Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, sự cạnh tranh gay gắt trên quy mô toàn cầu đang đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức phải năng động, linh hoạt, đổi mới phương thức kinh doanh để trụ vững và phát triển.
Bên cạnh những yếu tố như sản phẩm, thị trường, công nghệ, năng lực kinh doanh… thì văn hóa doanh nghiệp được coi là một nguồn lực, là yếu tố vàng quyết định sự thành công của các doanh nghiệp. Do vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước hiện nay.
Nhiều khía cạnh của văn hóa doanh nghiệp đã được mổ xẻ như đạo đức kinh doanh, ứng xử văn hóa, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh quốc tế… Nhiều doanh nghiệp như Vingroup, Viettel, FPT cũng đã chia sẻ những cách làm xây dựng văn hóa doanh nghiệp của chính mình.
Quay trở lại với câu hỏi của ông Vũ Khoan, vị đại biểu này đã phân tích một loạt yếu tố từ nền văn hóa dân tộc, lịch sử, điều kiện sản xuất, sinh tồn… và cho rằng, Việt Nam chưa có văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân đúng nghĩa. Nhưng đó không phải là sản phẩm của lịch sử, văn hóa dân tộc để lại, mà nó là sản phẩm của hoạt động sản xuất - kinh doanh trong thời đại hiện nay.
Ông Vũ Khoan nhấn mạnh rằng, văn hóa Việt Nam có mặt tích cực và không tích cực. Lâu nay, chúng ta thường né tránh nói về mặt không tích cực, trong khi thực tế rất cần làm rõ chúng ta có gì mạnh, điều gì là nhược điểm. Chỉ có nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu, từ đó mới phát huy được cái tốt và bổ sung, khắc phục cái xấu.
Nhắc đến điểm yếu cố hữu của đa số doanh nghiệp, doanh nhân Việt về giữ chữ tín và tính liên kết, nguyên Phó thủ tướng chia sẻ, khi còn làm lãnh đạo Bộ Thương mại, ông đã khốn khổ vì trong nhiều chương trình, thực thi nhiều chính sách quan trọng, các doanh nghiệp Việt chủ yếu triệt tiêu lẫn nhau và kết cục có rất ít doanh nghiệp lớn lên được.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn ngày 10/11 là ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Vậy làm sao chúng ta có được văn hóa doanh nghiệp Việt Nam? Theo ông Vũ Khoan, không thể ngồi bàn giấy mà xây dựng được văn hóa, mà nó phải đến từ sự phát triển, hợp tác làm ăn, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, từ đó mỗi doanh nghiệp sàng lọc ra cách làm tốt nhất, hữu ích với mình. Và ông cũng nhấn mạnh đến việc nhất thiết không thể hành chính hóa văn hóa bằng cách ra nghị quyết, phương châm hành động như lâu nay vẫn thấy ở Việt Nam.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đó là câu chuyện của doanh nghiệp. Về phía Nhà nước, cần tạo môi trường kinh doanh, xây dựng thể chế để tạo ra văn hóa doanh nghiệp lành mạnh.