Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/7

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/7 của các công ty chứng khoán.

SVC: Khuyến nghị tích lũy trong trung hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Trong khi các mảng như đầu tư tài chính, taxi, kinh doanh bất động sản đều hoạt động không hiệu quả thì mảng bán lẻ ô tô nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh KQKD của CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC – sàn HOSE).

Những lợi thế như phân phối dòng xecó tốc độ tăng trưởng tốt, hệ thống showroom lớn, trải rộng, đạt chuẩn cao cùng với tốc độ tăng trưởng tích cực của ngành là các yếu tố then chốt bảo đảm khả năng tăng trưởng trong dài hạn của SVC. Thực tế, dòng tiền hoạt động kinh doanh của SVC trong các năm gần đây đã có sự cải thiện rõ nét.

Để củng cố triển vọng tăng trưởng, SVC đang tiến hành đẩy mạnh quá trình thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh khác như bất động sản,bán lẻ xe máy để cải thiện tình hình tài chính, tập trung cho mảng kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, do quỹ đất của SVC lớn, quá trình thoái vốn còn nhiều khó khăn nên vẫn chưa mang lại kết quả rõ rệt.

Chúng tôi cho rằng, tình hình tài chính của SVC có thể sẽ cải thiện đáng kể nếu Công ty thanh lý thành công một số dự án bất động sản nổi bật và thu được dòng tiền.

Kết hợp các phương pháp định giá cũng như xem xét cẩn trọng các rủi ro về ngành, chúng tôi cho rằng giá trị hợp lý của SVC vào khoảng 24.100 đồng/cp, cao hơn mức giá đóng cửa ngày 20/07/2015 là 19,3%. Do vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị TÍCH LŨY đối với cổ phiếu này trong TRUNG HẠN

>> Tải báo cáo

NKG: Khuyến nghị thêm vào trong ngắn hạn

CTCK FPT (FPTS)

Sản lượng bán hàng đạt 157.000 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ (trong đó phân khúc bán hàng Nội địa tăng trưởng 13%, phân khúc xuất khẩu tăng 10%) và cơ cấu sản phẩm của NKG cũng có sự thay đổi giảm dần doanh thu từ hoạt động thương mại (bán thép cán nóng), và tăng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm có biên lãi gộp cao (tôn lạnh, tôn mạ màu). Tuy nhiên, do tình hình cạnh tranh khốc liệt trong ngành thép (trong nước lẫn xk) khiến cho giá bán suy giảm 1 phần dẫn đến doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 giảm 16.7% so với cùng kỳ.

Bù đấp lại sự giảm sút từ Doanh Thu, biên lợi nhuận gộp của NKG đã cải thiện đáng kể từ mức 5.91% trong quý I lên 8.6% trong quý II. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cũng giảm mạnh xuống còn 32 tỷ trong quý II/2015 (-62% so với cùng kỳ).

Nguyên nhân chính là do NKG đã đưa một dây chuyền sản xuất CRC mới (công suất 200.000 tấn/năm) vào hoạt động trong Tháng 4/2015 (chi phí cán nguội gia công bên ngoài sẽ giao động từ 50-60 USD/tấn, trong khi với dây chuyền tự có NKG có thể tự gia công với giá 30-40 USD/tấn, giảm 3-4% giá thành sx). Ngoài ra, các khoản vay cho nhà máy Nam Kim 3 cũng chưa được đưa vào hạch toán chi phí nên làm giảm đáng kể chi phí lãi vay.

Đồng thời, với việc đưa vào sản xuất dây chuyền mạ lạnh 2 từ tháng 7.2015, sản lượng bán hàng của Công ty sẽ tăng mức bình quân từ 8.000 – 10.000 tấn/tháng, Vì vậy sản lượng, doanh thu, lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm dự báo sẽ tăng so với thực hiện 6 tháng đầu năm 2015. Do đó, dự báo lợi nhuận sau thuế 2015 có thể đạt 130-140 tỷ, vượt 8%-16% kế hoạch và tăng 70%-80% so với năm ngoái, tương đương với EPS (F) = 2.605 – 2805 đ/cp.

