Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Ẩn số mang tên PTK

Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu PTK đã tăng hết biên độ, lên 14.400 đồng/cổ phiếu. Đà tăng của PTK tiếp tục duy trì sang phiên 26/9 với mức tăng trần lên 15.100 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, 2 phiên giao dịch sau đó (ngày 27/9 và  28/9), giá cổ phiếu PTK cũng không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường, khi giảm xuống 14.500 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản ở mức rất khiêm tốn (chỉ 18.600 cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên ngày 28/9). Thế nhưng, PTK vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.

 

Công ty cổ phần Luyện kim Phú Thịnh có vốn điều lệ 216 tỷ đồng, định hướng chuyên sâu vào lĩnh vực khai thác khoáng sản và kinh doanh thương mại khoáng sản. Hiện tại, Công ty tập trung thăm dò, khai thác, chế biến, mua bán các loại khoáng sản. Trong những năm tới, Phú Thịnh đặt mục tiêu phát triển chính là đầu tư sâu rộng cho ngành khai thác, chế biến khoáng sản, kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm chế biến từ quặng sắt.

 

Theo báo cáo tài chính bán niên của Phú Thịnh, lợi nhuận trong nửa đầu năm 2012 của Công ty không thực sự cao. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt hơn 5,4 tỷ đồng (tương đương mức lãi trên cổ phiếu là hơn 330 đồng/cổ phiếu). Ngoài ra, đầu tư tài chính chiếm tới 1/2 tổng thu nhập của Công ty.

 

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2012, lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt gần 7,3 tỷ đồng, trong đó thu nhập tài chính đạt hơn 3,8 tỷ đồng, phần lớn khoản thu nhập này đến từ Hợp đồng cho vay tiền của Công ty (131,5 tỷ đồng). Hiện nay, hợp đồng vay vốn này đã thanh lý và điều này có nghĩa là, thu nhập của Công ty trong thời gian tới sẽ phụ thuộc khá nhiều vào kế hoạch đầu tư từ số tiền vừa thu nợ trên. Vì vậy, năm 2012, Công ty đã gia tăng mạnh hoạt động đầu tư tài chính dài hạn, với số dư của các khoản đầu tư tài chính đến giữa năm đạt 237,5 tỷ đồng. Tất cả các khoản đầu tư tài chính trong năm 2012 đều là phần góp vốn vào các công ty liên doanh, liên kết. Trong đó, 167,5 tỷ đồng góp vào Công ty cổ phần Chì kẽm Yên Bái, nhằm hợp tác kinh doanh để sản xuất chì kẽm tại 2 mỏ chì kẽm ở xã Xuân Lai và xã Cẩm Nhân (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Ngoài ra, Công ty vừa góp 70 tỷ đồng vào Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu Yên Bái Lào Cai với mục đích kinh doanh các sản phẩm quặng, thiết, chì kẽm, đá thạch anh...

 

Ngoài thu nhập từ nguồn đầu tư tài chính, yếu tố khiến các nhà đầu tư yên tâm là, Công ty hoạt động kinh doanh khá tập trung vào ngành nghề chính khai khai thác khoáng sản, không đầu tư dàn trải ra các lĩnh vực ngoài ngành. Tuy nhiên, hiện tại, hầu hết các mỏ quặng của Phú Thịnh và công ty con đang đầu tư đều là những mỏ có quy mô nhỏ và vừa và đều được cấp phép khai thác với thời gian khá ngắn, chỉ trong vòng khoảng 5 năm và bắt đầu từ năm 2009.

 

Trên thực tế, các khu vực mỏ này phần lớn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hạ tầng cơ sở, thăm dò… để phục vụ khai thác chính thức dự kiến vào cuối năm 2012. Do đó, đến hết năm 2014, nếu Phú Thịnh không xin gia hạn được giấy phép, thì việc khai thác quặng có thể bị ngừng, gây tổn hại tới kết quả kinh doanh của Phú Thịnh.

 

Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể phần nào yên tâm, bởi theo quy định về việc gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác mỏ, các công ty khai thác khoảng sản như Phú Thịnh có quyền được xin gia hạn khai thác với thời gian 3 - 7 năm.