Áp lực trả nợ vay cao, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) dự kiến huy động 1.194,2 tỷ đồng trái phiếu từ cổ đông hiện hữu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã chứng khoán: CII – sàn HOSE) công bố thông tin chào bán trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu.
Áp lực trả nợ vay cao, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) dự kiến huy động 1.194,2 tỷ đồng trái phiếu từ cổ đông hiện hữu

Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến huy động 1.194,2 tỷ đồng, trái phiếu có thời gian 5 năm, lãi suất 11%/năm, trả lãi 6 tháng 1 lần. Trong đó, đáng chú ý trái phiếu này có thể chuyển đổi thành cổ phiếu, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền.

Trái phiếu sẽ được phân phối cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ là 200:1, nhà đầu tư sở hữu 200 cổ phiếu có quyền mua 1 trái phiếu với giá 1 trái phiếu là 1 triệu đồng/trái phiếu. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 1/10, thời gian nhận đăng ký mua từ 9/10 đến 2/11.

Mục đích khoản vay là để cơ cấu lại các khoản nợ và đầu tư và các chương trình, dự án của tổ chức phát hành.

Được biết, trong quý II/2020, doanh nghiệp công bố doanh thu là 651,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 116,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 43,4% và giảm 48,9%.

Trong quý II/2020, biên lợi nhuận gộp tăng từ 31,1% lên 39,7%, tuy nhiên biên lợi nhuận ròng lại suy giảm từ 50,1% về chỉ còn 17,9%. Doanh nghiệp thuyết minh nguyên nhân lợi nhuận giảm do cùng kỳ năm trước phát sinh khoản thu nhập từ chuyển nhượng khoản đầu tư với giá trị lớn nên mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý II/2020 tăng so với năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế giảm.

Cụ thể, trong quý II/2019, ghi nhận thu nhập khác từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư với giá trị 255 tỷ đồng, quý II/2020 không có ghi nhận.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 1.123,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 391,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,4% và tăng 46,3% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 846,7 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước dương 395 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư tài chính ghi nhận dương 1.405,7 tỷ đồng, chủ yếu là tiền đi vay. Như vậy, hoạt động kinh doanh chính không tạo ra tiền, doanh nghiệp tiếp tục huy động vốn vay bên ngoài.

Tính tới 30/06/2020, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 1.533,4 tỷ đồng lên 15.384,8 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ vay trên tổng nguồn vốn tăng từ 47,4% lên 50,2%; tỷ lệ nợ vay trên tổng vốn chủ sở hữu tăng từ 159,1% lên mức 179,3%.

Theo báo cáo tài chính tính tới 30/06/2020, lịch trả nợ vay của doanh nghiệp tương đối áp lực. Trong vòng 1 năm phải trả 2.590,1 tỷ đồng; trong vòng năm thứ 2 là 2.326,6 tỷ đồng; trong vòng năm 3 đến năm 5 phải trả 4.106,5 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính liên tục thâm hụt kéo dài.

Như vậy, năm 2020 là năm doanh nghiệp phải đáo hạn nhiều khoản nợ vay.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/09/2020, cổ phiếu CII tăng 200 đồng lên 18.650 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan