Đây là căn cứ để Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế lên 6,5% cho năm 2015 và 6,6% cho năm 2016, theo Báo cáo “Cập nhật triển vọng phát triển châu Á” được ADB công bố hôm qua (22/9).
Ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế của ADB phân tích, tiêu dùng cá nhân cải thiện nhờ lạm phát thấp, niềm tin của người tiêu dùng hồi phục và tiền lương trong khu vực phi nông nghiệp tăng lên. Một khảo sát thị trường lao động năm 2014 cho biết, mỗi năm, có 800.000 lao động rời khỏi ngành nông nghiệp có năng suất thấp để chuyển sang làm việc cho các DN có tiền lương cao hơn hoặc làm việc cho các ngành khác.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI lớn. Trong số 84,8 tỷ USD vốn FDI cam kết mới kể từ năm 2011 đến tháng 8 năm 2015, thì 70% là để mở rộng sản xuất, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu.
Giải ngân FDI tăng đến 8,5 tỷ USD trong 8 tháng năm 2015 so với cùng kỳ 2014. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng tháng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, từ gần 3 tỷ USD vào đầu năm 2010 lên 10 tỷ USD vào tháng 8/2015.
“Hiện nay, các DN đầu tư nước ngoài đang sản xuất khoảng 70% lượng hàng xuất khẩu, cao hơn so với tỷ lệ 50% ở thời điểm 5 năm trước đây. Các DN trong nước chỉ xuất khẩu từ 2-4 tỷ USD mỗi tháng, kể từ tháng 1/2010 trở lại đây”, ông Aaron Batten chia sẻ.
Báo cáo của ADB cho biết, tăng trưởng tín dụng trong năm nay dự báo sẽ vượt qua chỉ tiêu ban đầu 13 - 15% và tăng nhanh hơn trong năm 2016. Cầu tín dụng đang tăng và những báo cáo cải thiện tình hình nợ xấu và bảng cân đối kế toán của ngân hàng thương mại sẽ tạo điều kiện để tăng cường hoạt động cho vay. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã nới lỏng quy định cho các ngân hàng trong việc sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn...
Tuy nhiên, các chuyên gia của ADB cho rằng, những thách thức vẫn đang phía trước bởi nền kinh tế toàn cầu chưa ổn định với nền kinh tế của các đối tác thương mại và đầu tư lớn là Trung Quốc và Nhật Bản đang chậm lại. Thặng dư thương mại thu hẹp, nhập khẩu tăng cùng với doanh thu từ dầu thô giảm sẽ làm giảm thặng dư của cán cân vãng lai.
Bên cạnh đó, xu thế thời tiết El Nino trên khu vực Thái Bình Dương trong năm nay là một rủi ro đối với triển vọng kinh tế châu Á. Thời tiết khô hạn lan rộng có thể còn làm xấu hơn tình trạng hạn hán hiện nay vốn đã gây nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất cà phê và lúa gạo và nếu kéo dài có thể làm cho tốc độ tăng trưởng trong ngành nông nghiệp tiếp tục giảm sút, đẩy giá lương thực tăng lên trong năm 2016.
Đặc biệt, những mối quan ngại về nợ công và trả nợ dự báo sẽ buộc Chính phủ phải kìm tốc độ tăng chi tiêu để giảm bội chi ngân sách, bắt đầu từ năm 2016. Khi đó, thách thức đối với Chính phủ sẽ là kiểm soát việc thắt chặt chi tiêu này theo lộ trình dần dần, tiên liệu được để tránh gây sốc cho đà đi lên của nền kinh tế.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB nhận định, khi nợ công tăng, Chính phủ phải giảm chi tiêu, nhưng thực tế không giảm chi tiêu công mà giảm tốc độ tăng chi tiêu công, nghĩa là vẫn còn dư địa để tăng chi tiêu công… Do vậy, Chính phủ đúng đắn khi ưu tiên theo dõi nợ công, bởi tổng nợ công đã và đang tăng thời gian qua, nhưng nếu nhìn vào cơ cấu bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài thì tỷ lệ nợ trong nước cao hơn nước ngoài.
“Điều quan trọng là phải nhìn vào cấu trúc nợ, xem bao nhiêu là ngắn hạn, dài hạn và ưu đãi, theo dõi và tìm giải pháp theo thời gian tái cấu trúc nợ công, giảm chi phí ít nhất cho Chính phủ”, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.
Một thách thức được chuyên gia kinh tế ADB, Aaron Batten nhấn mạnh, đó là, DN trong nước vẫn đang chật vật cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và một trong những giải pháp là tăng cường cải cách DN Nhà nước và khu vực tài chính ngân hàng để gia tăng tính cạnh tranh quốc tế. Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách nới lỏng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty niêm yết trên TTCK nhằm tháo gỡ bất cập này, song các nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn chưa hào hứng, do còn quan ngại về vấn đề quản trị DN và minh bạch tài chính.