Ấn, ép ý kiến cổ đông là trái luật

Ấn, ép ý kiến cổ đông là trái luật

(ĐTCK) Nhiều công ty đã cố tình ấn ép ý kiến cổ đông khi lấy ý kiến bằng văn bản với quy định, nếu không gửi phiếu biểu quyết về công ty coi như cổ đông đã đồng ý. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, công ty đã phải hủy bỏ kết quả bỏ phiếu hoặc phải thay đổi cách thức thống kê do những phản ứng từ cổ đông.

Ấn, ép ý kiến cổ đông là trái luật  ảnh 1Nghị quyết ĐHCĐ của Mediplast không có hiệu lực pháp lý do tỷ lệ biểu quyết không đảm bảo theo quy định

 

ĐTCK đã phản ánh nhiều trường hợp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản với cách thức kiểm phiếu chưa đúng với các quy định pháp luật. Theo đó, nhiều công ty khi phát phiếu biểu quyết đã đưa kèm vào đó quy định: nếu cổ đông không gửi phiếu biểu quyết về công ty trong thời hạn thì xem như đồng ý. Hậu quả là nhiều nội dung đã được thông qua với tỷ lệ bỏ phiếu đúng quy định dù thực tế cổ đông không bỏ phiếu.

Đơn cử như trường hợp CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon) vừa xin ý kiến cổ đông bằng văn bản đối với nội dung bán tài sản tại số 200 Điện Biên Phủ (quận 3, TP. HCM). Theo Seaprodex, trụ sở này đang bỏ trống, không có người thuê, trong khi Công ty chưa thể triển khai xây dựng nhà cao tầng do không đủ điều kiện để được cấp phép xây dựng. Do đó, Seaprodex đề nghị cổ đông cho ý kiến để bán tài sản này, nhằm cân đối tài chính của Công ty và trả ngân hàng các khoản nợ đến hạn. Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2013, Seaprodex đang có nợ ngắn hạn là 216,5 tỷ đồng, trong đó vay và nợ ngắn hạn là 126,8 tỷ đồng.

Theo giá trị sổ sách, tổng giá trị nhà và quyền sử dụng đất tại số 200 Điện Biên Phủ là 11,49 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo chứng thư thẩm định của CTCP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam , thì tài sản này trị giá tới hơn 90 tỷ đồng. Seaprodex định giá khởi điểm là 108 tỷ đồng (cao hơn giá thẩm định 20%) và sẽ thuê trung tâm dịch vụ đấu giá công khai trên sàn giao dịch bất động sản.

Để thông qua quyết định chuyển nhượng tài sản, Seaprodex xin ý kiến cổ đông bằng văn bản. Tuy nhiên, trong phiếu biểu quyết, Seaprodex “lưu ý” cổ đông, trong trường hợp không gửi ý kiến phản hồi theo quy định về Công ty thì xem như cổ đông đồng ý với nội dung cần biểu quyết nêu trên. Không những thế, có lẽ để chặn đường khiếu nại của cổ đông, Seaprodex còn quy định thêm: cổ đông không có quyền khiếu nại gì về quyết định đã được thông qua.

Một công ty khác gần đây cũng thực hiện cách thức lấy ý kiến cổ đông như trên là CTCP Đầu tư xây dựng và vật liệu Đồng Nai (Donasand). Theo đó, Donasand xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2013. Cụ thể, tổng doanh thu giảm còn 110 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm còn 1 tỷ đồng, so với kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua trước đó là 132 tỷ đồng doanh thu và 11,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Về vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng được điều chỉnh giảm từ mức 44,9 tỷ đồng xuống 35 tỷ đồng. Trong phiếu biểu quyết, Donasand đưa ra quy định, cổ đông không gửi phiếu biểu quyết coi như đồng ý. Một số cổ đông không đồng tình với cách thức tổng hợp ý kiến trên phiếu biểu quyết này và phản ánh lại với công ty. Sau đó, Donasand đã phải thay đổi phương án thống kê: những cổ đông không gửi phiếu biểu quyết hoặc gửi phiếu biểu quyết sau thời gian quy định sẽ được tính là: Không có ý kiến.

Trước đó, ĐTCK cũng phản ánh trường hợp CTCP Nhựa Y tế (Mediplast) xin ý kiến cổ đông về thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát theo cách thức trái luật. Đó là lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản kèm theo quy định: Nếu cổ đông không gửi phiếu biểu quyết coi như là đồng ý. Nội dung này trước đó đã không được cổ đông thông qua trong cuộc họp ĐHCĐ.

Tuy nhiên, UBCK đã có công văn gửi Mediplast cho rằng, việc ghi nhận số phiếu cổ đông không gửi về là đồng ý với nội dung đề xuất và được coi là phiếu hợp lệ là không phù hợp. Vì vậy, Nghị quyết ĐHCĐ của Mediplast không có hiệu lực pháp lý, do tỷ lệ biểu quyết thông qua không đảm bảo theo quy định. Nếu vẫn muốn thông qua nội dung về thù lao HĐQT, Ban Kiểm soát, thư ký năm 2013, Mediplast sẽ phải xin ý kiến cổ đông vào một lần khác.