Tuần mới, mua gì - bán gì?

Tuần mới, mua gì - bán gì?

(ĐTCK) Dưới góc phân tích riêng của mình, một số nhà đầu tư cá nhân được biết đến rộng rãi trên thị trường chỉ ra một số cổ phiếu tiềm năng có thể đem lại tỷ suất sinh lợi lớn cho nhà đầu tư. 

Nhà đầu tư Stocktradezf1

Cách đây hơn 9 tháng, cũng trên chuyên mục “Tuần tới mua – bán gì”, tôi có chia sẻ cho nhà đầu tư một câu chuyện có tựa đề “Cuộc nội chiến và sự trở lại thần kỳ của VCS”. Lúc đó tôi có gửi lời nhắn với nhà đầu tư rằng, hãy nhận ra sự hấp dẫn của nó và biến nó thành cơ hội làm tăng danh mục đầu tư của mình ít nhất là gấp 6 lần gửi ngân hàng sau thời gian 1 năm tới bằng cách mua mạnh VCS ở vùng giá tại thời điểm đó là khoảng 41.000-44.000 đồng/CP (đã tính giá điều chỉnh cổ tức). Hôm nay, sau thời gian chưa tới 1 năm, thì VCS đã chạm mốc 116.000 đồng/CP, tăng hơn 260% - gấp hơn 50 lần lãi suất ngân hàng chứ không phải 6 lần như mục tiêu khiêm tốn đặt ra ban đầu.

Nhà đầu tư có thể tham khảo lại:

Tuần này, tôi xin chia sẻ với nhà đầu tư một câu chuyện mới cũng khá ly kỳ và hấp dẫn không kém, đó là “Miếng mồi béo bở KSB và cuộc chinh biến hậu SCIC thoái vốn”.

Nếu không có câu chuyện SCIC thoái hơn 50% vốn tại KSB mới đầu năm 2016 vừa qua, thì cũng không có câu chuyện tôi đề cập dưới đây. Cả 2 câu chuyện này, tuy khác nhau về nội dung, nhưng lại cùng có một điểm tương đồng, đó là cả 2 doanh nghiệp tôi đề cập đều là những doanh nghiệp đứng đầu tại Việt Nam ở lĩnh vực mình hoạt động: Nếu VCS đứng đầu tại Việt Nam ở mảng sản xuất đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh, thì KSB lại đứng đầu Việt Nam ở mảng khai thác và chế biến đá xây dựng (so về quy mô doanh thu đối với các doanh nghiệp khai thác đá niêm yết cùng ngành như NNC, DHA, C32,…..). Cả 2 doanh nghiệp đều hoạt động rất hiệu quả, ban lãnh đạo cả 2 công ty đều lo tập trung vào công việc chuyên môn của mình, tối đa hóa lợi ích cho cổ đông, chứ hoàn toàn không hề vướng bận chuyện đầu tư tài chính, lướt sóng cổ phiếu của chính công ty mình hoặc tăng vốn ồ ạt huy động vốn từ nhà đầu tư, nhưng lại sử dụng không hiệu quả.

Từ khi niêm yết đến nay, ban lãnh đạo KSB chưa năm nào làm cổ đông phải thất vọng. Nhà đầu tư có thể xem lại lịch sử hoạt động 10 năm gần đây nhất của KSB từ 2006 đến nay thì có thể thấy doanh thu của KSB luôn tăng trưởng đều qua các năm. Biên lợi nhuận gộp luôn ở mức hấp dẫn đạt trên 35%. Tiền mặt luôn dồi dào, do vậy KSB cũng ít phải phụ thuộc vào vốn vay. Tỷ lệ nợ của KSB luôn duy trì ở mức thấp. ROE của KSB cũng luôn duy trì ở mức trung bình trên 20% mỗi năm, có năm lên tới 40%. Đặc biệt là khoản cổ tức năm nào KSB cũng đều đặn chia cho cổ đôngbằng tiền tươi với tỷ lệ trung bình trên 30%, có năm lên tới trên 50%. Đây cũng là lý do mà tôi đã khuyến nghị rộng rãi mua vào và nắm giữ KSB từ đầu năm 2016 trên trang cá nhân ở vùng giá 35-37.

KSB có nền tảng cơ bản quá tốt như vậy, nên khi SCIC chào bán toàn bộ hơn 50% vốn tại KSB (11,71 triệu cổ phiếu) vào đầu năm nay đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư thời điểm đó. Theo thông tin của nhóm nhà đầu tư Stocktradezf1 được biết, thì trong đó có cả một số người nằm trong ban lãnh đạo của KSB. Có một điều lạ mà đa số nhà đầu tưvà tôi còn thắc mắc là tại sao với mức EPS 2015 của KSB là trên 5.300 đồng/CP và P/E bình quân của thị trường lúc đó là khoảng 12 lần, thì lý do tại sao SCIC lại sang nhượng toàn bộ lượng cổ phiếu trên qua thỏa thuận trong 2 phiên 24 và 26/2 chỉ với giá 37.500 đồng/CP - ứng với mức P/E lúc đó chỉ khoảng 7 lần. Một mức giá có thể nói là khá rẻ.

