60% doanh nghiệp Nhật “có lãi” tại Việt Nam

60% doanh nghiệp Nhật “có lãi” tại Việt Nam

Cuộc điều tra này của JETRO đã được tiến hành liên tục trong 26 năm qua, tuy nhiên đây là lần đầu tiên họ chính thức công bố kết quả tại Việt Nam.

Bản báo cáo điều tra tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO)  công bố sáng 23/1 tại Hà Nội cho thấy, trong khi đánh giá cao Việt Nam như một thị trường đầy tiềm năng, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đánh giá thấp các điều kiện sẵn có của môi trường đầu tư.

Cuộc điều tra này của JETRO đã được tiến hành liên tục trong 26 năm qua, tuy nhiên đây là lần đầu tiên họ chính thức công bố kết quả tại Việt Nam . Các kết quả điều tra trước đó mới chỉ được sử dụng trong các báo cáo cụ thể.

Kết quả điều tra cho hay 65,9% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới, cao hơn tỷ lệ chung là 57,8%. Mặc dù tỷ lệ này có giảm trong hai năm qua, nhưng cần thấy được là trong cùng thời điểm thì tỷ lệ này tại Thái Lan và Trung Quốc còn giảm mạnh hơn.

Về lợi nhuận kinh doanh, có 60,2% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trả lời là có lãi, thấp hơn tỷ lệ trung bình là 67,5% của khối các nước ASEAN, nhưng cao hơn mức 57,2% tại Trung Quốc. Tuy nhiên, có 34,2% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tin rằng năm 2013 sẽ tốt hơn đối với họ, tăng 13,8% so với năm ngoái.

60% doanh nghiệp Nhật “có lãi” tại Việt Nam ảnh 1

65,9% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới.

Tuy nhiên, trong khi đánh giá cao triển vọng kinh tế và tiềm năng của thị trường, các doanh nghiệp Nhật Bản "chê" Việt Nam vì chi phí nhân công hiện nay là 18,3%, coa hơn mức 16,8% của toàn khối ASEAN.

Trong khi đó, về tỷ lệ tăng tiền lương, Việt Nam là “quán quân” trong các quốc gia được điều tra, theo đó năm 2012 lương tăng 19,7% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 17,5% trong năm 2013. Cho dù, về giá trị tuyệt đối, thì tiền lương ở Việt Nam vẫn thuộc mức thấp so với các quốc gia khác trong khu vực.

Một điểm khác bị "chê" là tỷ lệ nội địa hóa chỉ ở mức 27,9%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung là 47,8% và so với mức 60,8% của Trung Quốc hay 52,9% của Thái Lan, thậm chí Indonesia cũng đã đạt mức 43,3%.

Ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, nói cuộc điều tra là nhằm tìm ra điểm mạnh điểm yếu của môi trường đầu tư Việt Nam, qua đó thúc đẩy dòng vốn đầu tư của Nhật Bản. “Công việc này không thể thực hiện trong một hai ngày, chúng ta cần hợp tác, trao đổi. Chúng tôi vẫn tin rằng đầu tư Nhật tại Việt Nam là chưa xứng với tiềm năng”.

Năm nay Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao, trong đó có khoảng 20 năm thực sự có quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia này, mối quan hệ kinh tế Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn “mới mẻ”.

Chuyên gia này cho rằng so sánh Thái  Lan, Việt Nam đang "chậm hơn khoảng 20-30 năm", dù sau đó "động viên" rằng trình độ Việt Nam hiện nay kém hơn chỉ là do xuất phát sau. Nhưng đi sau thì phải học hỏi người đi trước, nhìn thấy cái thành công thất bại của họ và Việt Nam giờ đây không thể làm hết mọi thứ từ đầu mà phải chen chân vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Dẫn trường hợp của Thái Lan, ông Hirokazu Yamaoka nói Việt Nam còn nhiều "dư địa" để cải cách môi trường đầu tư. Năm 2011, đầu tư của Nhật Bản vào Thái Lan gấp 2,3 lần về số dự án và gấp 2,8 lần về vốn so với đầu tư vào Việt Nam.

"Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm Thái Lan và JETRO có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Việt Nam cần đặt mục tiêu thu hút 20 tỷ USD mỗi năm và vượt qua Thái Lan", ông nói.

Cuộc điều tra của JETRO được tiến hành tại 4.000 doanh nghiệp Nhật Bản tại khu vực châu Á và châu Đại Dương, trong đó có 250 doanh nghiệp tại Việt Nam. Các số liệu thu được từ cuộc điều tra này, đặc biệt là từ các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam , được TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xem là căn cứ quan trọng cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư.

"Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư Nhật có nhiều lựa chọn, do đó việc tham khảo kết quả điều tra để cải thiện môi trường đầu tư là hết sức quan trọng", ông Thắng nói