Do đó, để các DNNN có động cơ cải cách, bên cạnh việc xóa bỏ các hình thức bảo hộ và trợ cấp bất hợp lý, Chính phủ cần phải xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng và buộc các DNNN phải tự nỗ lực để tồn tại và phát triển. Nhìn ở giác độ này, những thúc ép cạnh tranh bên ngoài được xem là điều kiện đủ để DN có động cơ thay đổi nhằm có thể phát triển.
Một môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch sẽ kích thích tinh thần doanh nhân và sự sáng tạo của DN. Cạnh tranh cũng sẽ giúp chọn lọc và đào thải những DN yếu kém. Dưới sức ép cạnh tranh chắc chắn sẽ có DN phá sản. Một DNNN sau cổ phần hóa có thể phá sản, nhưng không nên đánh đồng nó với nguyên nhân do cổ phần hóa, mà thay vào đó là do chính các yếu kém nội tại của DN đó. Cần phải hiểu rằng, mục tiêu cuối cùng của cạnh tranh không phải là sự tồn tại của DN, mà là hướng đến phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Kinh nghiệm của nhiều nước đi trước như Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy, khi các DN phải đối diện với cạnh tranh cả ở bên trong lẫn bên ngoài mà không thể dựa dẫm vào sự hỗ trợ của Chính phủ, các DN sẽ buộc phải lựa chọn con đường tự cải cách để tồn tại.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém và thất bại của các DNNN là do những biệt đãi về vai trò, vị thế và nguồn lực mà Chính phủ dành cho nó, trong khi lại không chịu các áp lực cạnh tranh và kỷ luật thị trường. Bên cạnh đó cũng do sự nuông chiều, thiếu kỷ cương trong quản lý và điều tiết của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương trong vai trò vừa là người quản lý hành chính nhà nước, vừa là người đại diện sở hữu Nhà nước tại DN. Nỗ lực xây dựng một môi trường cạnh tranh hơn bằng sự mong mỏi các DNNN tự động “vứt bỏ” các lợi ích của mình là không thể.
Không chỉ ở góc độ DN, bản thân các cơ quan chủ quản của DNNN hay chính quyền địa phương cũng không dễ dàng từ bỏ những lợi ích kinh tế và chính trị mà các DNNN này tạo ra. Do mọi cơ quan, tổ chức đại diện sở hữu Nhà nước đều có cùng đặc lợi, dù ít nhiều khác nhau, nên việc yêu cầu cơ quan này phải từ bỏ đặc lợi mà cơ quan khác lại không làm như vậy, sẽ rất khó khả thi.
Tuy nhiên, việc một cơ quan nào đó phải từ bỏ đặc lợi không phải là vấn đề nan giải. Trên thực tế, vẫn có rất nhiều cách thức để xử lý vấn đề này. Chẳng hạn, một cơ quan trung ương có thẩm quyền sẽ ra quyết định thu hồi đặc lợi đó. Biện pháp này sẽ rất thách thức vì nó dễ đụng chạm đến vấn đề lợi ích nhóm. Thứ hai, có thể gắn với trách nhiệm nhiều hơn, có nghĩa nếu không hoàn thành nghĩa vụ sẽ bị thu hồi đặc lợi, nhưng biện pháp này cũng sẽ không hiệu quả và thiếu bền vững về mặt lâu dài, vì nó tạo động cơ bòn rút nhiều hơn nguồn lực công.
Biện pháp khả dĩ hơn là mọi cơ quan nhà nước cùng từ bỏ những đặc lợi được xét trên một nguyên tắc khách quan nào đó, như nguyên tắc nhà nước chỉ làm những gì mà thị trường không muốn làm hoặc làm mà thất bại. Cuối cùng, yếu tố quan trọng trên hết để mọi thứ trở về với chính nó chính là các cải cách về thể chế mà Chính phủ đã và đang theo đuổi.
Các cải cách thể chế được tạo ra nhằm đảm bảo tất cả DN thuộc mọi thành phần kinh tế có thể cạnh tranh với nhau một cách minh bạch và bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực. Khi môi trường cạnh tranh được tạo ra, các rào cản gia nhập và rút lui khỏi ngành bị gỡ bỏ, sẽ buộc các DNNN phải tự cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với các DN khác trong nền kinh tế.
Chỉ có cạnh tranh mới giúp các DN tìm cách tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực khan hiếm, nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất. Bài học từ nhiều nước công nghiệp hóa thành công hay như việc cạnh tranh trong ngành viễn thông của Việt Nam cho thấy, chỉ dưới sức ép của cạnh tranh mới buộc các DNNN trở nên năng động và hiệu quả hơn.
Thậm chí, ngay trong điều kiện Chính phủ vẫn có những khoản ưu đãi và trợ cấp nhất định, thì các ưu đãi và trợ cấp đó vẫn được DN tận dụng để đầu tư nâng cao năng lực canh tranh, thay vì tìm cách “bòn rút” cho các lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm và làm suy yếu sức cạnh tranh của DN và của ngành. Cuối cùng, lợi ích của cạnh tranh mang lại chính là sự xuất hiện của những sản phẩm, dịch vụ có mức giá rẻ, nhưng chất lượng tốt hơn cho thị trường.