5 thành tố tạo nên chiến lược giao dịch vượt trội

5 thành tố tạo nên chiến lược giao dịch vượt trội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) HPG, DGW, HSG, SZC... là những cổ phiếu vượt trội so với thị trường giai đoạn vừa qua và đều phát ra những tín hiệu trước khi bứt phá.

5 thành tố tạo nên chiến lược giao dịch vượt trội bao gồm xu hướng, nền tảng cơ bản, chất xúc tác, điểm mua hợp lý và điểm bán hợp lý. Đây là nội dung được ông Nguyễn Duy Linh, Giám đốc chiến lược CTCK Mirae Asset Việt Nam chia sẻ tại hội thảo “Chiến lược chọn cổ phiếu và cơ hội đầu tư quý IV/2020-2021” cuối tuần qua.

Thứ nhất là là làm bạn với xu hướng: Tất cả các cổ phiếu tăng trưởng mạnh đều có xu hướng được định nghĩa rõ ràng. Những đặc điểm của giai đoạn tăng giá là giá cổ phiếu phải nằm trên cả đường trung bình động 50 ngày, 100 ngày, 150 ngày và 200 ngày.

Đường trung bình 50 ngày phải nằm trên đường trung bình 150 ngày và đường trung bình 200 ngày. Hướng của các đường trung bình này phải có hướng dốc lên. Những tuần tăng giá mạnh với khối lượng giao dịch lớn, trong đó, những tuần điều chỉnh với khối lượng thấp.

Thứ hai là tập trung vào yếu tố cơ bản: Nhà đầu tư nên chọn những cổ phiếu có mức tăng trưởng EPS đều trong suốt 3 năm qua từ 15 - 25% trở lên. ROE tối thiểu 15%/năm và tỷ lệ nợ càng thấp thì càng an toàn. Ngoài ra, cần tránh những cạm bẫy về lợi nhuận chẳng hạn lợi nhuận bất thường.

Thứ ba là điểm mua hợp lý: Thời điểm mua vào tốt nhất là khi giá đột phá lên đỉnh giá mới từ những khu vực nền tảng- mẫu hình thu hẹp sự biến động. Một giai đoạn xây dựng nền tảng có thể kéo dài từ 5 - 8 tuần tới 15 tháng.

Kèm theo đó, khối lượng giao dịch phải cao hơn bình thường ít nhất là 50%. Sử dụng đồ thị ngày, tuần sẽ giúp bạn diễn giải được giá và số lượng cổ phiếu giao dịch.

Và cuối cùng là khi nào nên bán và chốt lợi nhuận? Theo ông Linh, nhà đầu tư cần lưu ý mua dựa vào kỹ thuật và cơ bản, bán dựa vào kỹ thuật.

Trong đó, bán chốt lời phần lớn cổ phiếu khi tăng 20 - 25% từ điểm mua. Trường hợp ngoại lệ, nếu giá cổ phiếu tăng 20% trong vòng 3 tuần từ điểm mua, nên giữ ít nhất 8 tuần.

Ở trường hợp, bán cắt lỗ và bảo về lợi nhuận xẩy ra khi thị trường chung chuyển xu hướng giảm. Luôn luôn bán khi cổ phiếu lỗ tối đa 7 - 8%. Có thể cắt 1 nửa ở ngưỡng 3 - 5%. Trong trường hợp này, ông Linh cho biết không có ngoại lệ và hãy bán nhanh cổ phiếu lỗ và bán chậm cổ phiếu lãi.

Hội thảo “Chiến lược chọn cổ phiếu và cơ hội đầu tư quý IV/2020-2021”

Hội thảo “Chiến lược chọn cổ phiếu và cơ hội đầu tư quý IV/2020-2021”

Sự bùng nổ thanh khoản tạo lực đẩy lớn cho TTCK đến cuối năm

Ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng phân tích đầu tư CTCK Mirae Asset Việt Nam đánh giá, VN-Index được kỳ vọng sẽ duy trì xung lực tăng nhờ sức mạnh nội tại trong nước cải thiện đi kèm với các chính sách hỗ trợ vốn có lợi cho TTCK. Dự báo, tăng trưởng GDP và lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong quý IV.