Tuy hình hình hoạt động NKG đã đi lên rất nhiều, các doanh nghiệp ngành tôn vẫn phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn về cạnh tranh và việc giá thép cán nóng tiếp tục xu hướng giảm. Tình hình xuất khẩu của Nam Kim cũng đang gặp nhiều khó khăn, khi tại 2 thị trường chính là Indo và Thái Lan, tôn Việt Nam đang bị đang bị điều tra về việc chống bán phá giá.

Bên cạnh đó, tình hình TQ đang gặp rất nhiều khó khăn, nên lượng thép dư thừa từ TQ có thể sẽ tiếp tục đổ vào các nước ASEAN trong thời gian tới. Ngoài ra, NKG đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng sản xuất nên kết quả kinh doanh có thể bị ảnh hưởng trong 2015-2016.

Với PE trung bình ngành 6.2x, giá hợp lý cho NKG vào thời điểm hiện tại 16.500 VND/cp, tăng 8.5% so với giá hiện tại. Khuyến nghị: THÊM trong ngắn hạn 3-4 tháng, và THEO DÕI trong dài hạn cho đến khi nhà máy NK 3 hoạt động ổn định.

CHP: Khuyến nghị thêm vào

CTCK FPT (FPTS)

Trái ngược với thời tiết ở khu vực miền Nam và duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những khu vực hiếm hoi ở nước ta có sự cải thiện về lượng mưa so với năm 2014. Lượng nước về nhiều khiến sản lượng của nhà máy thủy điện A Lưới có sự tăng trưởng vượt bậc. Lũy kế đến cuối tháng 6/2015, sản lượng điện thương phẩm của nhà máy này đã đạt 267,6 triệu kWh (+55% so với cùng kỳ).

Sự cải thiện về kết quả kinh doanh của CHP không chỉ đến từ tăng trưởng sản lượng mà còn nhờ giá bán khi doanh nghiệp đã ký thành công hợp đồng mua bán điện cho nhà máy A Lưới vào quý IV/2014, giá điện theo hợp đồng PPA đã tăng 15% từ mức 804,3 đồng/kWh lên 926,33 đồng/kWh.

Không những thế, tình hình khô hạn kéo dài ở miền Nam cũng tạo điều kiện cho CHP có thể chào giá bán rất cao trên thị trường điện cạnh tranh để gia tăng lợi nhuận. Theo tính toán của chúng tôi, giá bán điện bình quân 6 tháng đầu năm của A Lưới lên đến 1.185 đồng/kWh, cao hơn nhiều so với giá PPA.

Doanh thu nửa đầu năm 2015 của CHP đạt 317 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Trong khi các loại chi phí giá vốn của một nhà máy thủy điện chủ yếu là chi phí cố định, do đó không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ.

Trong năm, CHP đã hoàn thành đàm phán lại khoản vay, giúp chi phí lãi vay giảm 20% chỉ còn 69,1 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm rất khả quan, CHP đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ấn tượng trên 12 lần, đạt 133,5 tỷ đồng, tương đương EPS 1.060 đồng/cp. Mức sản lượng cao có thể sẽ tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm 2015.

Theo đó chúng tôi dự báo thận trọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015 của CHP đạt lần lượt 678 (+ 9% so với năm ngoái) và 305 tỷ đồng (+43% so với năm ngoái). Tương đương với EPS (2015F) đạt 2.546 đồng/cp. Với mức P/E bình quân của ngành điện hiện tại là 8,5x, chúng tôi đưa ra khuyến nghị THÊM cổ phiếu CHP với giá mục tiêu 2015 là 21.000 đồng/cp.

