Tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt đạt 10%/năm
Việt Nam là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất ở châu Á nhờ tăng trưởng kinh tế và chi tiêu tiêu dùng gia tăng, với tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ duy trì ở mức cao, khoảng 10%/năm.
Song song với sự gia tăng về quy mô, độ phức tạp của thị trường và chất lượng của các nhà cung cấp trên thị trường bán lẻ Việt Nam cũng được dự báo tăng trưởng mạnh trong thời gian tới dưới sức ép cạnh tranh và sự hội nhập quốc tế ngày càng cao.
Theo CTCK MB (MBS), ngành bán lẻ tại Việt Nam là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài cả về đầu tư tài chính hay đầu tư để kinh doanh bởi có nhiều lợi thế như tốc độ tăng trưởng GDP cao, lạm phát ổn định, quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người) và cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50).
Dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và đạt 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...
Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chính là đại siêu thị/trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình.
Nhiều “ông lớn” bán lẻ lãi cao
Kết quả kinh doanh tích cực thời gian qua của các doanh nghiệp bán lẻ, nhất là các doanh nghiệp đầu ngành, phần nào cho thấy sự khả quan của ngành này.
Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với 2.208 tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với cùng kỳ 2018 do doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm từ 1.500 tỷ đồng xuống 339 tỷ đồng, trong khi doanh thu cho thuê trung tâm thương mại - vốn có tỷ suất lợi nhuận cao hơn đáng kể - tăng từ 1.400 tỷ lên 1.800 tỷ đồng.
Điều này góp phần giúp lợi nhuận gộp tăng 13%, đạt 1.078 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 33%, đạt 901 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VRE đạt 6.475 tỷ đồng doanh thu và 2.467 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 6% và 15% so với cùng kỳ.
VRE cho biết, doanh thu quý III/2019 chủ yếu đến từ hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp các dịch vụ liên quan, chiếm 82% tổng doanh thu và đây cũng là mảng chính của VRE liên quan tới việc cho thuê gian hàng tại các trung tâm thương mại, hoặc cho thuê cả trung tâm thương mại.
Hiện VRE đang sở hữu 66 trung tâm thương mại tại 38 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng mức tài sản đạt gần 37.600 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 9/2019).
Báo cáo tài chính quý III/2019 của CTCP Thế giới Di động (MWG) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần đạt 76.763 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2018 và lợi nhuận trước thuế đạt 3.873 tỷ đồng, tăng 35%.
Lợi nhuận của MWG tăng trưởng cao nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh, chủ yếu do tăng lãi tiền gửi ngân hàng và chiết khấu thanh toán.
Hiện MWG đang sở hữu chuỗi 2.621 cửa hàng trải dài khắp cả nước, trong đó 1.000 cửa hàng Thế giới Di động, 886 cửa hàng Điện máy Xanh, 725 cửa hàng Bách hóa Xanh và 10 cửa hàng Điện thoại siêu rẻ.
Tại Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT - FPT Retail (FRT), mảng kinh doanh online đã chạm ngưỡng gần 3.000 tỷ đồng trong 9 tháng qua, tăng gần 60% so với cùng kỳ 2018.
Trong tháng 9/2019, FRT trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu của 2 chương trình F-Friends và Subsidy, nên lợi nhuận trước thuế lũy kế tăng nhẹ 3%, đạt 292 tỷ đồng.
Tổng doanh thu luỹ kế 9 tháng đạt 12.427 tỷ đồng, tăng 12,7%. Trong đó, doanh thu mảng bán hàng trực tuyến đạt 2.974 tỷ đồng, tăng 59,3% và chiếm tỷ trọng 23,9% trong tổng doanh thu.
Theo lãnh đạo FRT, ở bất cứ mảng kinh doanh nào, sau giai đoạn tăng trưởng thì sẽ đối diện với sự bão hòa, nên các doanh nghiệp phải luôn “làm mới”. Để tạo sự cân bằng, FRT đã mở rộng kinh doanh sang ngành bán lẻ dược phẩm khi nhìn nhận thị trường điện thoại - mảng kinh doanh chính đã bước vào giai đoạn bão hòa.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FTR cho rằng, mảng điện thoại đã chậm lại từ năm 2018, khi tăng trưởng của thị trường điện thoại không còn cao như giai đoạn trước.
Để duy trì đà tăng trưởng, FTR Shop đang có những hướng đi mới như phát triển dư địa mảng trả góp, chẳng hạn thay vì để khách hàng tự tìm đến, Công ty sẽ chủ động đi tìm khách hàng...
Bên cạnh đó, phát triển chuỗi nhà thuốc cũng là chiến lược giúp FTR tăng trưởng trong tương lai.
“Có thể ngay trong năm 2019, chuỗi nhà thuốc chưa đủ lớn để đóng góp nhiều vào tăng trưởng doanh thu, nhưng về lâu dài, mảng bán lẻ dược phẩm sẽ tăng tỷ về nguồn thu cho Công ty”, bà Điệp thông tin.
Tính đến cuối tháng 10/2019, tổng số lượng cửa hàng FPT Shop là 584 cửa hàng và số lượng nhà thuốc Long Châu là 50 nhà thuốc. FTR đã hoàn tất việc ký hợp đồng nhà để mở thêm 20 nhà thuốc, tiến tới hoàn thành kế hoạch tăng số lượng nhà thuốc Long Châu lên con số 70 trong năm nay.
“Kinh doanh qua thương mại điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại số. Đặc biệt, thiết bị điện tử, điện thoại, máy tính luôn nằm trong Top đầu các mặt hàng được tìm kiếm và có doanh thu tăng trưởng tốt, FRT sẽ không bỏ lỡ mảng kinh doanh đầy tiềm năng này”, bà Điệp nói.
Cũng nằm trong khối bán lẻ, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2019 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng.
Cụ thể, trong quý III, doanh thu thuần đạt 3.934 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 268 tỷ đồng, tăng tương ứng 25% và 21% so với cùng kỳ 2018.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PNJ đạt doanh thu thuần 11,679 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận trước thuế 1021 tỷ đồng, tăng 17%; hoàn thành lần lượt 64% kế hoạch doanh thu vàn 69% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo PNJ, sức mua các mặt hàng trang sức của thị trường đã dần hồi phục từ tháng 8/2019, trong khi hệ thống ERP sau 6 tháng triển khai đã dần vận hành ổn định. Theo đó, PNJ kỳ vọng lợi nhuận quý IV/2019 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao khi những tháng cuối năm là thời điểm “vàng” để mua sắm vàng bạc, nữ trang...