Ngay khi thương vụ mua bán trên kết thúc, thì một cái tên bắt đầu được đông đảo giới nhà đầu tư quan tâm, đó chính là DRH. DRH đã bất ngờ trở thành cổ đông lớn của KSB từ ngày 28/3/2016 sau khi mua vào 2,33 triệu cổ KSB - tương ứng với tỷ lệ 9,98%. Người ta quan tâm DRH, bởi trước đó DRH luôn một trong những doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.

Với kế hoạch từng bước biến KSB thành công ty liên kết của mình, DRH đã liên tiếp đăng ký mua vào KSB để tăng tỷ lệ sở hữu. Tính đến thời điểm hiện tại, DRH đã sở hữu tổng cộng hơn 4,7 triệu cổ KSB và trong tháng 8 này sẽ mua vào tiếp 1 triệu nữa để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 24,5%. Song song với việc nâng dần tỷ lệ sở hữu tại KSB, DRH cũng tiến hành đưa người của mình vào ban lãnh đạo và HĐQT của KSB.

Tôi cũng thật tiếc là hầu hết ban lãnh đạo cũ của KSB lại hầu như không sở hữu hay có tỷ lệ sở hữu rất nhỏ tại KSB và họ cũng không lường trước được việc một ngày nào đó KSB lại trở thành mục tiêu thâu tóm của DRH. Cổ đông mới của KSB là DRH đã có tiếng nói hơn khi họ có lợi thế về tỷ lệ sở hữu vượt trội so với các lãnh đạo cũ tại KSB.

Ngày 4/4/2016, ban lãnh đạo DRH đã giới thiệu ông Võ Trường Thành vào làm thành viên HĐQT KSB và giữ chức danh Chủ tịch HĐQT của KSB. Tuy nhiên, ông Thành rời HĐQT KSB chỉ thời gian ngắn sau đó với lý do cá nhân. Thay thế ông Võ Trường Thành tại KSB là ông Phan Tấn Đạt, Tổng giám đốc DRH. Sau đó, hàng loạt vị trí chủ chốt tại KSB như thành viên HĐQT, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính... đã được thay mới hoặc bổ sung thêm.

Là người ngoài cuộc và đứng trên quan điểm khách quan của 1 nhà đầu tư, có hai câu hỏi lớn mà tôi và đông đảo cổ đông của KSB quan tâm nhất: Sau khi có sự tham gia của DRH, cùng với sự thay đổi trong ban lãnh đạo đang diễn ra tại KSB, thì KSB liệu có vẫn giữ được vị trí và sự tăng trưởng ổn định như lịch sử hơn 20 năm nay, hay lại xảy ra tình trạng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” giữa các nhóm cổ đông lớn và ban lãnh đạo mới - cũ tại KSB? Câu chuyện này cũng đã xảy ra tại VCS từ 2010 đến 2013 giữa Red River Holding (RRH) với nhóm cổ đông cũ của VCS.

Câu hỏi lớn thứ 2 là ban lãnh đạo của DRH cũng chưa có bề dày kinh nghiệp tại lĩnh vực mà KSB đang hoạt động, khi họ tham gia vào KSB, họ có đảm nhận tốt vai trò của mình hơn những gì mà ban lãnh đạo cũ của KSB đã từng làm hay không, hay lại kìm hãm KSB đi lên như những gì RRH đã từng làm đối với con tàu VCS?

Từ cuối năm 2015 trở về trước, cổ phiếu DRH hầu như không được nhà đầu tư chú ý vì DRH được được xếp vào nhóm cổ phiếu penny có kết quả hoạt động kinh doanh kém và mang tính đầu cơ cao. Có thời gian DRH chỉ dao động quanh mức giá trên 1.000 đồng/CP với thanh khoản rất thấp. Tuy nhiên, khi thông tin về việc DRH tiến hành mua vào số lượng lớn KSB nhen nhóm, thì cổ phiếu DRH đã thu hút được đông đảo nhà đầu tư chú ý.

Trong trường hợp DRH tăng tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn thành công tại KSB, thì bắt đầu từ những năm sau đó, DRH sẽ hạch toán 50% doanh thu - tương đương khoảng 400 tỷ đồng doanh thu và 50% lợi nhuận - tương đương khoảng 80 tỷ đồng từ KSB sang. Với khoảng 70 - 80 tỷ đồng lợi nhuận bằng tiền tươi thóc thật hạch toán mỗi năm từ KSB sang, thì EPS lúc đó của DRH rơi vào khoảng gần 2.000 đồng/Cp, ROE ~ gần 20%, tăng gấp gần chục lần so với hiện tại.

