Tuần mới, mua gì - bán gì?

Tuần mới, mua gì - bán gì?

(ĐTCK) Thị trường tuần tới được dự đoán sẽ gặp khó khăn, nhưng không phải tất cả cổ phiếu đều giảm giá, mà luôn có cơ hoọi cho những nhà đầu tư chọn đúng mã cổ phiếu. Dưới góc phân tích riêng của mình, một số nhà đầu tư cá nhân được biết đến rộng rãi trên thị trường chỉ ra một số cổ phiếu có thể đem lại tỷ suất sinh lợi lớn cho nhà đầu tư, trong đó thậm chí có cả những mã đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Nhà đầu tư Stocktradezf1

Để đến với chuyên mục “Tuần tới mua – bán gì” tuần này, tôi xin chia sẻ cùng quý nhà đầu tư và độc giả 2 câu chuyện mà theo tôi là nó đều hấp dẫn và khá ly kỳ.Tôi cũng hy vọng rằng, sau khi đọc xong 2 câu chuyện tôi chia sẻ này, sẽ có 1 số quý nhà đầu tư nhận ra sự hấp dẫn của nó và biến nó thành cơ hội làm tăng danh mục đầu tư của mình ít nhất là gấp 6 lần thay vì gửi tiền vào ngân hàng trong thời gian 1 năm tới.

1/Câu chuyện đầu tiên mà tôi muốn kể có tựa đề “Cuộc nội chiến và sự trở lại thần kỳ của VCS”.

Chúng ta đều biết, từ khi lên sàn năm 2007, Vicostone (VCS) luôn là 1 trong những công ty hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất trên 2 sàn. Doanh thu và lợi nhuận tăng đều và mạnh qua các năm. Nếu như năm 2007, VCS chỉ đạt doanh thu khoảng 270 tỷ đồng với lợi nhuận ròng tương ứng là 41 tỷ đồng, thì đến năm 2009, doanh thu của VCS đã tăng lên gấp đôi, lên 549 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 93 tỷ đồng.

Mức tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của VCS luôn là niềm mơ ước đối với hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành khác với ROE 3 năm liên tiếp từ 2007 - 2009 đều đặt trên 24%. Cổ tức bằng tiền mặt của VCS đều trên 20% qua các năm.

Tuy nhiên, từ năm 2010 đến năm 2013, VCS bắt đầu rơi vào 1 cuộc đối đầu khốc liệt giữa các nhóm cổ đông lớn. Đó là sự bất đồng quan điểm trong chiến lược và định hướng phát triển của VCS. Với 1 bên là cổ đông nội bộ, mà đại diện là thuyền trưởng Hồ Xuân Năng và 1 bên là nhóm cổ đông ngoại, mà đại diện là Red River Holding (RRH) đang nắm giữ gần 50% vốn cổ phần của VCS lúc bấy giờ.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận của VCS sụt giảm mạnh trong 2 năm 2012 và 2013, tương ứng với mức doanh thu của VCS cũng rơi vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại. Cũng vì vấn đề này mà trong nhiều năm ròng, ĐHCĐ của VCS luôn trong tình trạng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” do hầu hết các nội dung quan trọng trong đại hội, như kế hoạch kinh doanh, chính sách phân phối lợi nhuận… của VCS không được thông qua do bất đồng quan điểm giữa các nhóm cổ đông.

Cuối năm 2014, một sự kiện mang tính lịch sử đã xảy ra đối với VCS, đó là vào tháng 8/2014, nhóm cổ đông nội đã hoàn tất việc thâu tóm 58% cổ phần của VCS thông qua CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) để giành quyền kiểm soát VCS. Hiện ông Năng là cổ đông lớn của Phenikaa với tỷ lệ nắm giữ 90% vốn, tương ứng 54 triệu cổ phần.

