dịch trực tiếp, trực tuyến, giảm chi phí trung gian, giải quyết bài toán đầu ra cho những người sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh, chế biến và xuất khẩu cà phê cũng như các mặt hàng nông sản khác. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc BCCE về vấn đề này.
Xin ông cho biết quy mô cũng như mục tiêu ra đời của BCCE?
BCCE được thành lập trên cơ sở chuyển đổi Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk với vốn điều lệ 75,5 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Đắk Lắk chiếm 42% vốn, CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) chiếm 43% và hơn 10% của các cổ đông khác. BCCE sẽ hoạt động theo phương thức kết nối minh bạch, sát với giá thế giới và trực tuyến. Mua bán qua BCCE được thực hiện theo sản phẩm giao ngay (spots) và hợp đồng tương lai (futures).
BCCE sẽ kết nối với các sàn giao dịch hàng hóa thế giới như Chicago Mercantile Exchange (CME, là sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới đặt tại Mỹ), nhằm thiết lập thị trường giao dịch trực tiếp, trực tuyến, giảm chi phí trung gian, minh bạch hóa các giao dịch đặt lệnh, qua đó, tập hợp những cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài ngành để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, hiệu quả; cũng như phòng ngừa rủi ro khi giá cà phê trên thế giới có thay đổi.
Tại sao đến nay Sở mới có thể đi vào hoạt động, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc ra đời Sàn giao dịch cà phê và hàng hóa trong thời điểm này là chín muồi, đón đầu xu thế thị trường, nhất là khi Việt Nam đang tham gia sâu vào việc hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt là việc đàm phán TTP.
Thực tế hiện nay cho thấy, Việt Nam đang thừa công suất về lúa gạo, cà phê… Chính vì vậy, mỗi biến động về chính sách của các nước nhập khẩu sẽ tác động tiêu cực đến người nông dân. Do đó, việc thiết lập một sàn giao dịch cà phê và hàng hóa, với các tiêu chuẩn bình đẳng, có kết nối với sàn quốc tế, qua đó chia sẻ lợi ích lẫn nhau, theo tôi là cách nhanh nhất để giảm chi phí trung gian, giúp hàng nông sản Việt Nam dễ dàng tiếp cận với thị trường tiêu thụ cuối cùng.
Các bước triển khai tiếp theo của Sở như thế nào?
Giai đoạn 1: từ tháng 3 - 8/2015, BCCE sẽ hoàn chỉnh hệ thống quy trình đầu tư trong nước gồm quy trình mua - bán, nhận giữ hộ, ứng trước tiền bán, nhận ký quỹ giao dịch bằng tiền - cà phê và tài sản khác, mở tài khoản giao dịch tại BCCE và ngân hàng thanh toán, đặt lệnh… hoàn chỉnh quy trình hoạt động gồm kết nối ngân hàng, đăng ký giao dịch, lưu ký, đặt lệnh, thanh toán bù trừ, giao - nhận hàng, giao - nhận tiền, các khoản hỗ trợ DN, hộ dân thông qua các chương trình khuyến nông của Nhà nước và chính sách của BCCE…
Giai đoạn 2: bắt đầu từ niên vụ cà phê 2015 - 2016. BCCE tiến hành giao dịch chính thức có kết nối trực tuyến với Sở giao dịch nước ngoài.
BCCE tiếp tục phát triển khách hàng trong nước theo hướng liên kết bền vững với mục tiêu thu hút khoảng 20 - 30% tổng lượng cà phê xô giao dịch trong nước cũng như xuất khẩu; đồng thời phát triển khách hàng ngoài nước và xây dựng BCCE là Sở giao dịch cà phê Robusta lớn của khu vực, có kết nối trực tiếp với LIFFE tại Anh (IFLX) và Hoa Kỳ (IFUS). Qua các chương trình tín dụng, tái canh, cơ khí nhỏ phục vụ trồng, thu hoạch và chế biến cà phê, BCCE sẽ là một trong những đầu mối tư vấn tin cậy cho các DN và bà con nông dân trên vùng Tây Nguyên.
Nhưng nhiều mô hình Sở giao dịch hàng hóa ra đời sớm thất bại và tiền thân của BCCE là Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột cũng không thành công?
Đúng vậy! Tiền thân của Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột là Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột được thành lập năm 2007, nhưng vì là một đơn vị hành chính sự nghiêp có thu, nên Trung tâm không thể kết nạp thành viên cùng cộng đồng lợi ích, mà chỉ kết nạp thành viên trên cơ sở đăng ký và tham gia.
BCCE ra đời, các thành viên mua và bán trên Sở đều có thể trở thành cổ đông nếu có nhu cầu.