Cũng theo thông tin xác thực của nhóm nhà đầu tư chúng tôi, thì hiện tại tình hình hoạt động kinh doanh của KSB vẫn diễn ra rất tích cực, hầu như chưa bị ảnh hưởng từ sự thay đổi cơ cấu ban lãnh đạo vừa qua. Doanh thu và lợi nhuận năm nay vẫn sẽ tăng trưởng mạnh so với 2015. Đặc biệt là doanh thu và lợi nhuận nửa cuối 2016 tốt hơn 6 tháng đầu năm và kế hoạch lợi nhuận năm nay của KSB đặt ra là hoàn toàn vượt. Năm 2016, cá nhân tôi dự phóng KSB đạt khoảng 860 tỷ đồng doanh thu và 202 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lũy kế 6 tháng đầu năm, KSB đã đạt trên 400 tỷ đồng doanh thu và gần 90 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

KSB cũng đang hoàn thành xin cấp phép khai thác mở rộng mỏ đá Phước Vĩnh với trữ lượng 18 triệu m3 và xin cấp phép khai thác mỏ đá Tam Lập - huyện Phú Giáo với trữ lượng 13 triệu m3 (ngoài 2 mỏ đá đang khai thác chính là mỏ Tân Đông Hiệp - thị xã Dĩ An và mỏ đá Tân Mỹ - huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương, với tổng trữ lượng còn lại trên 24 triệu m3).

Tôi cũng xin nói thêm là hiện ban lãnh đạo cũ của KSB ngoài việc lấy lĩnh vực khai thác khoán sản, mà cụ thể là khai thác đá và sản xuất đá xây dựng, cống bê tông, gạch ngói, cát làm lĩnh vực mũi nhọn và chủ lực của Công ty trong các năm sắp tới, thì KSB cũng đã tiến hành đầu tư mở rộng Khu công nghiệp Đất Cuốc của mình có diện tích hiện tại là 209 ha với lộ trình như sau: Từ nay đến năm 2018 mở rộng ra thêm 136 ha và đến năm 2010 thì sẽ mở rộng thêm 203 ha nữa, nâng tổng diện tích khu công nghiệp này sau khi mở rộng là trên 550 ha.

EPS năm 2016 của KSB tôi dự phóng đạt khoảng trên 8.000 đồng/CP và với giá đóng cửa phiên cuối tuần vừa qua là 66.500đ/Cp thì hiện KSB đang giao dịch ở mức P/E chỉ khoảng hơn 8 lần - khá là hấp dẫn. “Miếng mồi” béo bở này chắc chắn DRH sẽ không thể bỏ qua, do vậy trong thời gian tới, giá cổ phiếu KSB có thể sẽ tiếp tục có sự biến động ngắn hạn do DRH còn phải mua vào khoảng hơn 7 triệu cổ phiếu KSB nữa thì mới nâng tỷ lệ sở hữu tại KSB trên 50% thành công.

Với những phân tích trên, tôi đánh giá bản thân KSB là 1 cổ phiếu tốt, đáng để nhà đầu tư nắm giữ trung dài hạn. Cùng với các cổ phiếu khác như HSG, HPG, CVT, MWG, DQC…, thì KSB cũng là một trong những cổ phiếu đã được tôi khuyến nghị rộng rãi mua vào mạnh từ đầu năm ở vùng giá 35-37. Hiện nhà đầu tư nào chưa có KSB vẫn có thể canh tích lũy KSB ở vùng giá trên dưới 60 cho mục tiêu trung dài hạn. Những nhà đầu tư nào đã mua vào KSB theo tôi trong 2 phiên giảm sàn ngày 12 và 15 tháng 8 vùng giá 55-59 có thể tạm canh chốt ngắn hạn vùng giá 73-75 trong thời gian tới.

Câu chuyện tôi vừa kể trên cũng làm cảnh tỉnh những công ty có lịch sử hoạt động tốt như KSB cần có chiến lược phòng ngừa rủi ro trước việc trở thành miếng mồi béo bở của các thế lực bên ngoài. Hiểu được đều này, vào đầu năm nay, ta đã chứng kiến ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (mã cổ phiếu AAA) đã liên tục mua vào 1 số lượng lớn cổ phiếu của công ty mình trong một thời gian ngắn để tăng tỷ lệ sở hữu. Bởi khi AAA nhìn ra triển vọng rất sáng của công ty mình trong các năm sắp tới khi nhà máy số 6 đi vào hoạt động hết công suất vào cuối năm nay và nhà máy số 7 đi vào hoạt động trong các năm tới.

Doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng trưởng bằng lần, thì ban lãnh đạo AAA đã ngay lập tức tăng tỷ lệ sở hữu của mình nhằm đập tan mọi ý định thâu tóm từ bên ngoài. AAA cũng là một trong những cổ phiếu được Stocktradezf1 khuyến nghị mua vào trên trang cá nhân ở vùng giá 16-17 vào đầu tháng 4/2016.

...............................

Theo đề nghị của một số nhà đầu tư, chúng tôi sẽ sử dụng tên gọi theo tên được các nhà đầu tư này dùng trên các diễn đàn chứng khoán - nickname. Các nhận định và khuyến nghị mua - bán các mã cổ phiếu, nhóm mã cổ phiếu là quan điểm cá nhân của các nhà đầu tư, không phản ánh quan điểm của Tòa soạn và chỉ có ý nghĩa tham khảo.

Tin bài liên quan