Tháng 9/2014, VCS tiếp tục tiến hành mua lại 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, nhằm làm tăng tỷ lệ biểu quyết của Phenikaa lên 72,5%. Cuộc chiến chấm dứt và VCS chính thức được lật sang trang sử mới bắt đầu từ đây.

Sau cuộc chiến tái cấu trúc kết thúc ở trên, VCS đã chính thức bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ kể từ cuối 2014, mở ra 1 cơ hội đầu tư lớn vào cổ phiếu VCS cho những nhà đầu tư nào có tầm nhìn vào thời điểm đó. Và rất nhiều nhà đầu tư đã được tôi khuyến nghị mua VCS vùng giá 35-37 vào ngày 13-14/8, đến nay đều đã đạt tỷ suất sinh lợi khá cao.

Cho đến phiên giao dịch 13/10, tôi vẫn tiếp tục khuyến nghị mua vào VCS vùng giá 46-47 trên trang cá nhân https://facebook.com/stocktradez và hiện tại, giá VCS đã trên 54.000 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 5/11/2015) - Lợi nhuận đạt trên 28% sau khi trừ lãi margin chỉ sau hơn 3 tuần nắm giữ.

Hiện VCS là nhà sản xuất, kinh doanh đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh với công nghệ Breton S.P.A của Ý mới nhất hiện nay và duy nhất tại Việt Nam. Sản phẩm của VCS thuộc phân khúc cao cấp và 85% sản lượng là dùng để xuất khẩu với giá cao gấp 3-4 lần các sản phẩm xuất xứ nội địa. Doanh thu của Công ty tập trung chủ yếu ở 3 thị trường khó tính và có tiêu chuẩn cao nhất là Bắc Mỹ, Úc và EU, với tỷ trọng doanh thu tại 3 thị trường này năm 2014 lần lượt là 53,07%, 29,74% và 15,2%.

Công ty đã xây dựng được hệ thống phân phối toàn cầu, với gần 30 nhà phân phối lớn nhỏ ở khắp năm châu lục. Sản phẩm của VCS hiện đã có mặt tại hơn 40 nước trên thế giới và hiện Vicostone đang đứng trong Top 4 trên thế giới cả về quy mô và uy tín trong ngành đá nhân tạo gốc thạch anh.

Lợi nhuận 3 quý đầu năm 2015 của VCS đạt trên 270 tỷ đồng, cao hơn cả lợi nhuận của 3 năm 2011, 2012,2013 gộp lại. Doanh thu và lợi nhuận ước tính của VCS năm 2015 lần lượt là 2.400 tỷ đồng và 350 tỷ đồng. ROE dự phóng năm 2015 trên mức 35%.  EPS dự phóng năm 2015 khoảng 8.300 đồng/CP. Hiện VCS đang giao dịch ở mức P/E chỉ trên 6,5 lần, quá hấp dẫn đối với 1 doanh nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng như VCS.

Tôi cũng xin nói thêm là doanh thu và lợi nhuận của VCS là tiền tươi thóc thật. Chứ không phải kiểu doanh thu ảo làm đẹp chỉ số tài chính như một vài công ty khác trên sàn. Từ khi lên sàn đến nay, VCS luôn trong tình trạng tài chính lành mạnh, tiền mặt dồi dào. Số dư tiền mặt hiện tại của VCS lên tới trên 210 tỷ đồng.

Và 1 tin hết sức quan trọng mà nhà đầu tư cần chú ý đó là hiện VCS không có kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phần trong 5 năm tới. Hiện đa số các nhà đầu tư đã quá sợ với việc phát hành bừa bãi tăng vốn của 1 số công ty trên sàn trong khi tiền huy động được từ cổ đông lại không được sử dụng một cách hiệu quả. Trong khi VCS lại chỉ muốn cô đặc thêm lượng cổ phiếu đang lưu hành hiện có của mình bằng việc mua vào hơn 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ trong thời gian vừa qua.

