Ở cả hai kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đều khẳng định quan điểm cần cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
7,51% đại biểu chọn phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa ký báo cáo kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Nội dung duy nhất được xin ý kiến là quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Được tranh luận sôi nổi ngay từ phiên thảo luận đầu tiên ở kỳ họp cuối năm 2019, qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, đến phiên thảo luận cuối cùng tại đợt họp trực tuyến (kỳ họp 9) vừa qua, do vẫn còn ý kiến khác nhau, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hai phương án tại dự thảo luật: cấm hoặc không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Kết quả vẫn không có phương án nào được đồng thuận hoàn toàn, dù số ý kiến ủng hộ cấm nhiều hơn, có đại biểu cho rằng chọn phương án cấm hay không cũng đều chưa yên tâm bấm nút.
Cuối phiên thảo luận đó, đại diện Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong quá trình thảo luận về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Chính phủ đã làm việc hết sức công phu, mời các chuyên gia, tổ chức hội thảo, hội nghị rất nhiều lần và đã xem xét hết sức thận trọng. Cuối cùng mới đi đến quyết định chọn phương án cấm loại kinh doanh dịch vụ này, "không đơn giản mà Chính phủ đưa ra như vậy", Bộ trưởng cho biết.
Sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận, do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về kinh doanh dịch vụ đòi nợ trước khi trình Quốc hội thông qua toàn bộ dự thảo luật.
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến 17h ngày 28/5/2020, đã có 409 đại biểu hồi âm. 317/409 vị (chiếm 77,51%) chọn phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, 91 vị chọn phương án không cấm và 1 người không thể hiện chính kiến.
Ở phần "ý kiến khác", có vị đại biểu cho rằng, các luật hiện hành cũng đã quy định hình thức cho vay và hình thức phải trả nợ... nên không cần quy định ngành nghề này trong Luật Đầu tư, tạo ra một hành vi “đòi nợ” trái pháp luật.
Có hai vị cho rằng, nên đổi tên là “kinh doanh dịch vụ thu hộ nợ" để đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời có những điều kiện kinh doanh cụ thể quản lý, chế tài, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật để ngành nghề này lành mạnh không biến tướng, ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội. Và Chính phủ cần quy định rõ những biện pháp, hành vi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không được làm.
Việc biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được tiến hành vào chiều 17/6, khi Quốc hội họp trực tiếp.
Đóng góp không rõ, tiêu cực thì rõ
Góp ý sửa Luật Đầu tư ở cả hai kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đều khẳng định quan điểm cần cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Vì thực tiễn trong thời gian qua, những đóng góp cho xã hội, cho Nhà nước của loại hình kinh doanh này chưa được đánh giá để thể hiện rõ kết quả tích cực. Nhưng ngược lại, việc kinh doanh ngành, nghề này nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại, tiêu cực thì thể hiện rõ.
Điều đại biểu Dung cũng như nhiều vị khác nhấn mạnh là thay vì sử dụng công cụ pháp lý, biện pháp phù hợp với quy định pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ thì các doanh nghiệp này đã lợi dụng hình thức kinh doanh cho vay tài chính để song hành biến tướng thành các băng nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, gây áp lực bằng các biện pháp trái pháp luật như xã hội đen khủng bố tinh thần, đe dọa... đối với con nợ để cưỡng đoạt tài sản, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, dẫn đến hệ quả xấu làm cho nhân dân bất an, bất bình. Nhà nước phải can thiệp, trấn áp và bỏ ra nhiều nguồn lực để giải quyết và xử lý, khắc phục hậu quả.
Doanh nghiệp vẫn phải tìm đến dịch vụ đòi nợ
Tiếp cận từ góc độ khác, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng, việc không xử lý được nợ không chỉ ảnh hưởng đến quyền tài sản của chủ nợ mà đôi khi mang đến hệ lụy pháp lý rất phức tạp.
Ví dụ, theo Luật Doanh nghiệp, khi giải thể doanh nghiệp thì kể từ ngày có nghị quyết đại hội đồng cổ đông hoặc nghị quyết của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị thông qua việc giải thể gọi là chủ trương giải thể thì trong vòng 180 ngày phải giải quyết các trách nhiệm về tài chính để nộp hồ sơ chính thức giải thể đến Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương.
Nhưng do phải xử lý một khoản nợ không đòi được phải ra tòa kéo dài nhiều năm dẫn đến quá 180 ngày mà chưa nộp được hồ sơ giải thể thì không biết phải xử lý tiếp theo như thế nào. Vì vậy, thực tế nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn phải tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng và hiệu quả.