Ðối với sản phẩm, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới - nghiệp vụ đang chiếm tỷ trọng doanh thu dẫn đầu trong tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm, được nhìn nhận tiếp tục có những dấu hiệu tích cực trong năm 2020.
Cụ thể, Nghị định 100/2019/NÐ-CP tăng mức xử phạt vi phạm hành chính khi tham gia giao thông chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020 sẽ tạo hiệu ứng tốt cho thị trường.
Cùng với đó, việc các doanh nghiệp tập trung kiểm soát chất lượng cũng giúp tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới giảm đi rõ rệt.
Theo số liệu sơ bộ của một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Top 3 về xe cơ giới, tỷ lệ bồi thường xe cơ giới trong nửa tháng đầu tiên của năm 2020 đã giảm từ 57% xuống 50%.
Số lượng cuộc gọi thông báo tai nạn cũng giảm đi đáng kể. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng, Nghị định 100 sẽ giúp các doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường thấp hơn so với các năm trước đây.
Ngoài ra, một số quy định mới về xuất nhập khẩu ô tô cũng có nhiều thay đổi tích cực. Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô dự kiến áp dụng từ năm 2020.
Theo đó, ôtô nhập khẩu có thể sẽ được kiểm tra theo kiểu, loại, thay vì theo lô và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Ðáng lưu ý, thời gian hoàn thiện thủ tục nhập khẩu cho một lô xe có thể giảm từ 45 ngày còn 7 ngày.
Thêm vào đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với lộ trình giảm dần thuế nhập khẩu ôtô về 0% sau 9-10 năm khiến sức cạnh tranh của các dòng xe nguồn gốc châu Âu tăng dần lên.
Số lượng ô tô tiêu thụ được dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm 2020 và mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm khai thác.
Cùng với bảo hiểm xe, bảo hiểm con người - đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm sức khỏe - được nhìn nhận sẽ tiếp tục “bùng nổ” trong năm nay.
Với nhóm sản phẩm này, không chỉ giữa các doanh nghiệp trong khối phi nhân thọ, sự cạnh tranh còn tới từ khối nhân thọ để đưa ra những sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Trong nhóm sản phẩm bán lẻ, bảo hiểm khoản vay là loại hình đang được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thông qua việc hợp tác với đối tác là các tổ chức tín dụng.
Ðây là loại sản phẩm có tỷ lệ bồi thường không cao, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Không những thế, ở góc độ tín dụng, loại sản phẩm này còn đảm bảo cho khoản vay của khách hàng sẽ được thanh toán đầy đủ, kể cả trong trường hợp không may xảy ra với khách hàng đó.
Có nhiều tên gọi khác nhau, song sản phẩm được triển khai phổ biến nhất vẫn là bảo hiểm tai nạn cho người vay vốn.
Ðây là sản phẩm bảo hiểm gắn chặt với khoản vay và đem lại lợi ích thiết thực cho cả khách hàng và tổ chức tín dụng.
Ngoài việc phát triển đẩy mạnh các sản phẩm bán lẻ, một điểm đáng chú ý nữa trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm nay là tiếp tục đầu tư mạnh cho công nghệ để đơn giản hóa quy trình bồi thường, tăng trải nghiệm khách hàng.
Chẳng hạn, tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI), dự kiến trong năm 2020, PTI sẽ triển khai đồng loạt các ứng dụng bồi thường cho 2 nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất là bảo hiểm con người và bảo hiểm xe cơ giới, trong đó ứng dụng bồi thường xe cơ giới sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ bồi thường cho khách hàng.
Mỗi giám định viên của PTI sẽ được trang bị điện thoại thông minh để thực hiện toàn bộ quy trình bồi thường thông qua ứng dụng này.
Theo đó, toàn bộ tiến trình sẽ được online hóa, giảm thời gian nhập liệu và xử lý giầy tờ và quan trọng hơn là hồ sơ bồi thường sẽ được công khai, minh bạch qua ứng dụng, từ đó cảnh báo cho giám định viên cũng như các cấp quản lý hồ sơ đang chậm tiến độ, thực hiện chưa chính xác…
Bên cạnh đó, việc bùng nổ các ứng dụng bán bảo hiểm của các công ty khởi nghiệp như INSO, MIIN, Papaya, 9lives… cũng sẽ làm thay đổi cách thức mua bảo hiểm của khách hàng, cũng như cách thức đóng gói, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, từ đó buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải thay đổi sản phẩm, quy trình bồi thường để tiếp cận được nhóm khách hàng đầy tiềm năng của các công ty khởi nghiệp.