Lợi nhuận hàng năm của VCS ngoài việc dùng để chi trả cổ tức khủng, trên 20% mỗi năm thì phần còn lại vẫn còn rất dồi dào cho việc tái đầu tư khi cần mà hoàn toàn chưa cần đến nguồn lực tài chính huy động từ bên ngoài, như đi vay hay phát hành thêm vốn. Hiện nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VCS tính đến cuối quý III là hơn 370 tỷ đồng.

Ngoài ra, hơn 10 triệu cổ phiếu quỹ mà VCS mua vào với giá bình quân chỉ hơn 27.000 đồng/CP. Hiện thị giá của VCS đã tăng lên gấp đôi, nguyên khoản này, ban lãnh đạo đã mang về cho cổ đông VCS khoản thặng dư tiềm năng là trên 270 tỷ đồng nếu sau này VCS có kế hoạch bán ra lượng cổ phiếu quỹ này.

Sắp tới, VCS cũng có kế hoạch mở rộng thêm dây chuyền sản xuất mới vào cuối năm 2018, ngoài 2 dây chuyền sản xuất hiện tại, đồng thời đẩy mạnh mở rộng sang các thị trường mới như Nga và Belarus. Hiện mỗi tháng VCS xuất khẩu hơn 3,7 triệu USD vào thị trường Mỹ và hơn 2,1 triệu USD vào thị trường Úc. Và một thị trường đầy tiềm năng khác mà VCS chưa hề khai thác mạnh đó là thị trường trong nước. VCS có kế hoạch tăng doanh thu trong nước lên 4 triệu USD trong năm 2015, gấp đôi so với 2 triệu USD năm 2014 khi nhận thấy nhu cầu và mức sống của người dân trong nước đang ngày càng cải thiện (sản phẩm của VCS là dòng sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp với giá cả cao gấp 3 - 4 lần so với sản phẩm nội địa cùng loại).

Với các lý do trên, tôi tiếp tục khuyến nghị mua và tích lũy mạnh VCS ở vùng giá hiện tại là 50-52 đối với những nhà đầu tư nào chưa sở hữu VCS; Giá mục tiêu của VCS sau 1 năm nắm giữ tính từ thời điểm hiện tại mà cá nhân tôi kỳ vọng là trên 80.000 đồng/CP - tức cao hơn 50% so với mức giá hiện tại là 52.400 đồng/CP.

2. Câu chuyện thứ 2 mà tôi muốn chia sẻ là câu chuyện SCIC thoái vốn tại VNM và FPT Telecom.

Lý do SCIC lên kế hoạch thoái vốn tại 10 doanh nghiệp, trong đó có VNM và FPT chúng ta cũng không cần thiết phải mang ra mổ sẻ ở đây để tốn thêm giấy mực và thời gian. Vấn đề tôi quan tâm và muốn chia sẻ ở đây là “với góc nhìn của một nhà đầu tư”, đằng sau câu chuyện thoái vốn của SCIC, chúng ta đang đứng trước 1 cơ hội gì? Cơ hội này có thể làm tăng giá trị danh mục của tôi lên bao nhiêu phần trăm? Và trong 10 doanh nghiệp mà SCIC thoái vốn, thì tại sao tôi chỉ quan tâm nhất đến 2 doanh nghiệp là VNM và FPT? FPT và VNM đều đáp ứng tiêu chí thanh khoản, thì 1 lý do nữa quan trọng hơn tôi sẽ sắp nói dưới đây.

Tôi xin chúc mừng tất cả những nhà đầu tư nào đã mua VNM vùng giá 105- 106 và FPT vùng giá 46-47 theo tôi khuyến nghị của tôi vào ngày 15 và 16/10. Tỷ suất sinh lợi đều đã đạt được trên 30% sau khi trừ lãi margin tính đến thời điểm hiện tại chỉ sau chưa tới 1 tháng nắm giữ.

