5 nhóm hàng dệt may của VN không bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ

5 nhóm hàng dệt may của VN không bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ

Thông tin từ Bộ Công thương Việt Nam cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ra thông báo, quyết định không tiến hành tự khởi động điều tra chống bán phá giá đối với đối với 5 nhóm hàng dệt may của Việt Nam (quần, áo sơ mi, đồ bơi, đồ lót và áo len) do không đủ cơ sở và chứng cứ sau khi đánh giá lần thứ nhất số liệu giám sát nhập khẩu từ tháng 1-7/2007.

 

Bộ Công Thương Việt Nam đánh giá cao quyết định đúng đắn và khách quan của Bộ Thương mại Hoa Kỳ vì đây là một quyết định phù hợp với thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ cũng như không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào vi phạm các quy định của WTO.

 

Tuy nhiên, quyết định này vẫn làm các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam rất thất vọng vì Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn duy trì Chương trình Giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam và tiếp tục đánh giá số liệu 6 tháng tiếp theo vào tháng 3/2008. Thực tế cho thấy số liệu xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm 2007 thể hiện rõ phần lớn mã HTS 10 chữ số trong tổng số mã HTS bị giám sát không có hàng nhập khẩu từ Việt Nam và gần một nửa mã HTS còn lại có đơn giá tăng trong khi đơn giá nhập khẩu từ các nước khác vào Hoa Kỳ có dấu hiệu giảm.

 

Trong quyết định lần này Bộ Thương mại Hoa Kỳ chưa đưa ra bất kỳ một hành động cụ thể nào nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của Chương trình giám sát đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam như không giảm bớt diện mặt hàng trong diện bị giám sát và cũng không nêu các tiêu chí, điều kiện cụ thể làm cơ sở tự khởi kiện điều tra chống bán phá giá hàng dệt may Việt Nam. Điều này vẫn tiếp tục gây lo lắng và không yên tâm cho nhà nhập khẩu Hoa Kỳ cũng như các nhà sản xuất dệt may Việt Nam đang chuẩn bị đơn hàng cho những tháng đầu năm 2008.

 

Để phát triển quan hệ thương mại dệt may giữa hai bên và đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dệt may của hai nước, Bộ Công Thương Việt Nam tiếp tục phản đối Chương trình giám sát hàng dệt may Việt Nam của Hoa Kỳ và yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ hủy bỏ “Chương trình giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam” do Chương trình không công bằng và vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO và Điều XXIII của Hiệp định GATT 1997. Sự phân biệt đối xử này đã làm tổn hại lớn đến lợi ích của Việt Nam khi là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là được đối xử công bằng trong việc xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ như các nước thành viên khác. Trước mắt, đề nghị loại bỏ ngay việc giám sát đối với những chủng loại mà Hoa Kỳ không sản xuất hoặc sản xuất ít, những chủng loại không có hàng nhập khẩu từ Việt Nam, và những chủng loại có đơn giá tăng lên hoặc có mức giảm giá tương đương với mức giảm của các nước xuất khẩu khác nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong thời gian qua.

 

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng lưu ý các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc hướng dẫn có liên quan đến xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về khai báo Hải quan, xuất xứ hàng hoá, chống chuyển tải bất hợp pháp… nhằm đảm bảo giữ uy tín và thiết lập quan hệ lâu dài trong thương mại dệt may với Hoa Kỳ nói riêng và với các thị trường khác trên thế giới.  Sắp tới, Bộ Công Thương thành lập Tổ kiểm tra cơ động hàng dệt may xuất khẩu để kiểm tra và xử lý những doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không công bằng như: gian lận xuất xứ, xuất khẩu với số lượng lớn hơn rất nhiều so với năng lực sản xuất, giá bán quá thấp so với mức giá xuất khẩu bình quân chung…