Giá đất trong dân tại huyện Bố Trạch đang được đẩy lên cao không kém gì đất dự án

Giá đất trong dân tại huyện Bố Trạch đang được đẩy lên cao không kém gì đất dự án

Bất động sản Bắc Đồng Hới "sốt xình xịch" cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mấy tuần nay, dân đầu cơ đất đai đổ xô về Bắc Đồng Hới, Quảng Bình mua đi bán lại khiến giá đất tăng cao bất thường.

Giá đất… tự nhiên tăng phi mã

Trong bối cảnh không có tin tức gì tích cực đáng kể liên quan đến hạ tầng hay quy hoạch, đồng thời nhu cầu bản địa ở mức thấp, thời gian gần đây, bất động sản Đồng Hới bất ngờ nóng sốt với số lượng lớn giao dịch mua bán đất nền. Vào những ngày cuối năm 2020, cơn sốt đất nền Đồng Hới đã lan sang khu vực huyện Bố Trạch, nơi giáp ranh về phía Bắc của TP. Đồng Hới.

Nhiều người dân địa phương cho biết, khoảng hơn một tháng qua, giới đầu cơ đất đai liên tục đổ xô về các xã ven thị trấn Hoàn Lão như Lý Trạch, Đại Trạch, Trung Trạch, Tây Trạch, Hoà Trạch, Hoàn Trạch… để săn lùng các lô đất ở, đất vườn có diện tích lớn của các hộ dân. Sau khi đã gom được một diện tích tương đối lớn, các nhà đầu cơ này tìm cách chuyển đổi các khu đất này sang đất ở để làm thủ tục tách thửa và mua đi bán lại, khiến giá đất tại các xã này tăng rất nhanh.

Chị Hải Lan, một nhà đầu tư địa phương cho biết, “tại khu vực Hoàn Trạch, mấy tháng trước giá đất ở chỉ 40 - 50 triệu đồng/m ngang mà rao bán cũng khó có người mua, nhưng thời điểm này tăng lên 80 - 90 triệu đồng/m ngang, thậm chí trên 100 triệu đồng/m ngang, nhưng có bao nhiêu là có người vào mua hết. Ngay cả khu vực cách xa khu trung tâm huyện, lại chưa được xây dựng hạ tầng như khu vực Tây Trạch, giá đất cũng đã tăng hơn gấp đôi, chẳng hạn một lô đất diện tích 200 m2 (đất sau khi tách từ thửa lớn) trước có giá chỉ 70-100 triệu đồng, thì nay được sang tay với giá khoảng 200 - 300 triệu đồng”.

Các giao dịch lướt cọc diễn ra liên tục

Các giao dịch lướt cọc diễn ra liên tục

Không chỉ đất lẻ trong khu dân cư, các cuộc đấu giá đất diện tích lớn cũng được nhiều người nhắm tới. Cụ thể, tại buổi đấu giá 48 thửa đất ở khu Nương Trần, xã Đại Trạch diễn ra vào sáng ngày 5/12/2020, các lô đất có diện tích 160 - 354 m2/lô có giá khởi điểm từ 750 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng đã được chốt giá với mức chênh lệch so với giá khởi điểm từ 600 triệu đồng đến cả tỷ đồng. Trong đó, mức chênh lệch 700 - 800 triệu đồng tập trung ở các lô có diện tích từ 160 - 171,6 m2.

Tại buổi đấu giá thứ 2 tại khu vực Tây Cầu Hói, thị trấn Hoàn Lão diễn ra chiều cùng ngày với 25 lô đất diện tích từ 160 - 330 m2/lô, mức giá khởi điểm được đưa ra từ 880 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng, mức giá công bố cuối phiên đạt từ 1,4 tỷ đồng đến 4,4 tỷ đồng, tức chênh lệch từ khoảng 600 triệu đồng đến gần 2 tỷ đồng.

Không chỉ được các nhà đầu tư từ nơi khác đẩy giá đấu lên mức cao so với giá khởi điểm khiến người bản địa không thể mua được, một điểm đáng chú ý là hầu hết các lô đất đều được rao bán lại ngay sau khi có kết quả đấu giá.

Khó kiểm soát

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều người dân cho biết, việc chính quyền địa phương đưa ra đấu giá 2 khu đất được kỳ vọng mang lại cơ hội sở hữu một lô đất ở với đầy đủ pháp lý để định cư, nhưng thực tế lại khiến nhiều người thất vọng khi cuộc đấu giá bị “lấn át” bởi rất đông nhà đầu cơ thuộc các hội nhóm bất động sản đang hoạt động tại khu vực TP. Đồng Hới.

Văn phòng công chứng tại Bố Trạch tấp nập khách ra vào công chứng hồ sơ mua bán đất

Văn phòng công chứng tại Bố Trạch tấp nập khách ra vào công chứng hồ sơ mua bán đất

“Hầu hết người địa phương muốn mua một lô đất để ở sẽ không thể nào mua nổi vì không cách nào theo được mức giá của giới đầu cơ. Nếu ai thực sự muốn mua lại các lô đất đã đấu trúng thì phải thương lượng với họ với mức giá cao hơn”, một người dân địa phương chia sẻ.

Theo nhận định từ một số nhà đầu tư địa phương, mức giá trúng đấu giá nói trên tương đương với giá bán của một số dự án nhà ở thương mại trên địa bàn, trong khi hệ thống hạ tầng, giao thông và các tiện ích nội ngoại khu tại các khu đất đấu giá nói trên còn khá sơ sài.

Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng TQ nhận định, giá đất tại khu vực huyện Bố Trạch tăng nhanh thời gian gần đây là bất thường, bởi yếu tố tác động nhiều nhất lên giá trị bất động sản là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hay quy hoạch trong khu vực gần như không có sự thay đổi.

“Nếu tình trạng này không sớm được kiểm soát thì không chỉ khiến giá đất nơi đây tăng ảo, gây khó khăn cho công tác định giá đất sau này, mà còn gây lãng phí tài nguyên đất. Chưa kể, sự phức tạp tại các buổi đấu giá bắt đầu xuất hiện, có nguy cơ gây xáo trộn xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương”, ông Quân nói.

Về diễn biến này, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết, “việc mua bán quyền sử dụng đất đai hoặc tham gia đấu giá pháp luật không cấm, nhưng nếu xuất hiện hành vi làm giá đất là vi phạm pháp luật, cần sớm được ngăn chặn và xử lý”. Hiện tại, chính quyền địa phương cũng đã nắm sự việc và có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn trong huyện tăng cường giám sát, quản lý về lĩnh vực đất đai theo đúng quy định pháp luật, đồng thời có hình thức tuyên truyền và khuyến cáo cho người dân địa phương được biết để không chạy theo cơn sốt đất bất thường này.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình cho rằng, hiện Sở chỉ quản lý các hoạt động của doanh nghiệp, sàn môi giới bất động sản, còn với các cá nhân hoạt động tự do thì rất khó vì chưa có quy định cụ thể.

“Sở cũng sẽ họp bàn, nghiên cứu và tìm các giải pháp để tham mưu cho UBND tỉnh trong việc chấn chỉnh hoạt động của các đối tượng này, tránh tình trạng phức tạp diễn biến kéo dài”, ông Tuấn nói.

Tin bài liên quan