Muốn xây dựng lòng tin của người dân với TTCK phải cải thiện quản trị công ty, chất lượng BCTC...

Muốn xây dựng lòng tin của người dân với TTCK phải cải thiện quản trị công ty, chất lượng BCTC...

15 năm, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư xa lạ

(ĐTCK) Trong lịch sử 15 năm hoạt động của TTCK Việt Nam, có một điều không thay đổi nhiều, đó là chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư xa lạ với số đông người dân Việt Nam, xét ở khía cạnh kênh đầu tư và kênh huy động vốn. Thị trường còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhưng khó khăn nằm ở chỗ: làm sao biến tiềm năng thành hiện thực?

Chứng khoán bị xếp ở hạng ưu tiên thấp

Sau 15 năm phát triển, TTCK đã trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng có một điều không thay đổi đáng kể, đó là chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư xa lạ với số đông người dân Việt Nam, xét ở khía cạnh kênh đầu tư và kênh huy động vốn.

Theo thống kê, hiện có khoảng 1,6 triệu tài khoản nhà đầu tư trên TTCK. Cho dù có người lạc quan nhất giả định rằng, tất cả các tài khoản này đều có giao dịch, thì đây cũng là một con số rất khiêm tốn so với tiềm lực của nền kinh tế hơn 90 triệu dân.

Vốn hóa của TTCK so với GDP vào khoảng gần 32% theo số liệu của Bộ Tài chính vào đầu năm 2015. Con số này còn ở rất xa với mức vốn hóa xung quanh mức 100% hay 200% GDP của Thái Lan và Singapore (xét con số tuyệt đối thì chúng ta thấp hơn rất nhiều, vì GDP của họ cao hơn ta nhiều).

Chúng ta có thể dễ dàng nhận định thực trạng này không cần thông qua những con số khô khan, mà qua cảm nhận cá nhân. Có lẽ, không khó để nhận ra số đông dân chúng trong nền kinh tế không quan tâm tới chứng khoán nhiều như vàng, ngoại tệ và bất động sản, còn điểm đến đầu tiên để huy động vốn của DN chắc chắn cũng không phải TTCK.

Ở cả khía cạnh kênh đầu tư và kênh huy động vốn của nền kinh tế, chứng khoán bị xếp ở hạng ưu tiên thấp, cả trong những lựa chọn chính sách và trong mối quan tâm của người dân.

Từ thực trạng này có thể nhìn ra cả khó khăn và cơ hội của Việt Nam. Về cơ hội, chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển và bắt kịp con số vốn hóa 100% và 200% GDP của các nước láng giềng.

Khó khăn nằm ở chỗ là làm sao biến tiềm năng thành hiện thực trong khi người dân không xem chứng khoán là kênh đầu tư ưu tiên và DN không thích huy động vốn qua chứng khoán. Điều này buộc chúng ta quay lại với hai vấn đề. Thứ nhất, trong ngắn hạn, chúng ta định vị vai trò của TTCK là gì? Thứ hai, về dài hạn, làm sao để nâng mối quan tâm của người dân với chứng khoán?

Vai trò TTCK ở đâu trong xu thế hội nhập trong ngắn hạn?

Ở yếu tố thứ nhất và cũng thực tế nhất, chúng ta định vị sắp tới TTCK đóng vai trò gì trong nền kinh tế và đặt ưu tiên vào đâu? Trước mắt, theo quan sát của người viết, trọng điểm là TTCK phải trở thành một bàn đạp tốt cho các thương vụ đầu tư vốn, mua bán, sáp nhập đang diễn ra sôi động trong nền kinh tế và xu thế cổ phần hóa DNNN của Chính phủ. Những biến động trong nền kinh tế từ sau năm 2007 đã tạo ra nhiều thương vụ bán, sang nhượng, góp vốn từ lớn tới nhỏ trong nền kinh tế.

Thị trường Việt Nam đang mở cửa hơn nữa với nhiều cuộc đàm phán ký kết các hiệp định thương mại mới và trước ngưỡng cửa hội nhập sâu hơn vào ASEAN từ cuối năm 2015, trong khi Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, cơ hội làm ăn mở rộng khắp cho đối tác ngoại ở Việt Nam cũng như để Việt Nam tiến ra thị trường nước ngoài.

Việc thâu tóm, góp vốn và mua bán DN xuyên quốc gia đang và sẽ trở nên phổ biến hơn. Nó tạo điều kiện cho các hoạt động tư vấn thâu tóm và sáp nhập, tái cấu trúc DN phát triển mạnh, đồng thời thúc đẩy những hoạt động đầu tư xuyên biên giới.

