Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên họp.
Chiều 24/8, tiếp tục chương trình nghị sự Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA 42), Ủy ban Xã hội đã họp, xem xét dự thảo và thông qua nghị quyết “Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu".
Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, tham dự phiên họp này.
Nghị quyết nói trên do Brunei Darussalam, nước chủ nhà AIPA 42 đề xuất.
Dự thảo Nghị quyết bày tỏ chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về tình trạng ngày càng dễ bị tổn thương và các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu đối với khu vực, bao gồm nước biển dâng, nhiệt độ ấm hơn và thời tiết khắc nghiệt, các thảm họa ngày càng trầm trọng thêm do khí hậu gây ra như lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng và ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Tác động của thiên tai do khí hậu gây ra sẽ làm tăng khả năng người dân phải di dời do biến đổi khí hậu. Hoạt động kinh tế dọc theo các đường bờ biển của khu vực, nơi đặc biệt là khoảng 640 triệu cư dân sinh sống, vẫn đang gặp rủi ro.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Xã hội nhất trí khuyến khích các Nghị viện thành viên AIPA hợp tác và cung cấp hướng dẫn trong ASEAN trong việc sử dụng các nguồn lực sẵn có hướng tới tích hợp công nghệ kỹ thuật số để phục hồi và thích ứng với khí hậu.
Nghị quyết cũng kêu gọiASEAN hợp tác và thiết lập mạng lưới trao đổi thông tin về khoa học khí hậu, nghiên cứu, quan sát có hệ thống và chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Ngoài việc thiết lập một trung tâm dữ liệu khu vực để điều phối việc chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên ASEAN với mối liên kết chặt chẽ hướng tới quản lý rủi ro thiên tai, trung tâm này cũng có thể được thiết lập để thực hiện các đánh giá khí hậu, giới thiệu trí tuệ nhân tạo (AI) như một công cụ giám sát và công cụ theo dõi, tạo lập bản đồ nguy cơ trực tuyến và hệ thống cảnh báo sớm, cũng như hệ thống kiểm kê phát thải khí nhà kính trực tuyến theo thời gian thực.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường bao trùm kỹ thuật số trong đối phó với biến đổi khí hậu, vì công nghệ và đổi mới sẽ là chìa khóa cải thiện việc áp dụng các công nghệ xanh;
Theo đoàn Việt Nam, ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu quan trọng. Cộng đồng AIPA cần cùng nhau hành động thực chất hơn nữa.
Hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng hơn các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến suy thoái kinh tế toàn cầu, làm triệt tiêu các nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm người dễ bị tổn thương sẽ bị tác động mạnh mẽ, đoàn Việt Nam nhận định.
Thông điệp của đoàn Việt Nam là Việt Nam luôn coi trọng tăng cường hợp tác có trách nhiệm để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu
Đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đoàn Việt Nam cho rằng các Nghị viện thành viên AIPA cần tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giám sát, thúc đẩy việc thực thi chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quan điểm của Việt Nam là các Nghị viện thành viên AIPA có tiếng nói chung, thúc đẩy Chính phủ các nước thành viên tăng cường hợp tác bên trong, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với các quốc gia phát triển bên ngoài để thúc đẩy, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số bao trùm trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng... nhằm kiểm soát, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Việt Nam còn đề xuất kiện toàn tổ chức và hoạt động của Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu, tăng cường các chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ xây dựng chính sách về đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Xây dựng Trung tâm hỗ trợ công tác dự báo khí tượng thuỷ văn, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai của khu vực.
Đề xuất nữa của Việt Nam là tổ chức Diễn đàn hợp tác AIPA về thúc đẩy chuyển đổi số bao trùm.Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khí tượng thủy văn ứng phó với biên đối khí hậu; chủ động hợp tác quốc tế theo chiều sâu để tranh thủ nguồn vốn, công nghệ của các nước tiên tiến hỗ trợ hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn phục vụ giám sát biến đổi khí hậu.