Vì sao, SCIC thoái vốn lại có tác động tích cực và thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư đến 2 mã cổ phiếu này đến như vậy?

Ngay sau có tin SCIC thoái vốn tại 10 doanh nghiệp, có rất nhiều nhà đầu tư đã hỏi tôi rằng, có phải thị trường đang phản ứng tích cực đối những cổ phiếu này, vì nhà đầu tư kỳ vọng chúng sẽ được SCIC đánh lên mặt bằng giá mới trước khi tìm đối tác chiến lược để thoái được giá cao?

Theo tôi, đây chỉ là sự suy diễn bề ngoài, còn thực chất, VNM và FPT gây được sự chú ý và phản ứng tích cực của nhà đầu tư, trong đó có cả cá nhân tôi là chúng ta cùng kỳ vọng vào triển vọng làm tăng giá trị nội tại của doanh nghiệp sau khi SCIC thoái vốn.

Thứ nhất, điều gì sẽ làm tăng giá trị cho FPT khi SCIC thoái vốn?

Hiện SCIC đang nắm giữ tỷ lệ khoảng 6% vốn tại FPT, tương ứng với giá trị thị trường khoảng hơn 1.100 tỷ đồng. Việc SCIC thoái 6% lượng vốn này hoàn toàn không ảnh hưởng nhiều đến FPT. Và một số nhà đầu tư mong đợi rằng, sau khi SCIC thoái số lượng cổ phiếu này tại FPT, thì room dành cho khối ngoại sẽ được hở ra, làm tăng lực cầu tiềm năng từ khối ngoại nếu FPT được nới room lên 100%. Tôi cũng xin chia buồn rằng, FPT chưa có kế hoạch nới thêm room cho khối ngoại trong thời gian tới. Do đó, đây cũng không phải là lý do để FPT nhận được nhiều sự quan tâm đến như vậy trong mấy tuần gần đây.

Lý do chính ở đây là chúng ta kỳ vọng việc SCIC thoái hơn 50% vốn tại FPT Telecom - công ty con của FPT, thì FPT sẽ mua lại phần vốn này. Điều này sẽ làm tăng lợi nhuận của công ty mẹ hàng năm lên ít nhất 20% so với hiện tại.

FPT Telecom hiện là một trong những “con gà đẻ trứng vàng” hàng năm cho SCIC và tập đoàn mẹ FPT. Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu hàng năm của FPT Telecom đều trên 30%. Nếu FPT mua lại 50% vốn này của SCIC, thì lợi nhuận của FPT sẽ ghi nhận thêm khoảng từ 350 - 400 tỷ đồng mỗi năm. Đây là 1 thông tin rất tích cực cho Tập đoàn FPT.

Chính vì vậy,hiện tôi vẫn tiếp tục khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu này. Nhà đầu tư nào chưa có FPT vẫn có thể tích lũy FPT ở vùng giá 50-52; giá mục tiêu của FPT mà tôi kỳ vọng trong 1 năm tới là trên 60.000 đồng/CP - cao hơn mức giá hiện tại khoảng 15% -20%.

Thứ hai, câu chuyện SCIC thoái vốn sẽ đi liền với câu chuyện nới room tại VNM.

Hiện VNM không thuộc ngành nghề nhạy cảm, nên câu chuyện VNM nới thêm room đến tối đa 100% trong thời gian tới chỉ là câu chuyện một sớm một chiều, nếu SCIC có ý định bán lại 45% phần vốn rất lớn này tại VNM thông qua hình thức đấu giá công khai để thu hút các nhà đầu tư ngoại.

