Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/8

VC3: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của VC3 tương đối khả quan với sự cải thiện của dòng tiền nhờ mảng kinh doanh bất động sản. Doanh thu thuần đạt 209,3 tỷ đồng (+16,2% so với cùng kỳ năm ngoái; 29% kế hoạch), trong đó khoảng 80% đến từ hoạt động bán căn hộ của khối nhà CT2 thuộc khu đô thị mới Trung Văn. Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2014 của VC3 đã tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ, đạt 7,6 tỷ đồng (45% kế hoạch).

Biên lợi nhuận gộp của VC3 trong nửa đầu năm 2014 đạt 10,5%, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái do sự khác nhau trong cơ cấu doanh thu của VC3 ở hai thời điểm nửa đầu năm 2013 và nửa đầu năm 2014, và biên lợi nhuận gộp vượt trội của mảng bất động sản so với hoạt động xây lắp. Trong nửa đầu năm 2013, doanh thu thuần đạt 180,1 tỷ đồng, trong đó mảng kinh doanh bất động sản đóng góp 116 tỷ đồng tương đương 64%. Trong khi đó, như đã đề cập ở trên, mảng này lại chiếm tới hơn 80% tổng doanh thu nửa đầu năm 2014 của VC3.

Biên lợi nhuận gộp của mảng bất động sản của VC3 luôn khoảng 10% trong khi ở mảng xây lắp truyền thống biên lợi nhuận gộp chỉ ở dưới 3% do VC3 gặp rất nhiều khó khăn và không kí được hợp đồng mới trong năm nay do đối thủ cạnh tranh luôn chào giá thấp.

Trong nửa đầu năm 2014, nợ vay ngân hàng của VC3 đã giảm đáng kể. Đối với nợ ngắn hạn, hiện công ty chỉ còn nợ các ngân hàng hơn 54,6 tỷ đồng, giảm 168,7 tỷ đồng, trong khi với nợ dài hạn, VC3 đã thanh toán toàn bộ khoản nợ gần 35 tỷ từ đầu năm. Ngoài ra dòng tiền của VC3 được cải thiện đáng kể do khoản mục người mua trả trước tăng 251 tỷ đồng từ dự án CT2 Trung Văn.

Qua trao đổi, chúng tôi được biết VC3 chủ trương giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng do lãi suất hiện tại quá cao, trong khi công ty hiện đủ khả năng để trang trải cho các dự án đang tiến hành. Đây là một điểm tương đối tích cực cho VC3 trong nửa cuối năm 2014 do chi phi lãi vay sẽ được giảm đáng kể.

Chúng tôi đánh giá VC3 là một trong những doanh nghiệp có tình hình tài chính và hoạt động tương đối ổn định và an toàn so với các tập thể khác thuộc Tổng công ty Vinaconex.

Từ cuối năm 2013, dòng tiền của VC3 đã được cải thiện rất tốt nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản, qua đó giúp công ty thanh toán phần lớn các khoản vay ngân hàng.Điều này sẽ tạo hiệu ứng rất tốt cho nửa cuối năm 2014 của công ty khi chi phí lãi vay sẽ giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, trong nửa cuối năm 2014, với khoảng 100 tỷ đồng doanh thu từ xây lắp (nhờ hai dự án Vietcombank chi nhánh Phú Tài – Bình Định và dự án thi công nhà máy phân phối khí áp thấp của PV GAS), cùng 500 tỷ đồng hạch toán dự kiến từ việc bán căn hộ thuộc khối nhà CT2 của khu đô thị mới Trung Văn, chúng tôi cho rằng VC3 chăc chắn sẽ hoàn thành kế hoạch năm.

Do mảng xây lắp cạnh tranh cao và thị trường bất động sản vẫn tiếp tục ảm đạm nên khó khăn đáng kể nhất của công ty trong thời gian 1-2 năm tới chủ yếu liên quan tới việc tìm kiếm các hợp đồng xây lắp mới cũng như các dự án BĐS phù hợp. EPS forward theo kế hoạch 2014 là 2.125 đồng/cp, P/E forward đạt 6 lần, khá thấp so với các công ty bất động sản khác.

Rủi ro chính cho nhà đầu tư đối với cổ phiêu VC3 là vấn đề thanh khoản, khi hiện lượng cổ phiếu được nắm giữ bởi các cổ đông lớn (Vinaconex và VNDirect) đã chiếm 91%. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu VC3.