Như vậy, khái niệm cổ đông - người đóng góp cho BCCE không chỉ là cổ đông trong nước mà còn có các cổ đông nước ngoài. Các cổ đông của Sở không chỉ là người sản xuất mà còn là người kinh doanh, chế biến, tiêu thụ cà phê cũng như các nhà đầu tư khác. Vì thế, thanh khoản sẽ ngày càng tăng.
Nói vậy, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức muốn tham gia phải đóng góp cổ phần?
Có thể trong tương lai, còn trước mắt mục tiêu của BCCE là đi cùng với những người sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cà phê. Vì thế, trong tương lai, những thành viên tham gia vào Sở sẽ trở thành cổ đông khi BCCE trở thành công ty đại chúng. Do đó, với những người tham gia vào Sở không chỉ là các thành viên hoặc nhà đầu tư, mà sẽ là các cổ đông để gắn bó lâu dài với BCCE.
Có nghĩa, tất cả các nhà đầu tư có được tham gia giao dịch qua Sở, thưa ông?
Tất cả các nhà đầu tư cá nhân hiện nay nếu có chức năng kinh doanh cà phê đều có thể tham gia vào Sở. Đây là Sở giao dịch cà phê và hàng hóa nên hàng hóa trên sàn là những mặt hàng được Bộ Công thương cho phép giao dịch. Vì thế, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức có chức năng sản xuất, kinh doanh cà phê đều có thể tham gia vào Sở.
Chẳng hạn với các hộ dân có đất canh tác cà phê, nhưng không nhất thiết phải đăng ký kinh doanh, vẫn có thể thực hiện hình thức giao ngay hoặc gửi hàng tại kho của Sở giao dịch có chiết khấu…, nhằm đảm bảo được kênh lưu thông.
Theo ông, rủi ro lớn nhất mà các Sở giao dịch hàng hóa phải đối mặt là gì?
Một trong những rủi ro cơ bản nhất khi đầu tư vào Sở giao dịch hàng hóa khi mà Việt Nam chưa có mô hình mẫu thành công, là rủi ro về chính sách. Tuy nhiên, nếu chính sách của Nhà nước kiên định, ủng hộ DN, sẽ giảm thiểu được rủi ro.
Với BCCE, theo tôi, với sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương, cụ thể là của UBND tỉnh Đắk Lắk, với tỷ lệ góp vốn 42%, sẽ phần nào giảm thiểu được rủi ro hoạt động.
Ngoài cà phê, BCCE dự tính sẽ đưa thêm mặt hàng nào lên sàn, thưa ông?
Sau niêm yết cà phê Robusta, BCCE sẽ đưa tiêu đen, cao su lên sàn. Nhưng trước mắt BCCE chỉ đưa cà phê vào giao dịch là chủ yếu. BCCE có 2 hình thức giao dịch là giao ngay và trong tương lai. Hiện 85% sản lượng cà phê toàn Tây Nguyên là cà phê nông hộ, tức chủ yếu là của các hộ dân, hộ gia đình, với năng suất khoảng 5 tấn/hộ... không đáp ứng đủ một giao dịch trên thị trường quốc tế (khoảng 10 tấn/giao dịch).
Như vậy, nếu giao dịch “trong tương lai”, người dân sẽ không tiếp cận được với các giao dịch qua Sở. Vì thế, BCCE kết hợp hình thức “giao ngay” để tập hợp 85% cà phê nông hộ đi vào Sở giao dịch, sau đó, kết nối với các hợp đồng tương lai để chuyển lệnh lên và “gom” những lô lẻ thành lô chẵn, vừa phù hợp với các bước nhảy về khối lượng (10 tấn/giao dịch) với thị trường quốc tế. Mô hình giao dịch mới này sẽ tạo được lực mới trong việc giữ giá khi giá nông sản xuống và thực hiện được mục tiêu lợi nhuận.
Ông có nhận định như thế nào về xu hướng giá cà phê trong thời gian tới?
Hiện Brazin là một nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn trên thị trường thế giới, nhưng đang bị giảm sản lượng do hạn hán. Trong khi đó, ở Việt Nam năng xuất cà phê thấp, do cây già cỗi, mất mùa… nhưng giá cà phê từ tháng 1/2015 đến nay giảm mạnh từ 2.014 USD/tấn xuống còn hơn 1.847 USD/tấn (giá cà phê kỳ hạn giao ngay tháng 5/2015).
Điều này cho thấy, cà phê chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố thiên nhiên như hạn hán, mất mùa… Do đó, việc ra đời của BCCE, theo tôi là cần thiết để giải quyết đầu ra cho hàng nông sản của Việt Nam.