Qua những “cọ xát” thực tế đó, kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia tài chính và luật pháp của Việt Nam sẽ được nâng lên, đồng thời đội ngũ quản lý thị trường và làm luật của Việt Nam cũng nhận ra những bất cập trong quy định đối với chứng khoán nói riêng và quy định pháp luật khác nói chung để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Song song với tiến trình đó, nhiều hàng hóa chất lượng hơn cho TTCK cũng sẽ xuất hiện.

Nói cách khác, trong thời gian trước mắt, TTCK cần đóng vai trò là một bệ phóng để đẩy mạnh các thương vụ kinh doanh đón đầu xu thế hội nhập sâu hơn. Xác định như vậy thì TTCK không phải là những sàn giao dịch với vài trăm cổ phiếu niêm yết, mà phải xác định đây là một lĩnh vực sâu rộng đứng ngay phía sau những thương vụ đổi chủ “khủng” đã, đang và sẽ diễn ra, là lĩnh vực chuyển biến nhanh cùng với xu thế hội nhập. Chỉ là chúng ta không thấy rõ được điều đó qua những con số nhảy trên bảng điện tử mà thôi.

Để làm được điều này, các nhà quản lý thị trường phải quan tâm làm sao cho các giao dịch mua bán, sáp nhập dựa trên hoán đổi cổ phần, mua bán bằng tiền vay, tiền mặt và các giao dịch tái cấu trúc diễn ra suôn sẻ, không tiềm ẩn các rủi ro mà đối tác tham gia các thương vụ tự nhiên sáng ngủ dậy thấy phải trả thêm hàng tỷ đồng mà không biết vì sao.

Quy định luật pháp càng rắc rối thì rủi ro này càng lớn. Vì vậy, thay vì sử dụng quỹ thời gian hạn hẹp để tranh cãi Sở GDCK Việt Nam nên đặt ở TP. HCM hay Hà Nội, thời gian quý báu của các nhà làm chính sách nên tập trung vào việc tạo thuận lợi cho các hoạt động mua bán, sáp nhập và tái cấu trúc DN đang diễn tiến theo đà hội nhập.

Làm sao thêm người tham gia TTCK trong dài hạn?

TTCK Việt Nam sau 15 năm vẫn duy trì những nhân tố “quan trọng” của nó như ngày đầu tiên, đó là “đội lái”, tác động của khối ngoại, tiền vay và tin đồn.

Các yếu tố này cũng hiện hữu ở những thị trường phát triển. Nhưng ở những thị trường non trẻ như Việt Nam, nó được khuếch đại bởi sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ - một đặc tính giống như nhiều thị trường khác ở châu Á. Tuy nhiên, cũng vì đặc tính này, nó chỉ thu hút một lượng người dân nhất định tham gia vào chứng khoán với ít nhiều nhu cầu muốn kiếm tiền nhanh chóng, qua những chỉ dẫn của người quen, thấy người quen kiếm được tiền nhanh từ chứng khoán…, chứ không muốn cam kết giữ một khoản đầu tư nhất định của mình ở chứng khoán một cách lâu dài.

Ở Việt Nam lại chưa phổ biến những định chế như các tài khoản hưu trí cho phép đầu tư vào các chứng khoán phù hợp với khả năng chịu đựng rủi ro của từng người và được miễn thuế, hoặc các quỹ hưu trí giúp người có tiền tiết kiệm đi đầu tư vào chứng khoán. Mặt khác, người dân không có ý muốn đem các khoản tiết kiệm của mình bỏ vào một hoặc một số ít loại chứng khoán nào đó lâu dài.

Điều này là gốc rễ khiến TTCK không phổ biến với đại chúng và vì vậy, nó khó có thể là trọng tâm của các chính sách kinh tế. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam, về đặc thù, là nền kinh tế dựa trên ngân hàng, chứ không phải TTCK cho các giao dịch vốn (nhiều thị trường phát triển ở châu Âu cũng như vậy, chứ không phải chỉ thị trường đang phát triển mới có đặc tính này).

Những điều này gộp lại khiến cho trở ngại trong dài hạn và là gốc rễ của các trở ngại đối với TTCK là phải làm tăng độ phổ biến của kênh chứng khoán tới mọi người dân và DN. Vậy trước tiên cần phải biết vì đâu mà người ta bỏ tiền vào chứng khoán?