HSG: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

HSG vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm niên độ tài chính 2013-2014 với lợi nhuận sau thuế tiếp tục suy giảm.

Trong quý III, HSG đạt 4.325,4 tỷ đồng doanh thu thuần (+32,6% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 110,9 tỷ đồng (-40,2% so với cùng kỳ năm ngoái). Theo đó 9 tháng đầu niên độ, HSG đạt 10.966 tỷ đồng (+28,1% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 78,4% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế giảm mạnh, đạt 281,5 tỷ đồng (-47,7% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 46,9% kế hoạch).

Doanh thu tăng mạnh chủ yếu là do sản lượng tăng, trong khi mức giá giảm nhe. Sản lượng thành phẩm trong 9 tháng đầu niên độ đạt 595.411 tấn (+36,8% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó sản lượng xuất khẩu là 253.200 tấn (+23,6% so với cùng kỳ năm ngoái), chiếm 42,5%. Nếu phân chia theo hai nhóm mặt hàng tiêu thụ chính thì sản lượng ống thép trong 9 tháng đạt 132.361 tấn và tôn mạ đạt 440.499 tấn. Thị phần ở hai mảng này dẫn đầu toàn thị trường, lần lượt đạt 20,2% và 35,8%.

Mức giá bình quân đạt 18,4 triệu đồng/tấn (-6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giá bình quân niên độ trước đạt 19,6 triệu đồng/tấn). HSG tiếp tục theo đuổi chiến lược hạ giá bán sản phẩm để gia tăng sản lượng tiêu thụ.

Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh là do:

(1) Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 15,9% (6 tháng đầu năm 2013) xuống còn 11,36% (6 tháng đầu năm 2014) do ảnh hưởng của việc sử dụng hàng tồn kho giá cao (HRC).

(2) Chi phí bán hàng tăng mạnh đạt 493 tỷ đồng (+43,9% so với cùng kỳ năm ngoái) do (i) việc đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ khiến chi phí bán hàng tăng lên, thêm vào đó HSG liên tục mở rộng các chi nhánh, tổng số lượng chi nhánh mở mới là 18 trên tổng số kế hoạch là 20 chi nhánh, (ii) Chính sách thắt chặt tải trọng đường bộ cũng khiến chi phí vận chuyển của HSG tăng lên.

(3) Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ, đạt 282,2 tỷ đồng (+17,9% so với cùng kỳ năm ngoái) do việc mở thêm các chi nhánh mới.

Vào đầu tháng 6/2014, HSG đã đưa vào hoạt động dây chuyền cán nguội số 4, công suất 200.000 tấn/năm nâng tổng công suất hiện tại lên 780.000 tấn/năm , giúp HSG (i) đáp ứng được tốc độ tăng của sản lượng hàng bán, (ii) cải tiến biên lợi nhuận gộp vì sản xuất tôn, ống thép từ thép cán nóng (HRC) có biên lợi nhuận gộp cao hơn so với từ thép cán nguội (CRC). Nếu việc triển khai đúng tiến độ thì dây chuyền cán nguội số 5 sẽ đưa vào vận hành vào tháng 9/2014 sẽ tăng công suất thêm 200.000 tấn/năm.

Chúng tôi vẫn duy trì dự báo kết quả kinh doanh, cụ thể HSG có thể đạt 14.304 tỷ đồng doanh thu (+21,5% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 335,8 tỷ đồng (-42,1% so với cùng kỳ năm ngoái) với sản lượng tiêu thụ ước đạt 769.014 tấn. Theo đó HSG có thể đạt kế hoạch về doanh thu nhưng không hoàn thành kế hoạch về lợi nhuận. EPS forward đạt 3.486 đồng/CP, P/E đạt 12 lần, tương đương với mức trung bình ngành thép (12-13 lần). Do đó chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI HSG.

KDC: Khuyễn nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Triển vọng quý III/2014 (mùa trung thu) của CTCP Kinh Đô (KDC – sàn HOSSE): thông qua 10.000 điểm bán hàng, 2.800 tấn bánh Trung thu sẽ được cung ra thị trường, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước do kỳ vọng vào sức mua kéo dài kết hợp với kỳ nghỉ lễ 2/9. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng không loại trừ rủi ro về mặt thời tiết sẽ khiến tiêu thụ bị gián đoạn.