DHC: Khuyến nghị mua vào trong ngắn hạn

CTCK FPT (FPTS)

Trong 6 tháng đầu năm 2015, kết quả kinh doanh của DHC có những chuyển biến tích cực khi công ty thực hiện thay đối cơ cấu tiêu thụ sản phẩm khi đẩy mạnh tiêu thụ giấy Testiliner. Mặc khác giá giấy nguyên liệu trong quý II/2015 giảm khiến khiến biên lợi nhuận gộp của công ty được cải thiện từ 17.3% trong quý II/2014 lên 19.06%.

Chi phí lãi vay trong quý II/2015 giảm đáng kể chỉ còn 1.15 tỷ đồng, giảm 45.7% yoy do công ty đã trả bớt nợ vay ngắn hạn trong quý I/2015. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2015, DHC đã hoàn thành được 54.6% kế hoạch doanh thu thuần và 78.14% kế hoạch về lợi nhuận sau thuế.

Dự án nhà máy Giao Long: Trong quý III/2015, công ty sẽ khởi công xây dựng nhà máy kraft Giao Long giai đoạn 2. Nhà máy được dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017 với công suất thiết kế là 150 nghìn tấn/năm (tăng gần gấp đôi so với công suất thiết kế ban đầu là 80 nghìn tấn/năm). Vốn đầu tư cho dự án cũng được nâng từ 400 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.

Công ty đã tạm ứng 10% cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt. Công ty cũng sẽ phát hành thêm 1.57 triệu cổ phiếu để trả 10% cổ tức cho năm 2014.

Hoạt động kinh doanh của DHC đang dần được cải thiện sau giai đoạn hoạt động kinh doanh không hiệu quả vào năm 2011-2012. Bên cạnh đó, công ty đã chủ động dự trữ nguyên liệu giá rẻ khi giá giấy nguyên liệu trên thế giới đang có xu hướng tăng trở lại, vì vậy chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế của DHC trong năm 2015 sẽ cao hơn kế hoạch đã đề ra và đạt khoảng 60 tỷ đồng, tương ứng EPS đạt 3.824 đồng, giá mục tiêu là 30.600 đồng (tương ứng PE mục tiêu khoảng 8,0). Khuyến nghị: MUA DHC trong ngắn hạn.

SHI: PE giao dịch ở mức 10,5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Với chiến lược mở rộng thị trường, từ hai năm trước SHI đã bắt đầu tập trung phát triển thị trường nông thôn là thị trường rộng lớn và có tiềm năng phát triển. Với điều kiện sống và thu nhập bình quân được cải thiện ở các vùng nông thôn, giá của các sản phẩm gia dụng của SHI (gồm bồn nước inox, chậu rửa, Thái Dương Năng, máy lọc nước RO) ngày càng phù hợp với thị trường nông thôn.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, SHI cũng đưa ra mục tiêu phát triển sản phẩm mới. Một trong những sản phẩm mới đã nghiên cứu sản xuất là sản phẩm chậu rửa cao cấp dành cho thị trường xuất khẩu. Trong tháng 8/2015 tới, công ty sẽ xuất khẩu lô sản phẩm chậu rửa cao cấp đầu tiên.

Ngoài ra, công ty có kế hoạch trong năm nay sẽ thành lập một công ty con là công ty TNHH một thành viên chuyên về hàng công nghiệp để tối ưu hoá việc quản trị và hoạt động SXKD của hai mảng hàng gia dụng và hàng công nghiệp, là hai mảng hoạt động vốn có những khác biệt về quản trị, quản lý và bán hàng.

Trước đây, đối với mặt hàng gia dụng, phần lớn sản phẩm được phân phối thông qua các nhà phân phối. Từ cách đây 2 năm, với chiến lược phát triển thị trường nông thôn, SHI đã tập trung xây dựng hệ thống chi nhánh của công ty để trực tiếp bán hàng tại các tỉnh thành.

Đến nay, công ty đã có 40 chi nhánh ở các tỉnh thành từ Đà nẵng trở ra miền Bắc. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm sẽ thành lập thêm khoảng 4-5 chi nhánh. Đến nay, 60% doanh thu hàng gia dụng là từ hệ thống chi nhánh, 35% từ các nhà phân phối và khoảng 5% còn lại là từ đội ngũ kinh doanh của công ty.

