Tuy không phải là nghiệp vụ mang lại doanh thu quá lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đang triển khai loại sản phẩm bảo hiểm này, nhưng đây là nghiệp vụ đơn giản, dễ khai thác và tỷ lệ bồi thường khá thấp nên năm nào cũng vậy, cứ “đến mùa” là bảo hiểm học sinh lại vô cùng nhộn nhịp.
Bảo hiểm toàn diện học sinh thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người, là một sản phẩm bổ trợ cho bảo hiểm y tế. Cụ thể, đây là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện có thể hỗ trợ các khoản chi phí mà bảo hiểm y tế không thể thanh toán. Theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người có tỷ trọng doanh thu lớn thứ hai trong tổng doanh thu phí. 6 tháng đầu năm nay, doanh thu phí của nghiệp vụ này đạt 3.231 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,14% tổng doanh thu.
Tháng 9 hàng năm, khi học sinh, sinh viên bắt đầu năm học mới, thường là thời điểm loại bảo hiểm này chính thức bước vào mùa sôi động, tuy nhiên, thực tế, ngay từ tháng 5 hàng năm, các DNBH đã bắt đầu triển khai chương trình bảo hiểm tới các trường, để có thể chính thức ký hợp đồng, cấp đơn và thu phí vào tháng 9, tháng 10 sau đó.
Như đã nói ở trên, vì là nghiệp vụ đơn giản, dễ bán, không lo lỗ nên sự cạnh tranh giữa các DNBH đối với loại sản phẩm này vô cùng khốc liệt. Hàng năm cứ vào mùa cao điểm, một số doanh nghiệp lại than trời vì bị cạnh tranh không lành mạnh bằng công văn và bằng nhiều chiêu trò khác. Mặc dù, tình hình cạnh tranh bằng “công văn chỉ đạo” từ các sở, phòng giáo dục đã thuyên giảm sau khi bị các cơ quan chức năng chấn chỉnh, nhưng các DNBH lại đau đầu vì vấn đề mới phát sinh.
Căn cứ theo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi vừa ban hành tháng 6/2014, năm 2014 - 2015, nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức thu tiền bảo hiểm y tế 12 tháng 1 lần, với số tiền lên đến 500.000 - 600.000 dồng/học sinh. Điều này đã gây ra sự phản ứng của nhiều bậc phụ huynh, cũng như công chúng. Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Công văn số 4660 ngày 10/9/2015, yêu cầu các trường tổ chức thu tiền bảo hiểm y tế 6 tháng 1 lần, tránh thu tập trung vào thời điểm đầu năm học.
Điều đặc biệt là trong điều 3 của công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ: “Các cơ sở giáo dục và đào tạo không tổ chức thu phí bảo hiểm tự nguyện”. Điều này, theo như lời một DNBH phi nhân thọ là “một đòn trời giáng” đối với các công ty bảo hiểm. Bởi đến thời điểm này tất cả các kế hoạch khai thác bảo hiểm học sinh đã được triển khai xong xuôi, các DNBH chỉ chờ ký kết hợp đồng và thu tiền phí về.
Mọi năm, các DNBH vẫn nhờ trường học thu hộ phí bảo hiểm từ học sinh, sinh viên, vì thế quy định mới này khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, có thể khiến doanh thu từ bảo hiểm học sinh giảm sút khá mạnh.
Đại diện 1 DNBH chia sẻ, việc không cho các trường thu phí sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bởi công việc tư vấn, giới thiệu về sản phẩm đã được các doanh nghiệp trực tiếp làm việc với nhà trường. Nếu như nhà trường không được thu phí, DNBH sẽ không kịp để quay lại làm việc với Hội phụ huynh. Điều này cũng khiến cho những học sinh có mong muốn mua bảo hiểm thân thể khó tiếp cận được với các DNBH.
Hiện tại, các DNBH đều đang lúng túng trong việc xử lý tình huống phát sinh này. Để “chữa cháy”, một số DNBH đang cố gắng đẩy nhanh việc tiến hành thu phí bảo hiểm trước khi công văn này đến tay các trường học.
Thêm vào đó, không chỉ có các DNBH mà các cơ sở giáo dục cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện công văn chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì đa phần các trường đã ký xong hợp đồng với các DNBH từ cuối tháng 8. Trước tình huống này, một số trường đành phải đồng ý để các DNBH tự đến kê bàn thu tiền tại trường. Tất nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời đầu mùa khai giảng, sau đó các DNBH cần phải tìm ra phương án khả thi hơn.