Sáng 24/12, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Ban Biên tập tin kinh tế của Thông tấn xã Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về triển vọng TTCK năm 2014, đồng thời công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật trên TTCK năm 2013.
Tại đây, khi nhận định về triển vọng TTCK năm tới, tuy góc nhìn khá đa dạng, nhưng cả nhà quản lý, các thành viên thị trường và các chuyên gia đều gặp nhau ở một điểm, đó là niềm tin TTCK năm 2014 sẽ tích cực, sôi động hơn năm 2013. Niềm tin này dựa trên 5 điểm tựa lớn.
Đầu tiên, theo Chủ tịch UBCK Vũ Bằng, đó là nối tiếp đà tích cực dần lên của kinh tế vĩ mô vào cuối năm 2013, khi GDP đạt hơn 5,4%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2013 tăng 6,04% so với năm 2012; vốn FDI thực hiện ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm ngoái; xuất siêu khoảng 863 triệu USD, cán cân thanh toán tổng thể ước thặng dư 2 tỷ USD..., tình hình vĩ mô năm 2014 được dự báo sẽ tích cực hơn năm nay, nên mục tiêu GDP tăng khoảng 5,8%, CPI ước tăng 7% là khả thi.
“Khi tham dự cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 vừa diễn ra, có một điểm mà tôi cảm nhận được là niềm tin vào chính sách vĩ mô đang tăng lên. Đây là tín hiệu tích cực không chỉ đối với TTCK…”, ông Bằng nói.
Thứ hai, trên nền của yếu tố kinh tế vĩ mô khả quan hơn sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho việc triển khai các giải pháp hỗ trợ TTCK. Một trong những chính sách đang thu hút sự quan tâm lớn của thị trường là nới room cho NĐT nước ngoài.
Theo ông Bằng, so với các lần dự thảo ban đầu, dự thảo sửa đổi Quyết định 55/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK mà Bộ Tài chính, UBCK đã hoàn chỉnh trình Chính phủ xem xét ban hành, chứa đựng nhiều nội dung mang tính đột phá trong tư tưởng về thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp vào.
Khi việc triển khai thí điểm chính sách nới room áp dụng đối với các DN niêm yết thành công, sẽ mở ra dư địa cho xem xét nới room đối với các DN đại chúng chưa niêm yết. Đây là những đường hướng tích cực cho triển vọng gia tăng thu hút dòng vốn ngoại không chỉ cho TTCK.
Thứ ba, một trong những điểm nhấn trong năm 2013, theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK, là quá trình tái cấu trúc hàng hóa cho thị trường diễn ra quyết liệt, sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Cùng với chuẩn niêm yết được nâng cao, nghĩa vụ công bố thông tin minh bạch hơn, quá trình đào thải DN niêm yết trên cả sàn HOSE và HNX đã diễn ra rõ nét, khi đến nay đã giảm 20 DN niêm yết so với cuối năm 2012. Quá trình đào thải DN niêm yết là tất yếu, nhưng để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, UBCK và HNX đang báo cáo Bộ Tài chính sửa đổi quy định pháp lý theo hướng, đối với các DN hủy niêm yết tự nguyện nhưng vẫn còn là công ty đại chúng, hoặc DN bị hủy niêm yết bắt buộc sẽ đưa vào quản lý trên sàn UPCoM.
Biện pháp này nhằm ngăn ngừa DN sau khi huy động được vốn trên TTCK tìm cách hủy niêm yết, để “nhẹ gánh” nghĩa vụ minh bạch với cổ đông, cơ quan quản lý.
Thứ tư, kết quả tái cấu trúc TTCK trong năm 2013 còn được thể hiện rõ nét trong tái cơ cấu khối tổ chức kinh doanh chứng khoán. “Nhờ quyết liệt tái cơ cấu, mà trong tổng số 105 CTCK, thì hiện có 15 công ty không còn hoạt động môi giới, nên coi như đã rời thị trường.
70 CTCK hoạt động tương đối ổn định, trong khi 30 CTCK còn lại hoạt động cầm chừng...”, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển kinh doanh, UBCK nói và cho biết thêm, việc tái cấu trúc CTCK được thực hiện theo các giải pháp thị trường, hoàn toàn không dùng biện pháp hành chính.
UBCK đưa ra hướng tái cấu trúc đa dạng như: rút giấy phép kinh doanh, giải thể, sáp nhập…, nên tự thân các CTCK đã và đang tích cực trong thực hiện tái cơ cấu.
Ngoài thương vụ hợp nhất đầu tiên, sắp có thêm một thương vụ hợp nhất khác.
Năm 2014, quá trình tái cơ cấu CTCK sẽ tiếp tục được UBCK triển khai quyết liệt theo hướng tăng cường thanh, kiểm tra, nhất là đối với nhóm CTCK yếu, trên cơ sở đó kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý chuẩn xác. UBCK cũng đang khuyến nghị các CTCK lớn tích cực hơn trong xem xét tham gia tái cơ cấu các CTCK nhỏ theo thông lệ quốc tế, nhằm gia tăng thị phần…
Thứ năm, liên quan đến hoàn chỉnh hạ tầng, để phục vụ cho triển khai các sản phẩm mới trong năm 2014, cũng như thời gian tới, bà Phương Hoàng Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết, cùng với việc gấp rút hoàn tất quy trình, quy chế, để ban hành, VSD đang phối hợp với HNX, HOSE hoàn tất hệ thống hạ tầng phục vụ cho giao dịch chứng chỉ quỹ ETF.
Để cho chuẩn bị triển khai TTCK phái sinh, cũng như các sản phẩm mới, VSD đang triển khai nghiên cứu, xây dựng hệ thống đối tác thanh toán trung tâm (CCP), hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL)…, để sớm áp dụng trên TTCK Việt Nam.
Ông Trần Văn Dũng,
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HNX
Nền kinh tế vĩ mô đang có chuyển biến tích cực. Tình hình kinh doanh của khối DN niêm yết cũng có những tín hiệu tốt, khi số DN lỗ có xu hướng giảm và số DN lãi có xu hướng tăng.
Xu hướng phục hồi của TTCK từ quý III/2013 xuất phát từ sự hồi phục của nền kinh tế. Tôi tin rằng, trong năm 2014, TTCK sẽ tiếp tục có những bước phục hồi và phát triển bền vững hơn, dựa trên nền tảng vĩ mô ổn định cùng các chính sách hỗ trợ thị trường.
|
Ông Vũ Đình Ánh,
Chuyên gia kinh tế
So với các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ, theo tôi, chứng khoán sẽ tiếp tục hút dòng tiền đầu tư. Điểm nổi bật của TTCK năm 2014 là sự bùng nổ về hàng hóa, khi Chính phủ đẩy mạnh việc cổ phần hóa DNNN, buộc các DN đại chúng lên sàn. Tuy nhiên, khi hàng hóa nhiều lên, tôi cho rằng, TTCK cần thanh lọc hàng hóa mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, việc ngành chứng khoán giúp Chính phủ huy động được lượng vốn lớn từ trái phiếu trong các năm gần đây liệu có khiến tình trạng nợ công của Việt Nam trở nên đáng lo ngại không? Đây cũng là điểm cần cân nhắc trong bài toán tổng về kinh tế vĩ mô năm 2014.
|
Ông Nguyễn Trí Hiếu,
chuyên gia kinh tế
Theo tôi, có 10 điểm nóng sẽ tác động đến TTCK năm 2014, trong đó, câu chuyện về nợ xấu ngành ngân hàng và khối bất động sản đóng băng và việc FED tiếp tục cắt gói QE3 sẽ là ba điểm không mấy tích cực. Tuy nhiên, tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, tạo thêm không gian để giảm tiếp lãi suất, sẽ là yếu tố tích cực tác động đến đời sống DN. Bên cạnh đó, thị trường vàng, tôi dự báo sẽ tiếp tục suy giảm, giá vàng quốc tế có thể về 1.000 USD/ounce trong khi TTCK sẽ tiếp tục được tăng thêm hàng hóa, tái cấu trúc mạnh mẽ, sẽ khiến TTCK nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các dòng tiền đầu tư trong và ngoài nước. Tôi tin TTCK năm 2014 sẽ tốt hơn 2013.
|
Ông Trần Hải Hà,
Tổng giám đốc CTCK MB (MBS)
Các chỉ báo về kinh tế vĩ mô đã cho thấy sự chuyển biến tích cực hơn của nền kinh tế. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tiếp tục được giải quyết, với sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. TTCK phản ánh diễn biến và kỳ vọng vĩ mô, nên khi nền kinh tế có triển vọng tích cực, TTCK sẽ chuyển biến tích cực. Theo tôi, TTCK Việt Nam đã chạm đến đáy và bắt đầu phục hồi. Các DN niêm yết trong quý IV/2013 có kết quả kinh doanh cải thiện hơn và triển vọng nới room năm 2014 sẽ là những yếu tố chính giúp TTCK tăng trưởng vững chắc.
|