Với mục tiêu mở rộng thị trường, tăng trưởng 25-30%/năm đối với mặt hàng gia dụng chủ lực là bồn nước inox, SHI có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư xây dựng một số nhà máy mới.

SHI đã lên kế hoạch tăng vốn trong thời gian ba năm tới nhằm đầu tư mở rộng sản xuất và tái cơ cấu nợ vay (hiện nay tỷ lệ nợ vay/VCSH của SHI ở mức cao 190% vào cuối quý 1/2015) Kế hoạch này đã được thông qua tại ĐHCĐ 2015.

Theo công bố của công ty về KQKD của công ty mẹ, lợi nhuận trước thuế quý II/2015 của công ty mẹ ước tính sơ bộ đạt 37 tỷ, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2014 và tăng khoảng 90% so với quý I/2015 trước đó.

SHI hiện có hai công ty con được hợp nhất là Công ty TNHH MTV Quốc tế Sơn Hà Chu Lai với nhà máy mới đi vào hoạt động và có thể chưa có đóng góp trong quý vừa qua, và CTCP đầu tư và kinh doanh thương mại Vinaconex (kinh doanh cho thuê Vinaconex Plaza, Hà Nội), có thể tiếp tục ghi nhận lỗ như trong thời gian từ quý 1/2014 đến Q1/15, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đến lợi nhuận hợp nhất là không đáng kể.

Nhìn chung, chúng tôi cho rằng lợi nhuận hợp nhất quý II/2015 sẽ ghi nhận tăng trưởng tốt. Trước đó, trong quý I/2015, SHI ghi nhận tăng trưởng cao với doanh thu thuần hợp nhất 434,3 tỷ, tăng 15,8% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 19,2 tỷ, gấp 13 lần so với cùng kỳ.

Với chiến lược phát triển thị trường nông thôn, mở rộng hệ thống chi nhánh để phân phối sản phẩm phát triển thị trường mới và kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất được đặt ra khá bài bản, nếu được triển khai đúng dự kiến sẽ đem lại động lực tăng trưởng cho SHI trong dài hạn. Tuy nhiên, việc triển khai các nhà máy mới phụ thuộc vào việc thực hiện kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành trái phiếu như đề cập ở trên.

Trước mắt, trong năm nay nếu kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu được thực hiện cũng sẽ có ảnh hưởng pha loãng cổ phiếu. Với kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2015 đạt 65 tỷ mà công ty đặt ra, ước tính EPS 2015 chưa pha loãng đạt 1.770 đồng/cp. Trường hợp 18 triệu cổ phiếu được phát hành trong tháng 8/2015 như dự kiến, EPS 2015 điều chỉnh pha loãng đạt 1.188 đồng/cp. Ở mức giá đóng cửa ngày 21/7/2015 là 12.500 đồng/cp, P/E 2015 là 10,5 lần.

IMP: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

IMP vừa công bố KQKD quý II/2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng 15,7% và 27% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 230,1 và 27,2 tỷ đồng, so với dự báo 211,7 tỷ đồng doanh thu và 26,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của chúng tôi.

Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh của ngành dược trong nước ngày càng gia tăng, thì mức tăng trưởng doanh thu gần 16% so với cùng kỳ mà IMP đạt được trong quý II/2015 vừa qua là khá tốt, nhưng có phần chậm lại so với mức tăng mạnh gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái của quý I/2015. Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu IMP tăng khoảng 20% n/n lên 448,1 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu hàng sản xuất tăng 19% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 33% so với cùng kỳ của doanh thu hàng nhượng quyền. Do vậy, tỷ trọng đóng góp doanh thu của hàng sản xuất của IMP có điều chỉnh nhẹ từ 87% trong 6 tháng đầu năm 2014 xuống còn 85% trong 6 tháng đầu năm 2015.

