Xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và là điểm sáng của nền kinh tế
Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã thặng dư tới 9,4 tỷ USD. Đây là một con số rất tích cực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,55 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,72 tỷ USD, giảm 0,7%.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Mười tăng 4,5%. Trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 8,1%.
Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,36 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,46 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 10 tháng năm 2022, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó, có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,1%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,5 tỷ USD, giảm 1,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,5 tỷ USD, giảm 1,2%.
Như vậy, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Mười tăng 7,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 6,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,5%.
Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 105,28 tỷ USD, tăng 12,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,14 tỷ USD, tăng 12%.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 10 tháng năm 2022, có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93% tổng kim ngạch nhập khẩu (trong đó có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%).
Kim ngạch nhập khẩu lớn nhưng cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu vẫn rất tích cực.
Cụ thể, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 45%, giảm 1,2 điểm phần trăm; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,7%, tăng 1,3 điểm phần trăm.
Trong khi đó, nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm. Nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng cao cho thấy sản xuất đang tiếp tục xu hướng phục hồi, và điều này sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu những tháng tới đây.
Với kết quả xuất nhập khẩu như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa nhấn mạnh việc nền kinh tế ước xuất siêu 9,4 tỷ USD trong 10 tháng qua, trong khi cùng kỳ năm ngoái nhập siêu 0,63 tỷ USD.
Đóng góp lớn cho mức xuất siêu này là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực này, kể cả dầu thô, đã xuất siêu 34,3 tỷ USD trong 10 tháng qua. Trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,9 tỷ USD.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong báo cáo kinh tế được trình lên Quốc hội, Chính phủ ước cả năm xuất siêu 1 tỷ USD. Vì lẽ đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ đã yêu cầu làm rõ vấn đề này.