Tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, tỷ lệ bồi thường với nghiệp vụ bảo hiểm tàu cá năm 2016 theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách bảo hiểm cho ngư dân là 98,03%, tỷ lệ bồi thường tàu cá ngoài Nghị định 67 là 48,35%.
Dừng bán bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 và kiểm soát chặt đơn bảo hiểm đối với tàu cá thương mại có thể khiến doanh nghiệp bảo hiểm hụt doanh thu phí bảo hiểm khá lớn. Tuy nhiên, đây là vấn đề đã được các doanh nghiệp bảo hiểm cân nhắc nhằm giảm tỷ lệ bồi thường đối với nghiệp vụ này.
Tờ trình kế hoạch kinh doanh năm 2017 do Ban quản trị Bảo Minh trình Đại hội đồng cổ đông vừa qua có một số chi tiết đáng chú ý, đó là những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của Công ty. Trong đó, việc ngừng bán bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 là một trong 3 nguyên nhân quan trọng. Ngừng bán bảo hiểm tàu cá, Bảo Minh có thể bị hụt doanh thu từ nghiệp vụ này khoảng 100 tỷ đồng.
Thực tế, phân khúc bảo hiểm tàu cá theo các hợp đồng thương mại có dư địa rất lớn, nhưng vì nhiều lý do, các công ty bảo hiểm chưa bao giờ khai thác hết tiềm năng. Do đó, doanh thu phí từ mảng này vẫn còn khiêm tốn.
Trước khi có chương trình bảo hiểm theo Nghị định 67, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn bán bảo hiểm thương mại cho ngư dân, tuy nhiên phạm vi bảo hiểm hẹp hơn và phí bảo hiểm cao hơn. Chính vì thế, khi dừng bán bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67, các tàu cá Việt Nam vẫn có thể tham gia bảo hiểm thương mại tại các doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng không thể tham gia điều kiện bảo hiểm giống như Nghị định 67.
Ví dụ, điều kiện bảo hiểm theo Nghị định 67 là mọi rủi ro thì bảo hiểm thương mại là các rủi ro định danh sẽ có phạm vi bảo hiểm hẹp hơn.
Các tàu cũ hoặc có tình trạng kỹ thuật không đảm bảo chỉ có thể bảo hiểm theo điều kiện tổn thất toàn bộ (điều kiện bảo hiểm hẹp nhất) khi tham gia bảo hiểm thương mại, trong khi theo chương trình Nghị định 67, các tàu này vẫn được tham gia bảo hiểm mọi rủi ro.
Tất nhiên, nếu áp dụng theo những tiêu chuẩn bảo hiểm thương mại thì có thể chủ các tàu cá sẽ không mặn mà tham gia, mà chủ yếu chọn lựa mua những loại hình bảo hiểm bắt buộc phải có.
Bảo hiểm hàng hải nói chung và bảo hiểm tàu cá nói riêng từng là một trong những nghiệp vụ thế mạnh của một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, nhưng đến nay đa số đều nản. Nếu như những đội tàu lớn, tình trạng nợ phí hay đội tàu già dẫn đến nhiều rủi ro khiến các doanh nghiệp bảo hiểm ngán ngại khi nhận đơn bảo hiểm thì bảo hiểm tàu cá thương mại cũng có những câu chuyện riêng.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về tình trạng nhiều tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Bình Định vừa bàn giao đi vào hoạt động đã có hiện tượng hư hỏng, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, đó chỉ là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kỹ thuật không đảm bảo của đội tàu cá Việt Nam.
“Vấn đề này không chỉ bắt nguồn từ chất lượng của công tác thiết kế và đóng mới tàu cá, mà rộng hơn là từ các quy định của pháp luật và việc thực thi, giám sát thực thi các quy định đối với các hoạt động liên quan đến tàu cá”, vị đại diện trên nói và cho biết, một so sánh rất điển hình giữa các quy phạm đăng kiểm của tàu biển và tàu cá (cùng là tàu hoạt động trong phạm vi vùng biển Việt Nam) thì các quy định về tàu cá rất sơ sài và không đồng bộ. Ngoài ra, các quy định về định biên (thuyền viên) của các tàu cá cũng không đầy đủ và rõ ràng.
Trong khi đó, việc quản lý xuất nhập bến của Bộ đội Biên phòng nhiều nơi còn thiếu chặt chẽ. Thực tế, có những trường hợp tàu cá không đăng ký xuất nhập bến theo quy định mà Biên phòng vẫn không biết, trong đó có cả trường hợp do tàu hết hạn đăng kiểm và/hoặc giấy phép khai thác thủy sản hết hạn nên ngư dân cố tình không đăng ký xuất/nhập với Biên phòng.
“Dù tiềm năng, dù phân khúc rộng lớn, nhưng nếu các doanh nghiệp bảo hiểm nhận bảo hiểm thương mại thì số lượng tàu có thể tham gia bảo hiểm chỉ còn khoảng 1/3 về số lượng, 1/4 về giá trị, tuy nhiên tổn thất có thể giảm rất nhiều lần”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhận định.