Mùa trung thu năm nay, dòng cao cấp Trăng Vàng được đẩy mạnh hơn (+25% so với cùng kỳ năm ngoái) trong khi dòng bình dân Kinh Đô dự kiến tăng 12%, sản lượng ước tính của 2 dòng này ước lần lượt là 1.077 tấn và 1.723 tấn.

Do đó, chúng tôi dự báo biên lãi gộp của bánh Trung Thu năm nay sẽ được cải thiện cao hơn so với năm trước giúp bù đắp cho chi phí SG&A đang trong xu hướng tăng. Doanh thu Q3 ước đạt 1.900 tỷ, lợi nhuận thuần quý III ước đạt 361 tỷ.

Nhìn chung, mùa Trung thu năm nay khởi động sớm hơn năm trước. Không chỉ riêng KDC mà các doanh nghiệp bánh kẹo khác trong ngành cũng có cái nhìn khá lạc quan về sức tiêu thụ bánh Trung thu năm 2014. BBC dự kiến đưa ra thị trường 530 tấn sản phẩm, HHC tăng sản lượng 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi Hữu Nghị cũng ước tăng khoảng 10%.

Dự báo cả năm 2014: doanh thu của KDC vẫn sẽ chỉ đến từ ngành hàng bánh kẹo do những ngành hàng mới dự kiến nhanh nhất phải đến cuối 2014 đầu 2015 mới được tung ra thị trường. Chúng tôi ước tính doanh thu thuần của KDC năm 2014 đạt 4.939 tỷ đồng (+8.3% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế ước đạt 560 tỷ (+13,5% so với năm ngoái).

Như vậy, EPS sau pha loãng (phát hành cho CĐCL và ESOP) đạt mức 2.945 đồng/cp tương đương với mức P/E forward là 22,7x. Mức P/E tính toán từ hoạt động kinh doanh cốt lõi hiện tại của doanh nghiệp là khá cao so với mặt bằng chung của các cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng.

Nếu chỉ đánh giá đơn thuần về hoạt động kinh doanh cốt lõi hay thậm chí cả triển vọng ngành hàng mới trong 1 hay 2 năm tới thì chúng tôi cho rằng mức P/E 22,7x là khá đắt cho KDC. Rõ ràng câu chuyện của KDC phải được xem xét trong một khung thời gian dài hơn và còn khá nhiều biến số. Tuy nhiên chúng tôi cũng không loại trừ những tác động (nếu có) chưa thể lượng hoá được trong thời gian sắp tới của doanh nghiệp này. Chúng tôi cho rằng, khuyến nghị THEO DÕI là phù hợp đối với giá hiện tại của KDC.

>> Tải báo cáo

EVE: P/E đang giao dịch 7,9 lần

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Doanh thu quý II//2014 giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó, doanh thu từ chăn ga, đệm (CGGĐ), đóng góp khoảng 32% vào tổng doanh thu của quý II, tiếp tục giảm 25,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Do nhu cầu tiêu dùng suy yếu và cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ nước ngoài như Hanvico, Edina, Hồng Hải, Sông Hồng nên doanh thu CGGĐ sụt giảm.

Như trong báo cáo ngày 23/5/2014, nếu không có khoảng thưởng hoa hồng “đột biến” thì biên lợi nhuận gộp quý II sẽ về mức trung bình khoảng 38%. Theo đó, do không có phát sinh chi phí đột biến này nên biên lợi nhuận gộp quý II đạt 39%, tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái nên lợi nhuận từ HĐKD giảm 5%, đạt 36,5 tỷ. Nhờ thuế TNDN giảm còn 22% nên lợi nhuận ròng tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù HĐKD quý II/2014 có cải thiện nhưng lợi nhuận sau thuế quý I/2014 giảm mạnh 84% so với cùng kỳ năm ngoái, do khoảng thưởng hoa hồng “đột biến, nên 6 tháng đầu năm 2014 lợi nhuận sau thuế của EVE giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ hoàn thành 33% kế hoạch. Dự phóng lợi nhuận sau thuế 2014 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Cổ phiếu EVE đang giao dịch ở P/E là 9,7 lần.

