7 thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất nửa đầu năm 2015

7 thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất nửa đầu năm 2015

(ĐTCK) CNN Money và Group Bespoke Investement đã cùng thực hiện một khảo sát nhằm đánh giá tình trạng hoạt động của 74 thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới. 
 
Dưới đây là danh sách 7 TTCK tăng trưởng mạnh nhất trong nửa đầu năm 2015 và có thể trong cả năm nay.
Argentina

Nửa đầu năm 2015: tăng 37%

TTCK Argentina tăng mạnh bởi các nhà đầu tư đang rất lạc quan đối với cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Họ tin rằng, cuộc bầu cử này sẽ đem tới một chính phủ có các chính sách tích cực hơn đối với các thị trường tài chính trong nước.

Tuy nhiên, việc TTCK Argentina tăng trưởng mạnh không hẳn là một dấu hiệu của một nền kinh tế khỏe mạnh. Thực tế, Argentina vẫn đang trong tình trạng vỡ nợ do ảnh hưởng bởi nhiều năm lạm phát và đồng tiền mất đi giá trị.

Argentina bị loại ra khỏi việc đầu tư nước ngoài bằng tiền mặt do chính phủ nước này, hiện được dẫn dắt bởi Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, đã từ chối trả các khoản nợ của Argentina cho các quỹ đầu tư của Mỹ.

Hiện tại, có các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nước này đang đi đúng hướng. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng lên và Chính phủ đã có thể bán một số trái phiếu mới kể từ đầu năm nay, dấu hiệu cho thấy sự tự tin của nhà đầu tư trong tương lai.

Các nhà đầu tư hy vọng tổng thống mới sẽ giải quyết được vấn đề với các quỹ đầu tư và mở cửa lại việc đầu tư nước ngoài đối với Argentina

Hungary

Nửa đầu năm 2015: tăng 30,7%

Hungary đã chơi một canh bạc lớn nhưng đáng để liều lĩnh. Thủ tướng Hungary Viktor Orban, đã phải hứng chịu rất nhiều sự chỉ trích đối với chính sách thuế bất thường của mình (bao gồm việc đánh thuế vào internet) và các cải cách kinh tế mới, trong đó có việc xóa bớt một số món nợ của người dân được tính bằng đồng franc Thụy Sỹ đối với các ngân hàng Thụy Sỹ. Nhiều chuyên gia nhận định, các chính sách của vị thủ tướng này sẽ tạo nên một thảm họa kinh tế cho đất nước.

Tuy nhiên, thời gian đang chứng minh sự đúng đắn của các quyết định của ông Orban. Sau nhiều năm kinh tế suy giảm hoặc hoạt động ảm đạm, Hungary đã trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất năm 2014 so với các quốc gia khác tại Liên minh châu Âu (EU).

Chính động lực này đã trợ giúp cho TTCK Hungary. Kể từ đầu năm tới nay, TTCK nước này đã tăng trưởng 30%, đứng thứ 2 sau Argentina. Thêm vào đó, niềm tin người tiêu dùng liên tục tăng trong những năm gần đây, nhờ vào các chính sách tái cơ cấu nợ mới được thực hiện.

Jamaica

Nửa đầu năm 2015: tăng 28,5%

Cũng giống như Argentina, Jamaica gần đây cũng lâm vào tình trạng vỡ nợ. Số nợ 9 tỷ USD không thể thanh toán trong năm 2013 nhỏ hơn nhiều so với số nợ của Argentina, tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn khiến quốc gia này chịu thiệt hại nặng nề.

Nền kinh tế Jamaica, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và du lịch, đã thu hẹp lại bằng 1 phần 3 trong giai đoạn 2009 – 2012. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, kinh tế Jamaica tăng trưởng nhanh trở lại và theo Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF), 2015 có thể là năm tăng trưởng mạnh nhất trong vòng một thập kỷ qua đối với quốc gia này. Chính sự tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy TTCK Jamaica tăng mạnh trở lại trong năm nay.

Đan Mạch

Nửa đầu năm 2015: tăng 27,8%

Đan Mạch là câu chuyện thành công điển hình tại châu Âu trong năm nay. TTCK nước này đang tăng mạnh bởi đồng tiền krone của Đan Mạch, đã mất giá rất nhiều trong những năm gần đây, khiến các doanh nhân Đan Mạch dễ dàng bán hàng hóa ra nước ngoài.

TTCK Đan Mạch đã tăng gần 28% trong năm nay, mức tăng mạnh nhất so với các nước thuộc châu Âu, bất chấp khủng hoảng nợ của Hy Lạp cũng như sự trì trệ kinh tế tại khu vực.

Iceland

Nửa đầu năm 2015: tăng 17,9%

Iceland đang trở lại từ những ngày đen tối trong khủng hoảng kinh tế. Trong năm 2015, kinh tế Iceland được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2007. Tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này đã giảm xuống và chính phủ Iceland đang có những bước đi lớn trong việc khôi phục lại nền kinh tế.

Chính phủ Iceland có kế hoạch xóa bỏ chính sách kiểm soát vốn, đã được sử dụng kể từ suy thoái kinh tế thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc, các nhà đầu tư và người dân Iceland có thể chuyển tiền ra nước ngoài, đặc biệt là tới các quốc gia sử dụng euro hoặc pound.

Ireland

Nửa đầu năm 2015: tăng 17,5%

Việc đồng euro mất giá so với đồng USD đã khiến các công ty Ireland làm ăn dễ dàng hơn so với các đối thủ đến từ Mỹ.

Ireland trước đây từng phải nhận cứu trợ từ IMF và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Hiện nay, quốc gia này đã trả được 89 tỷ USD cho các chủ nợ. IMF nhận định rằng, Ireland là một quốc gia thành công trong việc vực dậy nền kinh tế.

Năm ngoái, đây là quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực sử dụng đồng euro, đây cũng là động lực phát triển trong năm 2015 này.

Trung Quốc

Nửa đầu năm: tăng 16,7%

TTCK Trung Quốc là thị trường tăng trưởng nóng nhất trong năm qua, tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2015, TTCK nước này đã hạ nhiệt mạnh, mang lại nỗi lo ngại bóng bóng vỡ.

Trong 3 tuần vừa qua, TTCK Trung Quốc chao đảo, sụt giảm tới 30% so với đầu tháng 6/2015. Nhưng nếu so sánh với mức tăng 150% trong 6 tháng cuối năm 2014 thì mức điều chỉnh 30% có vẻ không phải quá khủng khiếp.
Với những diễn biến hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp nhằm chặn đứng đà giảm giá trên TTCK. Hiệu quả của các chính sách này đến đâu sẽ cần có thời gian để kiểm chứng.
Tin bài liên quan