Những nghiên cứu của lĩnh vực tài chính gia đình (household finance) và tài chính mạng xã hội (social finance) những năm gần đây cho thấy, quyết định bỏ tiền tiết kiệm vào cổ phiếu được quyết định bởi những nhân tố về thể chế luật pháp, văn hóa, niềm tin xã hội, hiểu biết về thị trường tài chính và thói quen của cộng đồng.

Cụ thể hơn, ở Mỹ có gần 50% hộ gia đình đầu tư vào cổ phiếu (theo số liệu mà Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ công bố vào tháng 9/2014 thì có 48,8% hộ gia đình ở Mỹ sở hữu cổ phiếu) và 87% trong số đó mua cổ phiếu qua các tài khoản hưu trí, chẳng hạn tài khoản IRA hoặc 401(k).

Ở Việt Nam, ngân hàng vẫn còn là một định chế xa lạ ngoài các khu đô thị và những kế hoạch về hưu vẫn gắn liền với những khoản tiền mặt tiết kiệm, hoặc vàng, ngoại tệ cất kỹ trong nhà. Vì vậy, cần một khoảng thời gian dài để có thể thay đổi tập quán này, bắt đầu từ những khuyến khích do luật pháp tạo ra đối với các tài khoản tiết kiệm đầu tư vào chứng khoán được miễn thuế thu nhập và những ưu đãi cho ngành quản lý quỹ.

Ở khía cạnh khác, hiểu biết và niềm tin vào lĩnh vực chứng khoán của xã hội ở Việt Nam chưa cao, có người còn xem chứng khoán như một lĩnh vực bài bạc. Điều này cũng khó trách khi mà phần lớn nhà đầu tư chứng khoán vẫn có nhu cầu kiếm tiền “nóng” và “đánh quả” trên thị trường, còn DN thì chậm thay đổi trong cung cấp thông tin, đối xử với cổ đông và “mập mờ” trên các BCTC.

Nói cách khác, muốn xây dựng lòng tin của người dân với TTCK phải xuất phát từ ba khía cạnh: (1) cải thiện quản trị công ty và chất lượng BCTC; (2) hạn chế việc lạm dụng vốn vay quá mức để hạn chế động cơ kiếm lợi nhanh trên các tin đồn và thông tin nội gián; (3) nâng cao hiểu biết của người dân về tài chính cá nhân.

Những nghiên cứu gần đây về các yếu tố ảnh hưởng đến sở hữu chứng khoán còn cho thấy, yếu tố cộng đồng xung quanh đóng vai trò quan trọng. Người ta có thể mua cổ phiếu không phải chỉ vì muốn kiếm lợi, mà còn coi đó là một hành vi khẳng định đẳng cấp với những người ngang hàng (peers).

Giống như trong một nhóm bạn đi chơi chung, ai cũng thích nói về bóng đá, thì một người chưa có hiểu biết gì về bóng đá sẽ có động lực tìm hiểu về nó để có thể có chủ đề nói chuyện với bạn bè, hoặc là để khẳng định mình không thua kém bạn bè. Mặt khác, một nhóm người cùng chơi chứng khoán thì có thể chia sẻ thông tin với nhau, chỉ nhau mua một loại cổ phiếu nào đó. Nó cũng giống như các bà nội trợ bảo nhau nơi nào đang có giảm giá hay có bán một loại mặt hàng tốt.

Điều này nghĩa, khi các chính sách thu hút một nhóm nhất định những nhà đầu tư chứng khoán mới tham gia và thông tin về chứng khoán dễ tiếp cận với số đông (nói theo một chuyên gia mà người viết biết là phải làm sao thông tin về cổ phiếu diễn đạt sao cho bà ngoại cũng hiểu) thì số lượng người sẵn sàng sở hữu cổ phiếu sẽ tăng lên.

Những thảo luận trên cho thấy, con đường gốc rễ để đưa TTCK đến với nhiều nhà đầu tư tiềm năng ở Việt Nam hơn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, không chỉ nâng hạng TTCK để đi “khoe” với nhà đầu tư ngoại, mà còn phải có những chính sách tiết kiệm, thuế, kế toán và quản trị DN, giáo dục cộng đồng… phù hợp.

Vì vậy, về lâu dài, muốn có một TTCK vững mạnh đòi hỏi một khối lượng công việc khổng lồ cần nhiều cơ quan chính phủ tham gia và quyết tâm lớn. Hy vọng, nỗ lực của các nhà hoạch định thị trường sẽ đặt vào những mối quan tâm cốt lõi đó.

Tin bài liên quan