Theo báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội, sau gần 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đến nay khu vực có vốn FDI đã trở thành một khu vực phát triển năng động nhất và ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đánh giá một cách toàn diện về tình hình thu hút FDI của Việt Nam, văn bản do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ký cho biết, có 7 mặt được và 6 điểm chưa được.
7 được
Về mặt được, tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lớn nhất là đầu tư nước ngoài đã tạo ra một phương thức thu hút đầu tư mới, tác động lan tỏa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, “khơi dậy” và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước.
Số liệu thống kê cho thấy, FDI đã đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tỷ trọng đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP chiếm khoảng 20%.
Thứ hai, khu vực FDI đã góp phần quan trọng vào xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt 72,6% trong năm 2017.
Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài còn làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm là nguyên liệu thô, sơ chế tăng dần tỷ trọng hàng chế tạo có giá trị gia tăng cao.
Thứ ba, khu vực này đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách với giá trị nộp ngân sách tăng từ 1,8 tỷ USD (giai đoạn 1994 - 2000) lên 14,2 tỷ USD (giai đoạn 2001 - 2010).
Giai đoạn 2011 - 2015, thu ngân sách từ khu vực FDI đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách; năm 2017, khu vực FDI đã đóng góp vào thu ngân sách gần 8 tỷ USD, chiếm 14,46% tổng thu ngân sách nhà nước.
Thứ tư, FDI đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, 58,2% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng...
“Đầu tư nước ngoài cũng góp phần nhất định vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu và tiếp thu một số công nghệ tiên tiến, giống cây, con có năng suất chất lượng cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Thứ năm, là tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động.
Thứ sáu, nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế, đặc biệt là trong một số ngành như dầu khí, điện tử, viễn thông, tin học, cơ khí chế tạo ô tô, xe máy và dệt may, giày dép…
Và thứ 7 là góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế…
6 chưa được
Báo cáo các đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, bên cạnh những mặt được, thì quá trình 30 năm thu hút FDI của Việt Nam cũng còn những tồn tại, hạn chế.
Thứ nhất, đó là tỷ lệ việc làm mới được tạo ra chưa tương xứng, thu nhập bình quân của người lao động khu vực ĐTNN chỉ cao hơn chút ít so với khu vực tư nhân.
Thứ hai, tuy đã có thu hút được nhiều công nghệ tốt nhưng chưa đạt được mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao, công nghệ nguồn) và chuyển giao công nghệ.
Thứ ba, định hướng thu hút FDI theo ngành, đối tác còn hạn chế. Cụ thể là, FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp; giá trị xuất khẩu thực hiện theo hình thức gia công, sử dụng nhiều lao động.
Do vậy, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp; công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư vào bất động sản còn cao trong khi đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp còn thấp (hiện nay chỉ chiếm 1,6% vốn FDI đăng ký), số dự ántrong lĩnh vực cơ sở hạ tầng rất nhỏ.
Thứ tư, phần lớn các dự án FDI là dự án quy mô nhỏ, trong tổng số hơn 24.000 dự án. Cụ thể, số lượng dự án dưới 5 triệu USD vẫn chiếm tới 75,9%, nhưng chỉ chiếm 5,7% tổng vốn đầu tư; dự án dưới 1 triệu USD chiếm 45,1% số dự án và chỉ 1% tổng vốn đầu tư.
Thứ năm, hiệu ứng lan tỏa chưa cao, sự kết hợp giữa doanh nghiệp khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước chưa đạt như kỳ vọng.
Và thứ 6, có hiện tượng doanh nghiệp FDI áp dụng thủ thuật chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại. Một số doanh nghiệp FDI vi phạm quy định về môi trường.
Con đường nào cho thu hút FDI giai đoạn tới?
Cùng với đưa ra nhận định về 7 được và 6 chưa được của thu hút FDI trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra một số giải pháp cần tập trung để tăng cường thu hút và phát huy hiệu quả của FDI trong thời gian tới.
Chẳng hạn, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến đầu tư theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch, có tính dự báo, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và có tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Việc làm tốt công tác quy hoạch bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm,... để làm căn cứ thu hút được dự án FDI có chất lượng, theo đúng trọng tâm, trọng điểm và định hướng cũng đã được nhắc đến.
Ngoài ra, còn các giải pháp khác như tiếp tục thực hiện tốt công tác cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải thiện khâu thực thi pháp luật…
Bên cạnh đó, là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động FDI, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư…