Tuy nhiên, theo TS Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường đào tạo Ngân hàng BIDV, mức độ tận dụng các cơ hội khi tham gia hội nhập của DN nội địa chỉ đạt 25-27%, trong khi các nước khác đạt 50-70%.
Càng hội nhập sâu rộng Việt Nam càng phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước những biến động của nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, trong năm 2016, theo TS Cấn Văn lực, có 4 điểm nóng của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến kinh tế trong nước đó là ẩn số về tỷ giá, lãi suất, diễn biến thị trường chứng khoán thế giới và giá dầu.
Đồng USD mạnh
Về tỷ giá, theo TS Cấn Văn Lực, năm 2015, đa số các đồng tiền mất giá so với USD bình quân từ 7-10%. Trong năm nay, các đồng tiền sẽ mất giá so với USD từ 3-5%, trong đó nhân dân tệ được dự báo mất giá gần 7%, do đó áp lực điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới sẽ rất khắc nghiệt.
Năm 2015 và 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có các chính sách quan trọng, đẩy mạnh chống đô la hóa bằng cách đưa lãi suất huy động USD về 0% và công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày. Điều này sẽ giúp việc điều chỉnh tỷ giá bớt cứng nhắc hơn so với trước đây, giúp DN chủ động kiểm soát rủi ro tỷ giá.
Tuy nhiên, về việc hướng tới thu phí gửi ngoại tệ, TS Lực cho rằng, chính sách này cần được xem xét cẩn trọng và kỹ lưỡng bởi người dân thông thường không muốn trả phí. Nếu phải trả phí, họ sẽ tính toán tới các kênh đầu tư khác. Điều này có thể khiến tình trạng đô la hóa giảm nhưng gây khan hiếm ngoại tệ khi người dân không gửi tiền vào ngân hàng nhiều như trước.
Bên cạnh đó, liên quan đến kiều hối, hiện Việt Nam nằm trong Top 15 nước nhận (chuyển tiền) kiều hối lớn nhất thế giới, năm 2015 đạt 12,3 tỷ USD. Dòng vốn này chảy qua hệ thống ngân hàng dưới hình thức tiền gửi không bị tính phí, nếu bị mất phí, người dân sẽ đi qua các kênh không chính thức và không có lợi cho nền kinh tế.
Fed tiếp tục nâng lãi suất
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất và đồng USD mạnh lên sẽ làm gia tăng thêm rủi ro khi dòng vốn dịch chuyển ra khỏi các thị trường mới nổi, trong khi các khoản nợ nước ngoài tăng do vay nợ bằng USD.
Nợ công và thâm hụt ngân sách của Việt Nam vẫn ở trong ngưỡng an toàn, tuy nhiên, con số này đã tăng rất nhanh trong 5 năm qua, từ mức 50% GDP năm 2011 lên 61,3% GDP năm 2015. Thâm hụt ngân sách tuy giữ ở mức 5% nhưng so với các nước mới nổi khác vẫn ở mức cao.
Lạm phát năm 2015 ở mức thấp đã tạo dư địa cho chính sách nới lỏng tiền tệ, nhưng trong năm 2016, dự báo kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn khiến cầu hàng hóa tăng, có thể đẩy mặt bằng giá cả tăng lên (trừ giá dầu). Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thuộc quản lý nhà nước như tiền lương, tiền điện, dịch vụ y tế, giáo dục cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng năm 2015 đạt 18% cũng có độ trễ ảnh hưởng lên lạm phát 2016. Nếu lạm phát tăng trở lại sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất.
Biến cố giá dầu
Theo TS Cấn Văn Lực, có 3 kịch bản giá dầu được đưa ra năm 2016, với các mức giá 30-40 USD/thùng, 40-50 USD/thùng và 50-60 USD/thùng, tuy nhiên, số đông cho rằng kịch bản dễ xảy ra nhất là 40-50 USD/thùng.
Giá sản xuất, khai thác dầu của Việt Nam vào khoảng 27,5 USD/thùng và để có lãi, giá xuất khẩu cần đạt từ 45 USD/thùng trở lên, do đó, nếu kịch bản 40-50 USD/thùng xảy ra, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) không chịu thiệt hại.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm 2016, giá dầu đã có lúc chạm mốc 30 USD/thùng. Theo Morgan Stanley, nếu USD tăng giá 1% thì giá dầu giảm khoảng 1 USD. Nếu USD tăng 7-10% thì giá dầu mất 7-10 USD. Như vậy, kịch bản giá dầu ở mức 20-25 USD/thùng vẫn có khả năng xảy ra sẽ ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia và gián tiếp tác động đến dòng chảy vốn.
Rủi ro TTCK Trung Quốc
Biến động lớn tại TTCK Trung Quốc và giá dầu trong những ngày đầu năm 2016 đã khiến TTCK toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Từ đầu năm 2016 đến nay, TTCK toàn cầu đã mất 3.000 tỷ USD.
Trung Quốc, một trong những đầu tàu kinh tế thế giới đã giảm tốc, khi GDP năm 2015 chỉ tăng khoảng 6,8% và năm 2016 dự báo ở 6,3%. Các chuyên gia cho rằng, nếu nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng giảm 1% thì nền kinh tế thế giới giảm tăng trưởng 0,4% và Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng. Hiện chỉ số rủi ro toàn cầu đã tăng trở lại, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi.
Đánh giá về cơ hội đầu tư năm 2016, TS Cấn Văn Lực cho rằng, với mặt bằng lãi suất ở mức 6%/năm thì gửi tiền tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, bất động sản có dấu hiệu ấm lên tùy từng phân khúc và dự báo có sự sàng lọc hơn trong năm 2016. Về TTCK, kỳ vọng dòng vốn dịch chuyển ra khỏi các nước mới nổi quay vào Việt Nam sẽ giúp đỡ thị trường, còn vàng và ngoại tệ không có dư địa để lướt sóng.