ACB cho biết, mức lợi nhuận tăng dựa trên nền tảng danh thu tăng trưởng 2%, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 17% và thu nhập từ phí tăng 23%.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán đã tăng trưởng khá ấn tượng dưới sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng tín dụng và luôn được đảm bảo phù hợp với các chính sách quản lý rủi ro đang liên tục được đẩy mạnh của ACB.
Về quy mô tổng tài sản, dư nợ và huy động tăng trưởng lần lượt ở mức 14%, 19% và 15%. ACB tiếp tục có khả năng an toàn vốn tốt với tỷ lệ an toàn vốn tổng và vốn cấp 1 lần lượt ở mức 12,8% và 8,3%.
Bảng cân đối kế toán tiếp tục duy trì được khả năng thanh khoản cao với tỷ lệ Dư nợ/Tổng tiền gửi ở mức 77%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 31% với năm trước, nằm trong kế hoạch đã đề ra của ngân hàng.
Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,32% xuống còn 1,12% và tiếp tục được tập trung xử lý tích cực bằng nhiều biện pháp. Tỷ lệ nợ nhóm 2-5 cũng giảm 0,3 điểm phần trăm, từ 3,1% xuống còn 2,8%.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Tài chính ACB cho biết, cơ cấu tài sản của Tập đoàn ACB tiếp tục được tái cấu trúc mạnh mẽ và là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Tỷ lệ an toàn vốn, khả năng thanh khoản, chất lượng tài sản của ACB hiện đang ở mức rất tốt. Các vấn đề còn tồn đọng đang được ACB xử lý một cách chặt chẽ, có hệ thống.
Tuy nhiên, ACB sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm ảnh hưởng lên tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của ngân hàng, như: chi phí huy động có thể tăng nhanh, mạnh hơn lãi suất cho vay do sự cạnh tranh từ các ngân hàng khác, bên cạnh đó tốc độ tăng trưởng dư nợ cao như đầu năm sẽ bị hạn chế bởi trần tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
"Chúng tôi kỳ vọng nợ xấu và chi phí dự phòng sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ tương tự như những tháng đầu năm”, ông Hòa nói.