Phát triển các sản phẩm bảo hiểm bền vững là xu hướng tất yếu. Ảnh: Dũng Minh

Phát triển các sản phẩm bảo hiểm bền vững là xu hướng tất yếu. Ảnh: Dũng Minh

Bàn về phát triển thị trường bảo hiểm bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi các doanh nghiệp cần sự cân bằng giữa lợi nhuận và mục tiêu hoạt động, hướng đến phát triển bền vững và ngành bảo hiểm cũng không là ngoại lệ.

Phát triển bền vững, bảo hiểm Việt Nam đã sẵn sàng?

Tại cuộc họp Cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 25 (AIRM25) và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 48 (AIC48) với chủ đề “Thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm ASEAN hướng tới số hóa và bền vững” diễn ra đầu tháng 12/2022 tại Thái Lan, lãnh đạo các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN tập trung thảo luận 2 vấn đề chính là phát triển thị trường bảo hiểm bền vững, vai trò của bảo hiểm đối với nền kinh tế ASEAN và đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm.

Trong đó, nhấn mạnh các doanh nghiệp bảo hiểm nên tập trung vào việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm bền vững để hỗ trợ xu hướng toàn cầu, tập trung vào nền kinh tế ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội và Governance - Quản trị)… Hiện nay, tại Thái Lan và một số nước trong khu vực, bảo hiểm đang tập trung vào các hoạt động có trách nhiệm với môi trường và ngành bảo hiểm Việt Nam cũng theo xu hướng này.

Cam kết thúc đẩy một tương lai bền vững, Manulife Việt Nam đã và đang tiếp tục chuyển đổi quy trình vận hành, hoạt động đầu tư, các sản phẩm và dịch vụ của mình để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải (net zero). Theo đại diện hãng bảo hiểm này, tại Việt Nam, hãng đã nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số trong các dịch vụ và tương tác với khách hàng thông qua các giải pháp kỹ thuật số như eClaims, ManuConnect, ePOS và hợp đồng điện tử. Điều này cũng giúp thực hiện cam kết toàn cầu của Manulife về việc giảm 35% lượng giấy vào năm 2025 và đảm bảo lượng giấy còn lại là từ các nguồn bền vững.

“Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, nơi các công ty cần tìm kiếm sự cân bằng lành mạnh giữa lợi nhuận và mục tiêu hoạt động. Manulife đón nhận những thay đổi này và cam kết mang đến cho nhiều người hơn cơ hội tham gia vào một thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững và hiệu quả”, đại diện hãng bảo hiểm này chia sẻ.

Việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô là nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giúp mọi người dân dù trong điều kiện kinh tế nào cũng được sử dụng những dịch vụ y tế tốt nhất.

Tại một hãng bảo hiểm nhân thọ khác là Generali Việt Nam, hiện nay, hầu hết hoạt động phục vụ khách hàng, quản lý tư vấn viên và vận hành doanh nghiệp cũng đã được số hóa. Hiện là giai đoạn hãng bảo hiểm này sẽ đẩy mạnh hơn hiệu quả của việc chuyển đổi số hóa, tiến tới ứng dụng công nghệ số hoàn toàn cho tất cả các quy trình chính. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, chất lượng phục vụ khách hàng, bao gồm cả tính minh bạch thông tin, đồng thời tiết kiệm được nguồn lực để phát triển kinh doanh mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, toàn bộ công tác phục vụ khách hàng của Generali Việt Nam đều được thực hiện “không giấy”. Việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm, theo dõi tình trạng hợp đồng, đóng phí, cập nhật thông tin, hoán đổi quỹ đầu tư, mua sản phẩm mới… đều có thể thực hiện trên hệ sinh thái kỹ thuật số GenVita. Công tác huấn luyện, đào tạo, quản lý, hỗ trợ đại lý của công ty cũng được số hóa thành công.

