70 tỷ USD đã chạy khỏi Nga trong quý I

(ĐTCK) Dòng vốn chảy ra khỏi nước này đã tăng vọt lên 70 tỷ USD trong 3 tháng đầu tiên của năm nay khi các nhà đầu tư tìm cách lẩn tránh hậu quả của việc Tổng thống Vladimir Putin thâu tóm Crimea.
70 tỷ USD đã chạy khỏi Nga trong quý I

Andrei Klepach, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nga, cho biết hôm thứ Hai rằng, dòng vốn chảy ra khỏi Nga trong quý đầu năm nay được dự báo sẽ lên đến đỉnh điểm từ 65 - 70 tỷ USD, khi nhà đầu tư lo sợ các biện pháp trừng phạt mạnh hơn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Con số trên lớn hơn mức 63 tỷ USD chảy khỏi Nga trong cả năm ngoái và cao hơn mức 50 tỷ USD mà cố vấn kinh tế của ông Putin, ông Alexei Kudrin, nêu ra trước đó 10 ngày.

Cảnh báo của Moscow đến khi các lãnh đạo thế giới kêu gọi loại Nga khỏi nhóm G8. Ben Rhodes, cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã xác nhận G7 sẽ họp tại Brussels vào tháng 6 tới. Ông này nói, G7 không cần sự tham dự của Nga, chừng nào nước này còn “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẽ không lưu luyến với khuôn khổ G8, nói rằng, diễn đàn đó đã phần nào lỗi thời và đang bị thay thế bởi G20, bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi.

“G8 là một câu lạc bộ không chính thức, không có thành viên chính thức trong câu lạc bộ đó, bởi vậy, không có chuyện ai đó bị đuổi khỏi câu lạc bộ một cách đúng nghĩa”, ông Lavrov nói. “Nhiều người thực tế tin rằng, G8 có vai trò của nó, nhưng chỉ là nơi để phương Tây tranh luận với Nga. Còn ở G20, tất cả các vấn đề của nền kinh tế toàn cầu đều được đưa ra để thảo luận”.

Hôm 20/3, Washington đã lập ra một danh sách đen gồm 20 nhân vật thân cận của ông Putin, trong đó có 4 chính trị gia hàng đầu và 1 ngân hàng có liên quan đến giới lãnh đạo Nga. Theo đó, tất cả công dân Mỹ không được thực hiện các giao dịch tài chính với 20 người này.

Ông Klepach nói rằng, các biện pháp trừng phạt cho đến nay chưa tác động trực tiếp đến nền kinh tế, nhưng quan hệ quốc tế đang xấu đi đang đè nặng lên nền kinh tế Nga.

“Dòng vốn chảy ra là lớn nhất từ trước đến nay, và, dĩ nhiên, căng thẳng đang tăng lên và quan hệ đang xấu đi sẽ khiến tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn”, Klepach nói.

Trong khi đó, các công ty Đức, một trong những nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Nga, đang rút lợi nhuận của các chi nhánh của họ ở Nga về nước.

“Nhiều công ty để lại lợi nhuận ở Nga để tài trợ cho tham vọng tăng trưởng của họ. Một khi tiền bị rút ra, sẽ rất khó để nó quay trở lại”, KPMG nói.

Tin bài liên quan