Lâu lắm rồi mới có cảnh chen lấn đấu giá cổ phần.

Lâu lắm rồi mới có cảnh chen lấn đấu giá cổ phần.

Bảo lãnh phát hành cổ phiếu: Nên chăng đưa vào luật?

Luật Chứng khoán hiện nay quy định các DN khi tiến hành IPO phải có một tổ chức tài chính tư vấn chứ không bắt buộc phải có một đơn vị bảo lãnh cho đợt phát hành này.

Lẽ ra nếu luật bắt buộc phải có bảo lãnh phát hành thì NĐT có thể an tâm bởi giá CP đó đã được bảo chứng và ở một chừng mực nào đó sẽ trở nên chuẩn hơn; tình trạng IPO không thành công và phát hành CP phải chào bán lại, chào bán lần hai đã không xảy ra.

 

Cổ phiếu ế hàng loạt

Hình ảnh NĐT chen chúc nhau đăng ký, bỏ phiếu đấu giá đã trở thành hình ảnh xa vời trong bối cảnh hiện nay khi lượng hàng hóa và có chất lượng trên TTCK ngày càng nhiều. Thay vào đó là ngày càng có nhiều phiên đấu giá  thất bại, thể hiện ở số lượng người đăng ký quá ít và không phát hành hết cổ phần.

 

Ngày 19-12 vừa qua, HASTC đã phải ra thông báo hủy phiên đấu giá cổ phần ra công chúng của CTCP Xi măng Bỉm Sơn, lý do là đến hết thời hạn đăng ký chỉ có duy nhất 1 NĐT đăng ký tham gia. Nhiều DN đấu giá khác cũng gặp tình cảnh đấu giá thất bại vì tỷ lệ bán ra quá thấp.

 

Phiên đấu giá cổ phần của Công ty Kinh doanh bao bì lương thực ngày 18-12 vừa qua tại HOSE chỉ có 8 NĐT tham gia, chỉ bán được 66.500 cổ phần so với 2.078.700 cổ phần chào bán. Phiên đấu giá Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR) chỉ bán được 746.300 cổ phần trong số 12,58 triệu cổ phần đưa ra đấu giá (khoảng 6%).

 

Phiên đấu giá CTCP Hóa dầu Petrolimex lần 1 (PLC) cũng chỉ bán được hơn 1 triệu cổ phần trong số 5 triệu cổ phần đấu giá. Phiên đấu giá của Công ty Cấp nước Ninh Thuận chỉ bán được 193.300 cổ phần trong tổng số gần 2,59 triệu cổ phần đưa ra đấu giá. Phiên đấu giá của Công ty Xi măng Hải Vân chỉ có 3,32 cổ phần được mua trong tổng số 4,46 triệu cổ phần đấu giá.

 

Tương tự, Ngân hàng TMCP Gia Định chào bán hơn 3,6 triệu cổ phần vào ngày 17-12 vừa qua nhưng số lượng bán được chỉ 108,2 ngàn CP. Theo nhiều NĐT là do giá khởi điểm tới 40 ngàn đồng/CP trong khi giá đang giao dịch trên OTC chỉ khoảng 36 ngàn đồng/CP. Điều này cho thấy đơn vị tư vấn không có căn cứ khi định mức giá này. Rõ ràng cách định giá theo kiểu bán không được thì đem về, còn nếu bán được thì họ thu được thặng dư lớn đã bị NĐT tẩy chay.

 

Những ví dụ nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong số các phiên đấu giá không thành công trong năm 2007. Trái ngọt đấu giá trước kia đã trở nên đắng chát đối với không ít DN trong bối cảnh hiện nay.

 

Bảo chứng hay trách nhiệm của CTCK

 

Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, CTCK  Ngân hàng Công Thương (IBS) đã bảo lãnh phát hành cho LAF với giá khởi điểm 19.000đ/CP. Thế nhưng thị trường  lúc đó đang xuống, kéo theo thị giá LAF trên sàn xuống dưới mức khởi điểm. Song cuộc đấu giá vẫn thành công bởi đơn vị bảo lãnh là IBS phải ôm toàn bộ CP đó. Việc này đã thể hiện phần nào tính chuyên nghiệp của IBS trong đợt phát hành lượng CP trên.

 

Đối với các NĐT, khi một CP mang ra đấu giá được bảo lãnh phát hành, họ sẽ yên tâm hơn vì đã có người thẩm định giá trị tối thiểu của CP đó. Những CP còn thừa sẽ được đơn vị bảo lãnh phát hành mua lại ở mức giá khởi điểm. Như vậy, thị giá của CP này ở một góc độ nào đó được xem như đã được bảo chứng. Tuy nhiên, TS Lê Vũ Nam, giảng viên môn CK Trường Đại học Quốc gia, cho rằng việc bảo lãnh phát hành chỉ nhằm hỗ trợ cho công ty phát hành tốt nhất, tránh trường hợp bán không hết CP, chứ không phải bảo đảm giá trị cổ phần được đấu giá, vì công ty tư vấn đã phân tích các trường hợp rủi ro cho NĐT trước khi mua. Thế nhưng, theo nhiều NĐT, phân tích rủi ro là một lẽ, nhưng công ty tư vấn định giá khởi điểm mà không dám mua lại CP với giá đó thì hơi lạ, do đó phải xem lại việc định giá của đơn vị tư vấn, đã làm hết mình để cho ra mức giá hợp lý hay chưa?

 

Lẽ thường trong buôn bán, chỉ có người mua, tức NĐT mới bị lầm, bị hớ, bị thiệt thòi, nhất là đối với một mặt hàng đặc biệt như CP. NĐT bình thường chỉ có được thông tin thông qua bản cáo bạch của công ty phát hành, mà bản cáo bạch này cũng do CTCK lập. Do vậy, để giảm bớt thiệt thòi cho NĐT, nên chăng bắt buộc mỗi khi IPO (hoặc phát hành CP) phải có một tổ chức tài chính bảo lãnh lượng CP này, tức mua lại lượng CP ế. Một khi chuyện này được đưa vào luật thì các CTCK khi tham gia vào bất kỳ đợt phát hành CP nào cũng sẽ phải phân tích kỹ càng hơn, và sẽ có trách nhiệm hơn với đợt phát hành đó, chứ không phải như hiện nay, cứ tư vấn rồi hưởng phí dịch vụ từ 2-3%/tổng giá trị đợt phát hành. Ngoài ra, CP được bảo lãnh phát hành cũng sẽ có thị giá “thực” hơn và DN mỗi khi phát hành CP cũng sẽ đạt được mục đích ngay.

 

Theo chuyên gia CK Huỳnh Anh Tuấn, nếu điều này xảy ra, thỏa thuận để thực hiện dịch vụ kèm theo trong các đợt phát hành CP sẽ phát sinh nhiều vấn đề giữa CTCK và đơn vị phát hành. Tuy nhiên, đứng ở góc độ quyền lợi của NĐT thì đây là điều tuyệt vời, bởi NĐT sẽ yên tâm hơn vì CP mình mua vào sẽ không bị hớ nhiều và đã được bảo chứng bởi một tổ chức tài chính chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.