Doanh thu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2015 với mức tăng 37% so với cùng kỳ, đóng góp khoảng 88% doanh thu hàng sản xuất của IMP, so với tỷ lệ dưới 80% của cùng kỳ năm trước. Do đẩy mạnh OTC, tỷ lệ CPBH&QL doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 đã tăng lên 36,2% từ mức 32% của 6 tháng đầu năm 2015. Ở chiều ngược lại, doanh thu từ hệ điều trị (ETC) vẫn giảm hơn 40% n/n do khó khăn từ việc đấu thầu.

Duy trì khuyến nghị MUA. Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015, IMP đã hoàn thành được 44% và hơn 50% kế hoạch 1.050 tỷ đồng doanh thu (+17% so với năm ngoái) và 130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+17,9% so với năm ngoái) của năm 2015. Cổ phiếu IMP đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 12,5 lần, so với mức hơn 20 lần bình quân các thị trường dược mới nổi của Châu Á (Emerging Asia pharmaceutical companies).

DRC: PE đang giao dịch ở mức cao, đạt 10,5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

DRC vừa công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2015 với doanh thu thuần tăng 10% so với cùng kỳ 2014, đạt 1771 tỷ đồng. DRC chưa công bố chi tiết tình hình tiêu thụ lốp tuy nhiên chúng tôi cho rằng đạt được mức tăng trưởng này là nhờ tiêu thụ lốp radian khả quan trong 6 tháng đầu năm 2015 (chúng tôi sẽ cập nhật sau khi có số liệu chính thức từ doanh nghiệp).

Biên lợi nhuận gộp đạt 24,3% trong 6 tháng đầu năm 2015, tương đương 6 tháng đầu năm 2014. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng từ 4,5% trong 6 tháng đầu năm 2014 lên 4,5% trong 6 tháng đầu năm 2015 trong khi Chi phí tài chính ròng giảm 22% xuống còn 57 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ HĐ Kinh doanh tăng 10,1%. lợi nhuận trước thuế tăng 9,6% đạt 259,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 tăng 9,5% n/n lên 202,6 tỷ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, DRC đã lần lượt hoàn thành 45% và 57% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế 2015. Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015 và giá cao su đầu vào vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp, chúng tôi đánh giá cao khả năng hoàn thành kế hoạch 2015.

DRC đang được giao dịch tại P/E 2015 là 10,5 lần, tương đối cao hơn công ty cùng quy mô là CSM (8 lần). Tuy nhiên, cần lưu ý tiêu thụ lốp radian toàn thép của DRC đang có phần thuận lợi hơn của CSM.

CII: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Nhận định của MBKE:

CII được chúng tôi nhìn nhận nằm trong xu hướng tăng kể từ giai đoạn tháng 4 đến nay.  

Pha điều chỉnh hiện tại đã đưa đường giá giảm về vùng hỗ trợ của xu hướng tăng, khu vực 24.9 và đường giá đã có phản ứng tích cực sau đó.  

Kết quả bật tăng hôm nay (sau một phiên xuất hiện cầu bắt đáy tốt tại mốc 24.9 trước đó) giúp củng cố khả năng kết thúc pha điều chỉnh.  

Dựa trên các đợt tăng trước đó, khả năng CII vươn lên trên khu vực 30 được chúng tôi đánh giá cao.  

Thanh khoản là điểm trừ. KLGD của CII hiện không cao như giai đoạn trước và điều này cần được cải thiện trong giai đoạn tới để xu hướng tăng bền vững hơn.  

MACD vẫn còn giảm nhưng đang nằm khá cao hơn mức 0 để ủng hộ xu hướng tăng của giá. Các chỉ báo khác đa phần trong vùng tích cực.

Chiến lược đầu tư:  NĐT có thể mua vào CII ở quanh giá hiện tại 25.8; Mục tiêu gần nhất tại: 30.4 (+17.8%);  Dừng lỗ tại: 23.3 (-9.6%).

Tin bài liên quan