Chọn liêm chính
Cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với doanh nhân và nhà báo vào đầu tháng 6 vừa rồi là một cuộc gặp đặc biệt. Có thể nói vậy, vì đây là lần đầu tiên, cả nhà báo và doanh nhân cùng là nhân vật chính trong cuộc gặp với người đứng đầu Chính phủ.
Ngày hôm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Báo chí và doanh nghiệp đều phải cùng phát huy vai trò tiên phong của mình, góp phần thúc đẩy xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia”.
Đây không phải lần đầu người đứng đầu Chính phủ nói đến khái niệm Chính phủ liêm chính. Hơn một tháng trước, trong cuộc gặp đầu tiên của ông với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngay sau lễ nhậm chức, ông đã chính thức cam kết điều này.
“Chắc chắn người đứng đầu Chính phủ muốn báo chí không đứng ngoài cuộc. Như khi ông đã nói: “Doanh nghiệp cần thay đổi, cần liêm chính để phát triển”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư khi kể lại ấn tượng của cuộc gặp mà ông là một trong những người có mặt.
Không chỉ ông chủ tịch VCCI, các doanh nhân cũng đang nhìn vào chuyển động theo hướng này của Chính phủ. Trong Cuộc đối thoại doanh nhân với nhà báo “Báo chí và doanh nghiệp thời hội nhập” do VCCI và Hội nhà báo Việt Nam tổ chức vài giờ trước cuộc gặp trên, các doanh nhân đã nhắc rất nhiều tới những phát hiện mà họ cho là “vô cùng đặc biệt” của Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Các doanh nghiệp đã đếm được 4 lần Nghị quyết 35/NQ-CP nhắc đến không hình sự hóa. Ngoài ra, có thêm 3 không vô cùng quan trọng trong Nghị quyết này, đó là không mù mờ trách nhiệm giữa cơ quan và công chức; không được bổ sung hồ sơ quá 1 lần, không được thanh tra, kiểm tra chồng chéo.
“Chính phủ đã quyết tâm chọn con đường cải cách khó khăn để doanh nhân, doanh nhân yên tâm làm ăn, kinh doanh. Doanh nghiệp cũng buộc phải thay đổi. Nhưng để con đường này đi nhanh hơn, quyết tâm mạnh mẽ hơn, không thể không có sự tham gia của báo chí”, ông Lộc khẳng định.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái còn cho rằng, trong tiến trình cải cách thể chế thời gian qua, báo chí đã tạo ra cả áp lực và động lực để cả Chính phủ và doanh nghiệp cùng chuyển động.
“Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nói thật, làm kinh doanh ở Việt Nam nhiều khi như tham gia giao thông, cứ phải lạng lách, nhiều khi làm đúng mà chưa chắc đã an toàn. Khi báo chí cũng lên tiếng, cùng vì sự liêm chính, chúng tôi sẽ hết mình tâm huyết với công cuộc xây dựng đất nước”, ông Đoàn chia sẻ.
Trở lại… Xin Chào
Tháng 6/2016, quán Cà phê Xin Chào tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) lại trở thành điểm nóng của giới báo chí. Cứ mỗi lần có nhà báo đến, ông chủ quán Nguyễn Văn Tấn lại hồ hởi đón: “Cám ơn các nhà báo. Tôi thoát tù oan rồi!”.
Kể từ ngày cực chẳng đã phải trở thành nhân vật của báo chí, ông chủ quán Nguyễn Văn Tấn có thêm những người bạn nhà báo. Ông luôn nhắc, hồi đó, nếu không có báo chí, số phận của ông và cả quán cà phê Xin Chào có thể đã rẽ sang hướng khác.
“Khi bị công an huyện Bình Chánh kiểm tra, tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “kinh doanh trái phép”, được lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ việc điều tra vì do chậm đăng ký giấy phép kinh doanh khi mở quán cà phê, tôi đã cầu cứu lên các cơ quan chức năng của huyện và thành phố nhưng đều không có hồi âm. Đúng lúc bức bách nhất, một người bạn của tôi nghĩ ra việc gửi đơn cầu cứu tới báo chí. Ngay lập tức, tôi đã làm hàng chục đơn thư trình bày sự việc mình bị oan, kèm theo tất cả hồ sơ về vụ việc tới các báo”, ông Tấn kể.
Ngay sau đó, quãng đường 50 cây số từ TP.HCM đến quán Cà phê Xin Chào nắng như đổ lửa vào tháng Tư đã không cản nổi bước chân của các nhà báo. Vụ việc được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xử lý. Nhiều công chức nhà nước đã bị kỷ luật.
