Bất ổn “thúc” nhà đầu tư lướt sóng

Bất ổn “thúc” nhà đầu tư lướt sóng

(ĐTCK) Lâu lắm rồi, nhà đầu tư mới có cơ hội lướt sóng cổ phiếu VNM. Kể từ khi có thông tin chính thức về việc SCIC thoái vốn khỏi VNM, giá cổ phiếu này đã tăng thẳng đứng từ 100.000 đồng/CP lên 140.000 đồng/CP và tạo đỉnh ở đây khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng VNM.

Đáng chú ý là trong sóng này, rất nhiều nhà đầu tư bắt đầu tham gia lướt sóng khi VNM đã tăng lên 120.000 đồng/CP. Không chỉ VNM, mà FPT cũng là cổ phiếu được khuyến nghị mua vào để hưởng lợi từ thông tin SCIC thoái vốn. Đã có hẳn một làn sóng đầu tư theo cách thức này trong 2 tháng qua.

Theo quan sát của ĐTCK, một số cổ phiếu có “đội đánh” dựa trên những phân tích hay tin mật từ DN thường không đạt được giá kỳ vọng, mà giá chỉ tăng đến gần mức giá kỳ vọng đã điều chỉnh.

Ví dụ, nếu kỳ vọng giá 20.000 đồng/CP thì cổ phiếu chỉ tăng đến 17.000 đồng/CP đã điều chỉnh. Điều đó cho thấy, những nhà đầu tư theo đội, nhóm cũng rất thận trọng và không ai muốn là người “cầm lửa” cuối cùng.

Nhiều người cho rằng, kinh tế thế giới và trong nước luôn tiềm ẩn bất thường, nên cần chốt lời ngay khi đạt lợi nhuận kỳ vọng, chứ không nhìn quá xa là cách đầu tư thịnh hành nhất. Sự hoành hành của khủng bố diễn ra ở một số quốc gia và đòn đáp trả của các nước lớn đã và sẽ ít nhiều tác động đến sự ổn định chung của thị trường thế giới, cũng như tâm lý đầu tư trên thị trường.

"Nếu kỳ vọng giá 20.000 đồng/CP thì cổ phiếu chỉ tăng đến 17.000 đồng/CP đã điều chỉnh. Điều đó cho thấy, những nhà đầu tư theo đội, nhóm cũng rất thận trọng và không ai muốn là người “cầm lửa” cuối cùng.

Trên TTCK Việt Nam có thể thấy, một số quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư cơ bản vào những DN trong thời kỳ kinh tế khó khăn, đã bắt đầu thoái vốn để đóng quỹ. Hiện chưa thấy có quỹ nào thay thế những quỹ này trong vai trò nhà đầu tư lâu dài, trừ những quỹ đã có mặt từ lâu tại Việt Nam, vẫn tiếp tục mua bán, tái cơ cấu danh mục.

Với mặt bằng giá hiện nay, dường như nhà đầu tư không nghĩ đến một chu kỳ đầu tư dài hạn, mà sẽ tận hưởng từng con sóng của thị trường, dù nó chỉ đến một hay hai lần trong năm.

Thông tin về việc Hiệp định TPP sẽ được các nước tham gia ký kết vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand có thể sẽ là lý do để các cổ phiếu hưởng lợi từ TPP có thêm các đợt sóng giống như đã từng có thời gian qua. Ai cũng biết, TPP không tác động ngay đến các DN, mà là tác động dài hạn, đem lại triển vọng phát triển cho các DN có đủ khả năng tận dụng cơ hội.

    Trao đổi với ĐTCK, ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký (VSD) cho biết, hiện các điều kiện để triển khai rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán đã hội đủ. Trong năm 2015, phương án rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 đã được VSD xây dựng và trình UBCK xem xét, thông qua. Nhiều CTCK cũng cho biết, hệ thống công nghệ của các công ty đều đã sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu rút ngắn thời gian thanh toán từ T+3 xuống T+2.

Thêm một yếu tố hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch trong ngày là thời gian thanh toán T+2 sắp được áp dụng. Hy vọng rằng, đây là giải pháp quan trọng để giúp tăng thanh khoản trong bối cảnh hiện nay, TTCK rất khó để thu hút thêm dòng vốn nội cũng như vốn ngoại.

Tuy nhiên, xu hướng giao dịch lướt sóng theo các luồng thông tin tích cực như SCIC thoái vốn tại 10 DN lớn, mở room, hưởng lợi từ TPP, hay bất động sản Phú Quốc tăng giá… chỉ thuộc về các nhà đầu tư bám thị trường, có mối liên hệ chặt chẽ với các môi giới chuyên nghiệp. Phần thưởng sẽ rất khó đến với những nhà đầu tư  “đu” theo xu hướng, mà không biết mình ở đâu trên các lớp sóng liên tục nối nhau “xô” thị trường.

Tin bài liên quan