PHR: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

PHR cho biết doanh thu kinh doanh cao su sơ bộ của công ty mẹ 7 tháng đầu năm 2014 giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái còn 701 tỷ đồng. Công ty mẹ tiêu thụ được 15.704 tấn mủ cao su, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên giá cao su bình quân 7 tháng đầu năm 2014  giảm 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 44,4 triệu đồng/tấn.

Lợi nhuận sau thuế 7 tháng đầu năm 2014 của công ty mẹ ước giảm khoảng 22%n/n xuống còn khoảng 122,8 tỷ đồng.

Lợi nhuận hợp nhất của PHR thường khả quan hơn do có đóng góp tích cực từ các công ty con (gỗ Trường Phát) và lợi nhuận từ công ty liên kết. PHR chưa công bố kết quả kinh doanh 7 tháng đầu năm 2014 các công ty này.

PHR cho biết vừa thoái vốn xong 18,86% cổ phần tại CTCP Chế Biến gỗ Thuận An (GTA) với lợi nhuận ước tính đạt 20 tỷ đồng. Chúng tôi kỳ vọng PHR sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận này trong quý III/2014.

Ngoài ra, PHR sẽ tiếp tục thoái vốn 19,85% cổ phần tại CTCP Đầu Tư Sài Gòn VRG và 4% CTCP Công nghiệp & XNK Cao su trong năm 2014. Hoạt động thoái vốn sẽ giúp PHR tập trung vào cải thiện hiệu quả mảng sản xuất kinh doanh chính, đồng thời sẽ giúp PHR giữ lợi nhuận không giảm sâu trong lúc giá cao su còn duy trì ở mức thấp.

PHR cho biết có thể chia cổ tức với tỷ lệ 25% mệnh giá (2.500 đồng/cp) (kế hoạch cổ tức 2014 là 20%-30%), tương ứng với lợi tức cổ tức 7,3%, tương đối cao hơn so với mặt bằng lãi suất ngân hàng.

Chúng tôi cho rằng, kế họach cổ tức PHR hoàn toàn khả thi do PHR vẫn nắm giữ lượng tiền mặt tương đối cao. Với mức giá hiện tại, PHR đang được định giá hợp lý tại PE 2014 là 7,9 lần, xấp xỉ trung bình ngành. Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị GIỮ.

KBC: Đánh giá cao quỹ đất

CTCP MB (MBS)

KBC công bố kết quả hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm. Theo đó doanh thu đạt mức 220 tỷ và lợi nhuận ròng đạt mức 41 tỷ. Mặc dù kết quả kinh doanh có cải thiện đáng kể so với cùng kỳ song chúng tôi đánh giá Công ty vẫn đang trong giai đoạn khó khăn.

Trong kỳ, Công ty đã hạch toán một khoản doanh thu từ hoạt động tài chính lên tới 133 tỷ. Trong đó, Công ty bán lại 2 triệu cổ phiếu cổ phiếu bất động sản Nam Việt (doanh thu 20 tỷ) và 5.4 triệu cổ phiếu Thủy điện Sông Tranh (doanh thu 54 tỷ). Công ty cũng hạch toán khoản lãi thanh toán chậm của CTCP dịch vụ Kinh Bắc lên tới 21,4 tỷ đồng.

Mặc dù lợi nhuận hạch toán khá lớn song dòng tiền phát sinh thực tế từ hoạt động đầu tư lại chưa tương xứng cộng thêm mức độ vay nợ lớn khiến sức khỏe tài chính của KBC không cải thiện nhiều. Nếu loại trừ các khoản lợi nhuận bất thường từ hoạt động tài chính thì trong 6 tháng đầu năm nay KBC vẫn bị lỗ từ hoạt động kinh doanh chính.

Hàng tồn kho (7500 tỷ VNĐ) và các khoản phải thu (2390 tỷ) của Công ty vẫn rất lớn trong khi mức độ nợ ngân hàng cao (trên 3600 tỷ VNĐ) khiến cho rủi ro thanh khoản của Công ty là cao.

Chúng tôi vẫn đánh giá cao quỹ đất lớn của KBC với hơn 8,000 ha (bao gồm cả quỹ đất của các công ty con và công ty liên kết). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Công ty cần những thương vụ cho thuê đất với diện tích lớn để giải quyết cơ bản sức ép tài chính đang đè nặng lên Công ty.

Tin bài liên quan