Mua bảo hiểm nhân thọ của AIA Việt Nam vào ngày 20/8/2015, nhưng ngay ngày hôm sau (21/8/2015), anh Nguyễn Văn Thắng (Quảng Ninh) đã qua đời vì tai nạn giao thông, trong khi bảng minh họa được lập và in trên hệ thống của AIA Việt Nam vào ngày 22/8/2015 (một ngày sau khi khách hàng qua đời) vẫn chưa tìm thấy dữ liệu của đại lý bảo hiểm.
Sau khi xem xét hồ sơ yêu cầu bồi thường, AIA Việt Nam quyết định từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm với lý do không trùng khớp chữ ký của anh Thắng tại hồ sơ bảo hiểm với các giấy tờ khác như biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe, giấy khám sức khỏe, tờ khai lệ phí trước bạ…, thậm chí, chữ ký và chữ viết trong các giấy tờ trên cũng không phải do cùng một người ký và viết ra.
Giả mạo chữ ký của người được bảo hiểm không còn là chuyện hiếm và hậu quả tất yếu là doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) từ chối chi trả bảo hiểm, rồi tranh chấp đương nhiên xảy ra. Để làm rõ những ẩn khuất đằng sau một chữ ký trong bộ hợp đồng bảo hiểm, Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia độc lập Trương Minh Cát Nguyên xung quanh vấn đề này.
Trường hợp nghi ngờ giả mạo chữ ký của người được bảo hiểm Nguyễn Văn Thắng trong bộ hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam khiến DNBH buộc phải thẩm định lại chữ ký, chữ viết. Việc thẩm định này có được coi là bình thường không, thưa ông?
Khi xem xét bồi thường đối với bảo hiểm sinh mạng con người, DNBH thường rất thận trọng. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường, đơn cử như mua bảo hiểm ngày hôm nay, đến ngay mai xảy ra rủi ro, thậm chí tử vong thì sự thận trọng này còn được đẩy lên tối đa. Do đó, hành động thẩm định lại chữ ký như trường hợp của AIA hay của DNBH khác do có yếu tố bất thường cũng là điều hết sức bình thường.
Thẩm định chữ viết, chữ ký là một phương pháp khoa học đã trở nên phổ biến, được pháp luật thừa nhận. Phương pháp này có thể áp dụng để xác định nhân thân của người tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm hay bất cứ giao kết nào khác.
Việc DNBH thẩm định chữ ký cũng như yêu cầu người được bảo hiểm phải trực tiếp ký tên trong bộ hợp đồng bảo hiểm ngay từ khi bán bảo hiểm nhằm mục đích gì, thưa ông?
Chữ ký, chữ viết (hoặc dấu vân tay) trong giao dịch bảo hiểm là một hình thức bắt buộc, nhằm xác định nhân thân của người tham gia giao kết bảo hiểm, đã hội đủ các điều kiện. Điều này nhằm khẳng định rằng người viết, ký hoặc điểm chỉ vào giao kết là chủ thể tham gia hợp đồng, có ý chí muốn được bảo hiểm sinh mạng phù hợp với quy định pháp luật.
Còn việc “soi chữ ký” thông qua việc thẩm định là để xác minh nhân thân của người được bảo hiểm nhằm xác định lại chính họ chứ không phải ai khác, đã thực hiện ý chí giao kết (hoặc cho phép giao kết) bảo hiểm sinh mạng của mình, là điều kiện tiên quyết để hợp đồng có hiệu lực.
Có ý kiến cho rằng, chữ ký chỉ là cơ sở để xác định nhân thân, nhưng ko phải là căn cứ để ràng buộc việc tham gia vào các giao dịch của các bên, nên việc từ chối bồi thường chỉ vì không đồng nhất chữ ký sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, gây tâm lý lo ngại cho người tham gia bảo hiểm. Quan điểm của ông thế nào?
Ý kiến trên sẽ làm các giao dịch dân sự trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Điều gì khiến chúng ta phải chọn giải pháp phức tạp hóa lên nếu không vì mục đích che dấu ý đồ riêng trong giao dịch?
Trong khoa học xác định nhân thân, ngoài chữ ký, chữ viết là cơ sở mang tính phổ biến còn nhiều phương pháp khoa học khác, ví dụ: dấu vân tay, ADN, ảnh chụp, tóc, răng… Một người cẩn thận khi giao dịch sẽ tập hợp càng nhiều càng tốt các yếu tố xác định nhân thân như viết, ký và lăn tay cùng một lúc hay gửi kèm một vài sợi tóc trong bao thư cho nhà bảo hiểm giữ, kẹp trong hồ sơ để có ADN sau này đối chiếu chẳng phải sẽ đơn giản hơn nhiều khi xác định nhân thân hay sao?