Chính phủ đang hành động quyết liệt hơn thông qua đẩy nhanh tốc độ và quy mô các chính sách kích thích kinh tế cả về đầu tư và tiền tệ, góp phần tạo thêm động lực cho quá trình phục hồi nền kinh tế và thị trường tài chính.

Đáng chú ý, khoảng cách giữa tăng trưởng M2 với tăng trưởng tín dụng liên tục nới rộng, nghĩa là thanh khoản tự do tiếp tục gia tăng. Và TTCK được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất nhiều sự bùng nổ thanh khoản "khủng" từ NHNN và Chính phủ. Điều này sẽ tiếp tục tạo ra một lực đẩy lớn cho TTCK trong giai đoạn cuối năm.

Trong ngắn hạn, các nhóm ngành dẫn dắt như Tài chính - Ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, vật liệu xây dựng được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách kích thích kinh tế và làn sóng chuyển dịch FDI sang Việt Nam tiếp diễn.

Trong khi đó, các nhóm ngành liên quan đến bán lẻ, xuất khẩu, tiêu dùng cũng được kỳ vọng dần phục hồi nhờ tiêu dùng trong nước cải thiện, và sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu nhờ thương mại toàn cầu gia tăng trong bối cảnh nhiều quốc gia mở cửa trở lại nền kinh tế và hiệu ứng tích cực từ EV FTA.

Theo đó, VN-Index được dự báo có thể kiểm định mốc tâm lý 1.000 điểm ( tăng 5% so với mốc 960 điểm).

Thị trường đã trải qua giai đoạn tăng kéo dài từ đầu cuối tháng 7 đến nay với mức tăng hơn 20%, kéo theo áp lực định giá lớn dần khi VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 15,8x, không quá đắt, nhưng đã vượt qua mức trung bình 12T (14,5x) và chạm mức trung bình 5 năm 16x. Theo đó, áp lực chốt lời ngắn hạn tích lũy sẽ gia tăng khi các yếu tố tích cực phần nào đã phản ánh vào giá cổ phiếu.

Thêm vào đó, hoạt động bán ròng của khối ngoại duy trì vẫn là trở ngại để VN-Index tiến xa trong ngắn hạn.

Ngược lại, khả năng thị trường xuất hiện đợt điều chỉnh sâu không được đánh giá cao trong bối cảnh sức mạnh nội tại cải thiện. Trong kịch bản tiêu cực, vùng 880 - 890 đóng vai trò hỗ trợ tin cậy đến hết năm.

Các rủi ro bên ngoài sẽ là yếu tố cần lưu tâm. Cuộc bầu cử Mỹ đã chính thức khởi động và được dự báo sẽ ghi nhận những diễn biến khó lường. Theo đó, TTCK Mỹ và toàn cầu có khả năng biến động theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực khi nhà đầu tư toàn cầu đang cân đo lợi - hại về việc tổng thống Donald Trump hay ứng viên Joe Biden đắc cử. Và cho đến khi kết quả bầu cử được xác định, TTCK toàn cầu sẽ chịu tác động không nhỏ xung quanh sự kiện quan trọng này.

Số ca nhiễm COVID-19 mới tại châu Âu và Mỹ đang gia tăng mạnh trở lại, gây ra mỗi lo ngại về một đợt bùng phát dịch mới vào mùa Thu và Đông. Bất kỳ một đợt bùng phát dịch mới nào xuất hiện sẽ tác động nghiêm trọng đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam

Xu thế tăng kỳ vọng áp đảo trong 2021, VN-Index có thể đạt mốc cao nhất 1.150 điểm

Rủi ro định giá vẫn chưa xuất hiện. P/E 12T của VN-Index ở mức 15,7x, gần mức trung bình P/E 5 năm (15,8x). Theo ông Viễn, định giá không còn rẻ sau khi P/E tiến về trung bình 5 năm nhưng thấp hơn nhiều so với 22x vào đầu năm 2018 khi VN-Index đạt mức cao nhất lịch sử 1.200 điểm.

Chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức rẻ so với các nước khu vực châu Á và càng hấp dẫn hơn trong mối tương quan tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2020 và 2021, được dự báo vượt trội so với các thị trường khác..

Định giá đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn, P/E dự phóng 12T đạt khoảng 16,8x (Nguồn: Bloomberg consensus), thấp hơn nhiều so với mức đỉnh lịch sử 35x.

P/E mục tiêu 2021 có thể di chuyển trong phạm vi 15x-18x. Thị trường sẽ ít biến động hơn trên giả định không có xảy ra sự kiện không mong đợi như COVID-19 đã xảy ra năm 2020. Nhà đầu tư sẵn lòng trả một mức giá cao hơn dựa trên triển vọng phục hồi của nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp. Vùng định giá nói trên nằm trong vùng trung bình trong vài năm gần đây.

Dự báo lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2021 sẽ bật tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế.

Lợi nhuận 2021 ước tính phục hồi 9% khi các hoạt động kinh tế trở lại trạng thái bình thường và sự chuyển biến rõ nét hơn từ nhu cầu bên ngoài.

Lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phục hồi ở nhiều nhóm ngành sau khi xác lập nền thấp trong năm 2020. Trong đó, bất động sản - xây dựng, Vận tải và hàng hóa cơ bản đóng vai trò dẫn dắt trong khi ngành ngân hàng duy trì xung lực tăng trưởng tích cực nhờ các hoạt động kinh tế - đầu tư khởi sắc. Trong đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực xuất khẩu, bán lẻ, dịch vụ có sự chuyển biến tốt về nhu cầu bên ngoài và nội địa.

Dự báo tăng trưởng các nhóm ngành

Dự báo tăng trưởng các nhóm ngành

Xu thế tăng được kỳ vọng áp đảo trong năm 2021 với VN-Index vận động trong dải [960-1,150] điểm (tăng khoảng 20% so với mức hiện tại 960 điểm). Với giả định chính: Tăng trưởng thu nhập doanh thu ước đạt 9% và P/E mục tiêu dịch chuyển trong vùng 15x-18x.

VN-Index có cơ hội để tiếp cận mốc lịch sử 1.200 điểm nếu kết quả thực tế tốt hơn các dự báo nói trên. Ngược lại, bất kỳ sự phục hồi yếu ớt từ nền kinh tế và kết quả kinh doanh doanh nghiệp sẽ khiến VN-Index tăng thấp hơn so với mức kỳ vọng.

Ngoài ra, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện các tiêu chí để đáp ứng yêu cầu nâng hạng thị trường của MSCI và FTSE.

Ông Viễn cho rằng, Việt Nam có thể là ứng cử viên tiềm năng cho việc nâng hạng thị trường mới nổi năm 2021 hoặc muộn nhất là 2022. Nếu vào MSCI EM Index, tỷ trọng danh mục cổ phiếu Việt Nam sẽ ở mức 0,4 - 0,6%, tương đương mức giải ngân khoảng 100-149 triệu USD. Nếu vào FTSE EM Index, cổ phiếu Việt Nam sẽ được mua vào 250 - 450 triệu USD.

Ngắn hạn hơn từ MSCI Frontier, tháng 11/2020, MSCI Frontier Markets 100 Index có thể giải ngân khoảng 60 triệu USD (1.387 tỷ đồng) cho đợt đầu tiên và sẽ giải ngân thêm 4 đợt nữa với tổng giá trị khoảng 5.549 tỷ đồng đến tháng 11/2021, sau khi MSCI nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên 28,8% từ mức 15,8% trong danh mục các thị trường cận biên.

Xu thế bán ròng của khối ngoại được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt sau khi Việt Nam chứng tỏ sức bật tốt của nền kinh tế và MSCI tái cơ cấu danh mục với việc nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục các thị trường mới nổi.

Tin bài liên quan