Năm qua, ACB không còn phải “gồng mình” chống lại những thiệt hại do hoạt động kinh doanh vàng gây ra. Thực tế cho thấy, do phải tất toán trạng thái vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2012, ACB đã phải chịu khoản lỗ hơn 1.700 tỷ đồng (chỉ riêng trong quý IV/2012 lỗ 500 tỷ đồng). Việc thua lỗ do tất toán trạng thái vàng vật chất tiếp tục kéo dài sang quý I/2013 (với khoản lỗ 84 tỷ đồng) và quý II/2013 (lỗ khoảng 122 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến quý III/2013, ACB đã ra khỏi “cơn ác mộng” lỗ vàng. Thậm chí, hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối còn mang về cho Ngân hàng xấp xỉ 10 tỷ đồng tiền lãi trong quý này, so với số lỗ 1.144 tỷ đồng cùng kỳ.
Hiện ACB vẫn còn lượng nhỏ dư nợ cho vay bằng vàng chưa thể tất toán, do không phải khách hàng nào cũng chấp thuận phương án chuyển đổi dư nợ vàng sang tiền đồng mà Ngân hàng đề xuất. Tuy nhiên, trước diễn biến của giá vàng đang chiều đi xuống hiện nay, việc chuyển đổi dư nợ vàng sang tiền đồng được đánh giá sẽ có lợi cho khách hàng. Vì thế, khả năng trong thời gian tới, không chỉ ACB mà 8 ngân hàng khác đang còn dư nợ cho vay bằng vàng sẽ sớm tất toán được trạng thái.
Không chỉ thoát được lỗ từ hoạt động kinh doanh vàng, trong năm qua, Ngân hàng cũng thực hiện tiết giảm tối đa chi phí. Theo đó, ACB đã cắt giảm khoảng 22% chi phí hoạt động trong 6 tháng đầu năm, nhờ giảm lương bình quân 25% (bằng cách giảm số giờ làm việc bình quân) và cắt giảm các chi phí khác 8 - 10%... Nhờ những giải pháp này, lợi nhuận của ACB dần hồi phục.
ACB đã và đang từng bước giải quyết triệt để những hậu quả từ ban lãnh đạo cũ và đưa Ngân hàng ổn định trở lại. 9 tháng đầu năm 2013, ACB đạt 1.480 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế là 1.117 tỷ đồng, tăng lần lượt 4,4% và 2,8% so với cùng kỳ năm 2012. Rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng giảm đáng kể sau khi nhà băng này đã tất toán xong trạng thái huy động vàng.
Tuy đến thời điểm này, ACB vẫn chưa công bố chính thức về con số lợi nhuận của cả năm 2013, nhưng với kết quả lợi nhuận thu về khả quan trong 3 quý của năm qua cùng với khoản trích lập dự phòng, chi phí hoạt động giảm… Tổng dự phòng rủi ro ACB phải trích lập trong 3 quý đầu năm 2013 là 341 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2012. Vì thế, theo một lãnh đạo cấp cao của ACB, khả năng, Ngân hàng sẽ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho năm qua là 1.800 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2013, ACB đã giảm sở hữu chéo tại một số tổ chức khác như Eximbank, DaiA Bank, KienLong Bank, VietBank, để khắc phục những hậu quả của sự cố hồi tháng 8/2012. Chính những kết quả trên đã giúp cổ phiếu ACB trên sàn Hà Nội (HNX) dần hồi phục và thu hút trở lại đối với các nhà đầu tư, thay vì bị bán tống bán tháo như thời gian đầu sự cố khủng hoảng xảy ra.
Tuy nhiên, năm qua, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp “ốm yếu”, hoạt động của ngành ngân hàng nói chung và ACB nói riêng không tránh khỏi khó khăn. Tín dụng của ACB đến hết quý III/2013 chỉ tăng 1,6%, trong khi huy động vốn tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước đó. Chất lượng nợ của ACB cũng có phần xấu đi, khi tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9/2013 chiếm tới 3,34% tổng dư nợ, so với mức 2,5% cuối năm 2012. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng hơn 3 lần. Giảm nợ xấu để vững bước phát triển là một trong những việc ACB sẽ làm năm 2014.