VN-Index đang bị phụ thuộc

VN-Index đang bị phụ thuộc

(ĐTCK) Thị trường liên tục điều chỉnh giảm sau phiên tăng khá mạnh cuối tuần trước. Một phần nguyên nhân của diễn biến kém lạc quan này đến từ cổ phiếu VNM - cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số VN-Index.

Tăng mạnh lên mức đỉnh 140.000 đồng/CP trong phiên 16/11, VNM bắt đầu bước vào giai đoạn điều chỉnh khi vấp phải lực cung chốt lời mạnh lên. Đặc biệt, khối ngoại đã có 2 phiên liền bán ròng cổ phiếu VNM, động thái chưa có tiền lệ trong nhiều tháng qua cho thấy, định giá của VNM ở thời điểm hiện tại không còn quá hấp dẫn. Ngay trước đó, Công ty Chứng khoán VPBS hạ mức khuyến nghị đầu tư đối với VNM từ mua sang nắm giữ.

Việc quá phụ thuộc vào VNM cũng như các cổ phiếu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn khác như FPT hay BMP, trong khi sức mua tại các cổ phiếu lớn còn lại vẫn yếu và chưa đủ mạnh để đẫn dắt thị trường như VNM khiến tín hiệu tích cực phát đi cuối tuần trước bị gián đoạn.

Ngoài ra, gần đây chúng tôi thấy các phương tiện truyền thông có đưa tin về dư nợ ký quỹ tăng mạnh. Mặc dù chúng tôi chưa kiểm chứng được điều này, nhưng có vẻ như nó đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý của các nhà đầu tư ngắn hạn, khiến thị trường giao dịch thận trọng hơn.

Với việc cổ phiếu VNM đang có dấu hiệu điều chỉnh giảm khi liên tiếp trượt xuống phía dưới các đường trung bình động ngắn hạn, tín hiệu kỹ thuật của VN-Index cũng đang diễn biến xấu đi.

Trong khi đó, giới đầu tư cũng thể hiện sự quan tâm tới khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 12 tới trước vụ khủng bố xảy ra tại Paris cũng như việc Nhật Bản lâm vào cuộc suy thoái kỹ thuật thứ hai trong 2 năm qua. Tuy vậy, với những số liệu vĩ mô tích cực gần đây và đặc biệt là sau khi Fed công bố biên bản phiên họp của FOMC tháng 10 hôm trước, giới chuyên môn vẫn duy trì một xác suất cao cho kịch bản Fed tăng lãi suất lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây.

Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường Việt Nam, thông qua các kênh như ETF hay P-Notes, mặc dù tác động này có thể chỉ mang tính ngắn hạn.

Không vượt được kháng cự 615 điểm, thị trường giao dịch quanh ngưỡng tâm lý 600 điểm trong vài phiên trở lại đây với thanh khoản giảm dần cho thấy, cả bên mua và bên bán đều không đủ mạnh để tạo nên một diễn biến dứt khoát hơn.

Mức độ lan tỏa trên thị trường không cao khi sắc xanh chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu nhất định, bao gồm nhóm cổ phiếu thoái vốn của SCIC như BMP, NTP; nhóm cổ phiếu có chỉ số EPS cao như CTD, VCS hay một vài cổ phiếu đầu cơ có thanh khoản rất cao như FLC, OGC, GTN. Nhưng có vẻ như chừng đó cổ phiếu tăng giá chưa đủ để xóa đi sự thận trọng đang có xu hướng gia tăng, nhất là khi sức nóng của cổ phiếu chủ chốt trong giai đoạn gần đây là VNM đang có dấu hiệu hạ nhiệt.

Với việc cổ phiếu VNM đang có dấu hiệu điều chỉnh giảm khi liên tiếp trượt xuống phía dưới các đường trung bình động ngắn hạn, tín hiệu kỹ thuật của VN-Index cũng đang diễn biến xấu đi. Hiện tại, chỉ số sàn HOSE đang giao dịch phía dưới các ngưỡng hỗ trợ của các đường trung bình động 5, 10 và 20 ngày tại vùng 606 - 608 điểm.

Cùng với đó, chỉ số VN30 rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ quan trọng của đường MA100 ngày tại 614 điểm; chỉ báo động lượng RSI cũng tiếp tục suy yếu, củng cố cho khá năng tiếp tục điều chỉnh giảm của thị trường.

Chúng tôi thấy phía dưới ngưỡng tâm lý 600 điểm, chỉ số VN-Index có một vùng hỗ trợ khá mạnh tại 590 - 593 điểm, tạo bởi cặp đường trung bình động MA50 và MA100 ngày. Nhiều khả năng, VN-Index sẽ kiểm định hỗ trợ này trong những phiên giao dịch tới.

Tin bài liên quan