Tương tự, FWD Việt Nam cũng là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ loại bỏ hoàn toàn giấy tờ và tiền mặt trong giao dịch, phát hành 100% hợp đồng bảo hiểm điện tử và số hóa mọi quy trình…

Đối với khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, lộ trình số hóa dường như chậm hơn so với khối nhân thọ bởi mô hình “không giấy” đòi hỏi việc đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ cũng như sự quyết liệt trong quá trình chuyển đổi. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nào ghi nhận công tác phục vụ khách hàng được thực hiện 100% không giấy, mà đang ở giai đoạn giảm thiểu các hồ sơ thủ tục, rút ngắn quy trình. Dù vậy, đây là một trong những chiến lược mà các doanh nghiệp phi nhân thọ hướng tới.

“Đại dịch Covid-19 thúc đẩy làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử. Nhân loại phải chấp nhận các giao thức làm việc mới, chuyển đổi cách thức cung cấp từ tập trung sang phi tập trung, tạo điều kiện để mọi người làm việc từ xa, số hóa tất cả các khâu có thể trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Những người làm bảo hiểm phải nhanh chóng sắp xếp hành trang cho một chuyến hành trình mang tên số hóa”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ.

Chuẩn bị cho viễn cảnh xã hội hóa sản phẩm bảo hiểm

Tại hội nghị bảo hiểm khu vực nói trên, ngoài nhấn mạnh phát triển sản phẩm bảo hiểm theo hướng bền vững, việc xã hội hóa các sản phẩm bảo hiểm nói chung, bảo hiểm sức khỏe nói riêng trong bối cảnh dân số ngày càng già hóa cũng được tập trung bàn thảo.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. UNFPA cho biết, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Thực tế, những dự báo về tốc độ già hóa nhanh chóng của dân số Việt Nam và một số hạn chế trong hệ thống hưu trí hiện nay như tỷ lệ tham gia bảo hiểm thấp, đóng góp từ bảo hiểm hưu trí tự nguyện chưa đáng kể… đặt ra yêu cầu cải cách hệ thống hưu trí theo hướng cân đối và bền vững trong dài hạn. Chưa kể, việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô là nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giúp mọi người dân dù trong điều kiện kinh tế nào cũng được sử dụng những dịch vụ y tế tốt nhất.

Khác với số hóa, trong xu hướng “xã hội hóa” sản phẩm bảo hiểm, khối phi nhân thọ lại có lợi thế hơn so với khối nhân thọ bởi sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ có thời hạn ngắn và dễ thiết kế. Trên thực tế, không khó để nhận thấy các doanh nghiệp phi nhân thọ đều đang đi theo xu hướng triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ với mức phí thấp, quyền lợi vừa phải để mọi người dân đều có thể tiếp cận.

Lấy sản phẩm Jupvieccare mới được Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đưa ra thị trường làm dẫn chứng, một trong những đặc điểm nổi bật của sản phẩm này là mức phí được chia nhỏ, người lao động được bảo hiểm bảo vệ chỉ với vài ngàn đồng ngay từ lần đóng phí đầu tiên (từ 2.000-5.000 đồng tùy vào gói bảo hiểm lựa chọn). Quyền lợi bảo hiểm sẽ được cộng dồn sau khi họ hoàn thành mỗi ca làm việc của mình. Số tiền bảo hiểm người lao động có thể nhận được dao động từ 10-100 triệu đồng/hợp đồng/người.

Hay như các sản phẩm bảo hiểm tai nạn theo chuyến đang được các hãng taxi công nghệ như Bee, Grab… triển khai, với mức phí đóng cũng chỉ tương đương cốc trà đá là mọi khách hàng đều được bảo vệ khi không may rủi ro tai nạn xảy đến.

Một xu hướng phát triển sản phẩm khác đã và đang được các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài triển khai đó là đóng gói các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt, với nhiều gói dịch vụ ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển theo xu hướng ESG, nhưng tại Việt Nam, gần như chưa có nhà bảo hiểm nào quan tâm đến hình thức này. Tuy nhiên, với xu hướng ưu tiên phát triển kinh tế ESG của Nhà nước, các công ty bảo hiểm của Việt Nam sẽ sớm dành ưu tiên cho nhóm khách hàng này.

Tin bài liên quan