Trong văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, BCG nhận định giá, cổ phiếu tăng trần là do cung cầu trên thị trường. Yếu tố tác động này do thị trường quyết định và nằm ngoài kiểm soát của công ty. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của BCG vẫn diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào.
Trước đợt tăng trần liên tiếp này, do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường, cổ phiếu BCG đã có giai đoạn giảm mạnh. Tuy nhiên, đại diện công ty cho rằng, thị giá hiện nay đang thấp hơn giá trị thực của BCG. Việc liên tục tăng trần đã phần nào cho thấy các công ty có nền tảng tốt, dư địa phát triển như BCG sẽ có sức hồi phục mạnh mẽ và bật lên ngay khi thị trường lạc quan.
Được biết, sau đợt giảm mạnh về mức 5.400 đồng, cổ phiếu BCG đã bật tăng trở lại từ phiên 25/11 với 5 phiên trần liên tiếp lên 7.550 đồng chốt phiên 1/12. Đóng cửa phiên hôm nay, dù hạ nhiệt, nhưng BCG vẫn tăng gần 4% lên 7.850 đồng.
Sau 3 quý đầu năm 2022, Tập đoàn Bamboo Capital đạt 3.310,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 885,3 tỷ đồng. Theo mức lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Bamboo Capital vẫn giữ được đà tăng trưởng trung bình hàng năm từ năm 2018 đến nay, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 41,1% và 157,9%. Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2022 đạt 35,2% và 27,7%.
Trong hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư hồi đầu tháng 11/2022, ông Phạm Minh Tuấn – Phó chủ tịch HĐQT BCG từng chia sẻ: “Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, BCG cũng không phải ngoại lệ. Công ty đã thay đổi kế hoạch kinh doanh, bám sát thị trường, tìm ra các phương án kinh doanh phù hợp. Có thể bước phát triển ở giai đoạn hiện nay chưa đạt kết quả cao như kỳ vọng, nhưng ban lãnh đạo BCG tin tưởng bức tranh dài hạn tới năm 2025-2026 vẫn sẽ đạt như kỳ vọng”.