Cụ thể, có đến 88% người Việt Nam được hỏi cho biết, sẵn sàng chấp nhận thất bại khi khởi nghiệp, 89% tin rằng có thể triển khai thực hiện ý tưởng kinh doanh của riêng mình và 78% biết cách gây quỹ cho ý tưởng kinh doanh của mình.
Kết quả của AGER 2018 đã chỉ rõ: Giảm rủi ro và gánh nặng tài chính, đầu tư vào dịch vụ cá nhân là những phương diện có thể được sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp.
Khảo sát trên cũng chỉ ra rằng, 76% người Việt được hỏi trả lời rằng họ quan tâm đến mảng “chăm sóc khách hàng trực tiếp”. Trong khi đó chỉ có 24% người được hỏi quan tâm đến mảng “chăm sóc khách hàng qua nền tảng kỹ thuật số”.
Đáng chú ý hơn, 76% người quan tâm đến việc tương tác trực tiếp với khách hàng có độ tuổi dưới 35. Kết quả này đi ngược lại với nhận định những người trẻ ưa thích tương tác trên mạng xã hội hơn tương tác trực tiếp.
Con số này cũng chỉ rõ chăm sóc khách hàng trực tiếp vẫn được đánh giá cao trên toàn thế giới. Kết quả này đã dẫn đến một kết luận, Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đặt ra cho doanh nghiệp yêu cầu phải thay đổi về mặt công nghệ, mà còn buộc doanh nghiệp phải cân bằng giữa triết lý kinh doanh và yêu cầu của thời đại.
Tại buổi Tọa đàm “Khởi nghiệp và trở thành người lãnh đạo trong kỷ nguyên 4.0” vừa diễn ra mới đây, TS. Sam Potolicchio, Giám đốc Giáo dục về phong tục và toàn cầu tại Trường Chính sách công McCourt thuộc Đại học Georgetown nói rằng, tư duy khởi nghiệp là lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế chịu tác động không nhỏ từ nền tảng tự động hóa, AI (trí tuệ nhân tạo) và cạnh tranh toàn cầu.
Để thành công trong công việc thì điều kiện cần thiết là phải sẵn sàng thay đổi. Những ai có thể tiếp thu lối tư duy của các doanh nhân thành công sẽ có nhiều cơ hội hơn khi nền kinh tế biến động. Người khởi nghiệp phải ham học hỏi, linh hoạt trong xử lý vấn đề và thích nghi tốt trước những sự thay đổi của thế kỷ 21.