Giờ thì ông Tấn, và cả ông Nguyễn Văn Bỉ, chủ đất nơi ông Tấn thuê mở quán cà phê cũng nhờ báo chí mà thoát hình sự hóa khi xây chòi vịt nhỏ không xin phép chính quyền trên đất của mình, đã yên tâm làm ăn, kinh doanh hơn. Ông Tấn cũng đang tính tới kế hoạch làm sao để khấm khá hơn, nhưng thực sự nỗi đau vẫn còn luẩn quất.
Vụ việc này có thể coi là ví dụ điển hình cho sự trăn trở, khó khăn trong tư duy và thực hiện các quan điểm, chủ trương đổi mới về đề cao tính an toàn trong kinh doanh. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được người dân, doanh nghiệp ủng hộ, vì nó thể hiện thông điệp sẵn sàng hiện thực hóa những chủ trương, tư tưởng cải cách theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Trong chặng đường này, có thể thấy, sự tham gia của báo giới đã không chỉ cộng thêm sức mạnh cho các khuyến nghị của doanh nghiệp tới Chính phủ, mà còn tạo ra một kênh giám sát vô cùng quan trọng trong thực hiện các cam kết của các cơ quan quản lý nhà nước với các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
“Tôi tin chắc rằng, trong mục tiêu cùng Chính phủ xây dựng hệ sinh thái mới cho doanh nghiệp, nhất là cho khởi nghiệp liêm chính, nêu không có báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ cảm thấy rất cô đơn”, ông Lộc khẳng định.
Ý kiến - Nhận định
Báo chí và doanh nghiệp phải sòng phẳng
- Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên, Chủ tịch HĐQT Công ty May Hưng Yên.
Lời nói gói vàng, nhưng lời nói đọi máu. Báo chí và doanh nghiệp phải sòng phẳng, phải cất tiếng vì mục đích chung. Không thể để tình trạng doanh nghiệp ngại báo chí, báo chí lại không tiếp cận doanh nghiệp để có thông tin đầy đủ, hai chiều. Tránh để xảy ra thêm một Vietfood nữa, vì chỉ cần thông tin không chuẩn xác, doanh nghiệp có thể sẽ bị phá sản. Các nhà báo cần phải xác định rõ, sau lưng doanh nghiệp là gia đình, con cái của rất nhiều người lao động để cân nhắc các thông tin đưa ra trên mặt báo.
Các doanh nghiệp cũng nhận rõ, báo chí sẽ là cầu nối đưa sản phẩm, dịch vụ và tiếng nói của doanh nghiệp tới thị trường, tới xã hội và tới các cơ quan của Chính phủ.
Chúng tôi muốn mối quan hệ giữa nhà báo - doanh nghiệp phải được vun đắp trên tinh thần đó.
Cùng xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp và báo chí.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ, Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua
Chúng tôi thường nói, phóng viên là người dũng cảm. Họ đi vào những điểm nóng nhất, khó khăn nhất để có thông tin cho những người ngồi ở nhà, trong văn phòng vẫn biết các chuyển động trên thế giới.
Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để báo chí phát huy tính chiến đấu, đi đầu đó, để báo chí lột tả những cái xấu, chưa được, tuyên truyền những cái tốt, nhưng nguyên tắc rõ ràng là khách quan và rõ ràng, ai tốt thì tuyên ai xấu thì bêu. Nhưng để làm được điều đó, các phóng viên phải thực sự hiểu vấn đề, nhìn nhận một cách công bằng, khách quan. Các nhà báo đừng biến mình thành “thầy bói xem voi”. Nếu không, những người tốt sẽ không muốn làm gì nữa.
Tôi đề nghị chúng ta cùng xây dựng văn hóa trong báo chí, trong doanh nghiệp, văn minh trong doanh nhân, nhà báo. Như vậy thì chúng ta sẽ cùng phát triển.
Đề nghị báo chí tăng cường công tác phản biện
- Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Hợp Lực (Thanh Hóa)
Chúng tôi không sợ doanh nghiệp chết vì thiếu vốn, thiếu năng lực sản xuất, mà sợ chết vì cơ chế. Có dự án đi gần đến đích rồi, nhiều khi chỉ vì một thông tư của cấp bộ là tiêu tan hết cả.
Chúng tôi rất mong muốn sự tham gia của báo chí trong phản biện chính sách, đóng góp những quan điểm mới, tư duy mới với các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạch định chính sách, xây dựng các quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, tôi muốn nhắc lại cam kết của Thủ tướng Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Báo chí cũng phải tuân thủ thực hiện cam kết này cùng với Chính phủ. Báo chí không được hình sự hóa các vấn đề kinh tế, các hoạt động của doanh nghiệp. Nếu không làm rõ vấn đề này, nhiều khi báo chí sẽ làm nhụt chí của các doanh nhân.