Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 27/2

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 27/2 của các công ty chứng khoán.

TTF: Chưa thoát khỏi căng thẳng về tài chính

CTCK MB (MBS)

TTF công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 1492 tỷ VNĐ, giảm 3.7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 112.8 tỷ VNĐ, tăng rất mạnh so với cùng kỳ. Như vậy, trong năm 2014, Công ty đã đạt được mức lợi nhuận sau thuế gấp 1.8 lần kế hoạch.

Trong năm 2014, TTF đã đạt được một số bước tiến trong hoạt động tái cơ cấu hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính. Công ty đã phát hành cổ phiếu tăng vốn, huy động được khoảng 195 tỷ VNĐ, giảm áp lực tài chính lên Công ty.

Bên cạnh đó, Công ty đã bán thành công gần 900 tỷ đồng nợ vay cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Đó là các khoản vay từ Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Quân đội (MBB) với giá trị lần lượt 543 tỷ đồng và 254 tỷ đồng. Nhờ đó, Công ty đã xóa được một khoản lãi vay đáng kể trị giá 107 tỷ VNĐ.

Chúng tôi đánh giá, quá trình tái cơ cấu của TTF đã có một số kết quả bước đầu. tuy nhiên Công ty vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tình trạng căng thẳng về tài chính khi tỷ lệ vay nợ còn cao, hàng tồn kho và các khoản phải thu khách hàng thiếu cân đối. Do đó, Công ty vẫn cần tăng vốn và tái cơ cấu lại các khoản nợ để kiện toàn sức khỏe tài chính trong thời gian tới.

FCN: Khuyến nghị nắm giữ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Trong báo cáo lần đầu CTCP Kỹ thuật Nền móng và Công trình Ngầm FECON (FCN), chúng tôi đưa ra khuyến nghị NẮM GIỮ dài hạn:

Nhu cầu cao về xử lý nền đất yếu: Tỷ lệ đất yếu tại Việt Nam cao, đặc biệt là ở vùng lân cận sông Hồng và sông Cửu Long. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam là 34,5%, đứng thứ 9 trong 10 quốc gia khối ASEAN. Do đó, chúng tôi dự đoán nhu cầu thi công nền đất yếu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi thúc đẩy lợi thế cạnh tranh: Mảng thi công nền móng của FCN có những lợi thế cạnh tranh về mặt quy mô, chi phí xây dựng, năng lực thi công, cùng với thương hiệu tốt trong lĩnh vực này. Chúng tôi ước tính doanh thu của phân khúc này sẽ tăng trưởng tốt nhờ vào các dự án lớn như nhà máy lọc dầu Long Sơn, các dự án nhiệt điện, metro, các dự án dân dụng.

Doanh thu năm 2015 tăng mạnh nhưng biên lợi nhuận giảm: Chúng tôi ước tính giá trị còn lại của các dự án chưa hoàn thành cùng với các hợp đồng mới ký kết sẽ giúp doanh thu tăng mạnh trong năm 2015. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu thuần năm 2015 sẽ tăng 28% so với năm trước, nhưng biên lợi nhuận ròng giảm xuống còn 9,2% do số lượng hợp đồng thi công cọc và cung cấp cọc có biên lợi nhuận thấp hơn tăng lên.

Mở rộng sang lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông qua việc đầu tư vào các công ty liên kết: Trong năm 2014, chúng tôi thấy rằng FCN đã phân bổ một số vốn lớn vào các công ty liên kết để tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng. FCN đặt mục tiêu trở thành một trong những công ty đầu ngành về lĩnh vực hạ tầng và trở thành nhà tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) vào năm 2020 và điều này phù hợp với xu hướng chung của ngành. Chúng tôi cho rằng đây là một kế hoạch mở rộng khá tham vọng do sự đầu tư vào lĩnh vực trên đòi hỏi một nguồn vốn đáng kể và kỹ năng quản lý.

Giá cổ phiếu hiện ở mức hợp lý: Trước đây, giá cổ phiếu FCN biến động cùng với các công ty cùng ngành. Nhưng do sự sụt giảm gần đây đã làm cho diễn biến giá cổ phiếu thấp hơn các công ty cùng ngành, mặc dù chỉ số P/E của công ty đang thấp hơn trung vị nhóm công ty cùng ngành. Cổ phiếu FCN đã biến động theo xu hướng của chỉ số VN-Index và giảm 8% trong 12 tháng qua, trong khi nhóm công ty cùng ngành tăng 14%.

>> Tải báo cáo

DPR: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

DPR đã công bố KQKD 2014 với doanh thu thuần giảm 5,7% so với năm trước còn 1.037 tỷ đồng. Mặc dù sản lượng tiêu thụ tăng 10,6% so với năm trước đạt 20.145 tấn, giá bán mủ cao su bình quân trong năm 2014 giảm 27,6 %n/n chỉ còn 38,3 triệu đồng/tấn. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 38,6% trong 2013 xuống còn 25,2% trong 2014. Chi phí hoạt động giảm nhưng tốc độ giảm chậm hơn doanh thu thuần làm cho tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần tăng từ 6,7% trong 2013 lên 7,1% trong 2014. Thu nhập tài chính ròng giảm 5,8% xuống chỉ còn 47 tỷ đồng do lãi tiền gửi giảm. LNR giảm 41,9% so với năm trước xuống còn 214 tỷ đồng.

HĐQT đề xuất chi trả cổ tức 2015 với tỷ lệ 20%-25% mệnh giá, giảm từ mức 30% mệnh giá (3.000 đồng/cp) năm 2014. Nếu được ĐHCĐ thông qua, lợi tức cổ tức 2015 tương ứng là 5,3% - 6,7%. Tỷ lệ chi trả cổ tức tương ứng là 49%-61% tương đối hợp lý do nhu cầu đầu tư trong các năm tới không cao vì công ty đã hoàn thành dự án trồng 6.300 ha cao su Đồng Phú Kratie và hơn 75% dự án Đồng Phú – Đak Nông. Tính đến cuối 2014, tiền và tương đương tiền của DPR đạt 638,7 tỷ đồng, tương đương 13.800 đồng/cp.

Mặc dù giá cao su trong nước cũng như quốc tế đang trong xu hướng giảm, chúng tôi thấy rằng, giá cổ phiếu DPR hầu như ít có tương quan với giá cao su trong 1 năm trở lại đây với hệ số tương quan chỉ ở mức rất thấp là +0,18. Chúng tôi kỳ vọng đà giảm giá sẽ chững lại cuối 2015 do nguồn cung giảm.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị GIỮ với giá mục tiêu 36.000 đồng dựa trên P/E 2015 8,8 lần, xấp xỉ trung bình ngành. DPR là công ty có quy mô lớn thứ 2 và năng suất cao nhất (2,2 tấn/ha) trong số các công ty cao su niêm yết.

Tin bài liên quan