Một doanh nghiệp đang chi phối thị trường sữa 90 triệu dân Việt Nam, doanh thu và lợi nhuận đang trong đà tăng trưởng qua các năm ở mức trên 30%/năm, sản phẩm đã có mặt tại hơn 31 nước trên toàn thế giới, trong đó có cả Nhật, Mỹ,Nga, Úc,…  Hiện doanh thu của VNM đã xấp xỉ 36.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD) trong năm 2014 và tỷ suất sinh lợi trung bình trên vốn chủ sở hữu của VNM đều duy trì trên 35% mỗi năm từ khi lên sàn đến nay. Lợi nhuận ròng sau thuế mỗi năm của VNM hiện đã vượt con số 6.000 tỷ đồng.

 Một doanh nghiệp mà bất kỳ nhà đầu tư nào đầu tư vào VNM cách đây 10 năm và nắm giữ tới thời điểm hiện tại và tính gộp cả cổ tức nhận được hàng năm, thì số vốn đầu tư ban đầu đã nhân lên hơn 17 lần (với thị giá hiện tại là 130.000 đồng/CP).

Chỉ với một vài số liệu trên, thì theo nhà đầu tư, VNM sẽ nhận được bao nhiêu sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại nếu lượng cổ phần của SCIC được đem ra đấu giá. Theo cá nhân tôi dự đoán, miếng mồi béo bở này sẽ khiến rất nhiều tổ chức ngoại thèm thuồng không để bỏ lỡ cơ hội này và cái giá 4 tỷ USD, tương đương với giá khoảng 160.000 đồng/CP mà tin đồn Tập đoàn F&N muốn bỏ ra để nắm quyền sở hữu 45% vốn tại VNM là còn quá rẻ và chắc chắn nó vẫn chưa phải là cái giá cuối cùng.

Bở vì, các nhà đầu tư ngoại khi họ có ý định bỏ ra 1 số vốn lớn như vậy để đầu tư vào 1 doanh nghiệp nào đó, thì họ đã có tầm nhìn chiến lược dài hạn vào doanh nghiệp đó rồi, chứ không phải tầm nhìn ngắn hạn ăn xổi ở thì như đa số nhà đầu tư nội nhỏ lẻ chúng ta. Do đó, cái giá mà tôi kỳ vọng VNM sẽ đạt được khi SCIC mang ra đầu giá phần vốn này là khoảng 200.000 - 220.000 đồng/CP, tương đương khoảng 1 USD/CP. Trong khi đó, hiện thị giá của VNM vẫn chỉ khoảng 130.000 đồng/CP, vì vậy tôi tiếp tục khuyến nghị và nắm giữ VNM ở vùng giá hiện tại. Nhà đầu tư nào chưa có VNM nên tranh thủ cơ hội mua vào. Giá VNM mà tôi kỳ vọng cho đến khi SCIC thoái vốn xong là khoảng trên 160.000 – 220.000 đồng/CP.

Một điều quan trọng tôi muốn nhấn mạnh thêm, là việc SCIC thoái vốn tại VNM là một bước quan trọng giúp VNM bước sang giai đoạn phát triển mới khi không còn bị cổ đông nhà nước chi phối. Năng lực cạnh tranh của VNM sẽ được nâng lên và hy vọng VNM sẽ được tiếp thêm nguồn sinh lực mới về vốn cũng như kinh nghiệm quản trị tốt mà nhà đầu tư chiến lược ngoại đem tới.

Tôi tin, VNM sẽ có thêm các kế hoạch sáng tạo - táo bạo và mạnh mẽ trong nấc thang phát triển sắp tới đó là đưa VNM lọt vào Top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới cùng kế hoạch doanh thu cán mốc trên 3 tỷ USD trong thời gian sớm nhất.

...............................

Theo đề nghị của một số nhà đầu tư, chúng tôi sẽ sử dụng tên gọi theo tên được các nhà đầu tư này dùng trên các diễn đàn chứng khoán - nickname. Các nhận định và khuyến nghị mua - bán các mã cổ phiếu, nhóm mã cổ phiếu là quan điểm cá nhân của các nhà đầu tư, không phản ánh quan điểm của Tòa soạn và chỉ có ý nghĩa tham khảo.

Tin bài liên quan