Theo quy định mới ban hành, tầng hầm phục vụ đỗ xe đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Hà Nội được chia thành 2 khu vực là nội đô lịch sử và nội đô mở rộng, phát triển mới, các đô thị vệ tinh, thị trấn.
Khu vực nội đô lịch sử, giới hạn từ vành đai 2 trở vào với các khu vực đã có quy hoạch, quy chế quản lý riêng gồm khu Trung tâm chính trị Ba Đình, khu vực phố cổ Hà Nội.
Các công trình công cộng trong khu vực này phải đảm bảm cứ 100 m2 sàn sử dụng sẽ phải có 37 m2 đỗ xe. Với công trình hỗn hợp là 34 m2, nhà ở là 31 m2, cơ quan trường đào tạo là 24 m2.
Khu vực nội đô mở rộng và phát triển mới, các khu đô thị vệ tinh, thị trấn yêu cầu diện tích đỗ xe với công trình công cộng là 25 - 30 m2, công trình hỗn hợp là 23 - 27 m2, đất ở là 20 - 24 m2, cơ quan trường đào tạo là 13 - 17 m2.
Trên thực tế, đúng là hiện có nhiều bất cập về chỗ đỗ xe tại các công trình chung cư. Một số tòa nhà chung được xây dựng từ giai đoạn trước như ở khu Trung Hòa Nhân Chính, chủ đầu tư không dự liệu được sự phát triển nhanh chóng lượng ô tô, dẫn đến thiếu chỗ đỗ xe nghiêm trọng, không đáp ứng đủ nhu cầu của cư dân, chưa kể nhu cầu của khách vãng lai tới tòa nhà. Một số dự án phát triển gần đây, thông thường chủ đầu tư dành cho cư dân 1 chỗ đỗ xe ô tô và 2 chỗ đỗ xe máy.
Theo quy chuẩn hiện hành, cứ 100 m2 sàn nhà ở thương mại, phải bố trí 20 m2 đỗ xe (bao gồm cả đường giao thông nội bộ trong nhà để xe). So với quy định cũ, Hà Nội yêu cầu các dự án phải đảm bảo diện tích đỗ xe Hà Nội lớn hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận xét, Hà Nội đang thiếu trầm trọng chỗ đỗ xe và việc đưa ra quy định riêng về diện tích đỗ xe cho các công trình ở Hà Nội là một cách Thành phố buộc các chủ đầu tư phải chia sẻ, hỗ trợ tạo thêm diện tích giao thông tĩnh cho Thủ đô.
Do đó, ông Đính ủng hộ việc Hà Nội quy định cụ thể về diện tích đỗ xe cho từng loại công trình, từng loại đô thị. Với các dự án nằm ở vùng lõi thủ đô, được phát triển dự án ở trung tâm thì phải có trách nhiệm hỗ trợ Thành phố, tạo thêm chỗ đỗ xe cho khách vãng lai, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt chỗ đỗ xe hiện này. Với các dự án ở xa hơn như các huyện ngoại thành, chỗ đỗ xe không thiếu, thì diện tích đỗ xe bắt buộc ít hơn là điều dễ hiểu.
“Quy định này là cần thiết, nhưng còn một số vấn đề phải quy định chi tiết hơn. Chẳng hạn, với dự án nhà ở, diện tích để xe hoặc chi phí xây dựng các tầng hầm để xe được phân bổ cho cư dân như thế nào? Các dự án triển khai gần đây thường dành cho cư dân 1 chỗ đỗ xe ô tô, 2 chỗ đỗ xe máy. Như vậy, với căn hộ diện tích khoảng 100 m2, thì diện tích đỗ xe theo thỏa thuận hợp đồng ít hơn rất nhiều so với diện tích quy định (20 - 31 m2). Phần diện tích thừa đó chủ đầu tư được khai thác làm các bãi trông xe hay thuộc về cư dân?”, ông Đính băn khoăn.
Vấn đề này liên quan đến phân bổ chi phí vào giá căn hộ, liệu người mua nhà có phải gánh toàn bộ chi phí này? Nếu toàn bộ chi phí này phân bổ vào giá thì chắc chắn, việc sở hữu nhà đối với nhiều người ngày càng khó khăn hơn.
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản, Tổng giám đốc một công ty kinh doanh xây lắp và bất động sản cho biết, chi phí xây dựng tầng hầm tốn kém hơn tầng nổi, càng xuống sâu, chi phí càng đội lên. Thêm tầng hầm, thêm chỗ đỗ xe, tức là thêm chi phí. Về nguyên tắc, chi phí sẽ được hạch toán vào giá bán, nhưng vấn đề là tăng giá có bán được không?.
Còn theo ông Đính, vấn đề này cần xem xét quy định rõ, bởi lâu nay trên thị trường vẫn có rất nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân về diện tích để xe. Nếu không quy định rõ ràng thì tương lai sẽ phát sinh nhiều tranh chấp.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com