Ba điểm nổi cộm mùa đại hội

(ĐTCK) Mùa cao điểm ĐHCĐ 2014 của các công ty đại chúng mới bắt đầu được vài tuần, song để lại không ít vấn đề cần suy ngẫm.
Ba điểm nổi cộm mùa đại hội

Thứ nhất là xu hướng tái cấu trúc ở các DN tiếp tục là chủ đề nóng được bàn thảo tại nhiều đại hội. Năm trước, nhiều cổ đông của Sacombank tại Hà Nội nhận được đề nghị ủy quyền cho lãnh đạo ngân hàng này biểu quyết các vấn đề tại Đại hội. Ngay sau đó, câu chuyện trở thành một “scandal” của Ngân hàng, bởi nhóm cổ đông lớn phản công và đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn lực ngân hàng gom phiếu bầu từ cổ đông nhỏ lẻ nhằm phục vụ cho một nhóm cổ đông. Năm nay, ĐHCĐ của Sacombank tiếp tục nóng không kém khi nhiều cổ đông không đồng ý việc sáp nhập với SouthernBank, bởi việc này có thể khiến Sacombank gánh thua thiệt ước hàng trăm tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng đang chuẩn bị phương án tái cấu trúc, sáp nhập, đổi chủ… và buộc phải đưa câu chuyện này ra đại hội lấy ý kiến. Đây sẽ là chủ đề nóng bởi ý chí của cổ đông lớn thường lấn át tiếng nói của các cổ đông nhỏ lẻ, dù Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định, trong các phương án sáp nhập, hợp nhất của các tổ chức tín dụng phải đảm bảo lợi ích của tất cả cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ lẻ.

Được dự báo nóng không kém đại hội của các ngân hàng sắp tái cấu trúc, là ĐHCĐ của các DN thua lỗ, bên bờ phá sản, đang ngập trong nợ nần, hàng tồn kho. Một cổ đông của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (SHN) cho biết đang tìm cách bán hết số cổ phiếu đã ôm từ 2 năm nay. Cổ phiếu rớt về 800 đồng/CP, nhà đầu tư này tưởng như gần mất trắng, nhưng sóng thị trường vừa qua đã đẩy giá SHN lên tới 7.000 đồng/CP. Hoạt động của DN chưa có gì khởi sắc; ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch Công ty tranh thủ lướt sóng nửa triệu cổ phiếu; phương án tăng vốn cho cổ đông chiến lược giống như chiếc bánh vẽ, là những lý do nhà đầu tư được nhiều CTCK khuyên chớ nên mạo hiểm ôm cổ phiếu này.

DN không thua lỗ, thậm chí kinh doanh tốt, song nhiều đại hội lại rất ồn ào do bất đồng giữa các nhóm cổ đông lớn. Đại hội của Everpia đã diễn ra căng thẳng như vậy và trên sàn, ít nhất 2 DN khác cũng đang lâm vào tình huống này. Mùa đại hội năm ngoái, diễn biến tại cuộc họp của CTCP Tổng hợp I khiến Ban chủ tọa nếu không “cứng” sẽ lâm vào cảnh vỡ trận. Năm nay, mọi việc đã được giải quyết êm thấm khi mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã được giải quyết ổn thỏa. Chưa biết căng thẳng diễn ra, cổ đông nào được lợi, nhưng hoạt động và hình ảnh của DN bị ảnh hưởng tiêu cực đáng kể trên thị trường. 

Tại ĐHCĐ của FPT, gần 20 lãnh đạo cấp cao nhất của Tập đoàn đã cúi đầu cám ơn cổ đông, thể hiện sự trân trọng và biết ơn về việc cổ đông đã tin tưởng, đồng hành và luôn ủng hộ Công ty trong mọi hoàn cảnh. Ở phía dưới hội trường, một nhà đầu tư nói rằng, nếu lãnh đạo DN biết ơn cổ đông như thế thì hãy đoàn kết, biến lời hứa thành hành động: Đưa DN phát triển và trả cổ tức cao cho cổ đông.

Tin bài liên quan